Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Người đăng: Thanh Phương .Ngày đăng: 06/11/2014 .Lượt xem: 403 lượt.
Ngày 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm tán thành với quy định trong Dự thảo Luật.


Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 5-11-2014
Ảnh: Hoàng Long

Nên giữ nguyên Lời nói đầu

Tán thành với các quy định trong Dự thảo Luật Mặt trận sửa đổi, ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) cho rằng Dự thảo Luật đã được chuẩn bị chu đáo công phu kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, cán bộ Mặt trận. Ông Dương nói: Lời nói đầu của Luật hết sức ngắn gọn và xúc tích. Vì vậy nên giữ nguyên phần Lời nói đầu về vai trò vị trí Mặt trận trong hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết nối nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Cho rằng "đây là Dự án Luật khó kể cả về mặt lý luận, kể cả mặt thực tiễn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nói:  "Ở các nước không có luật về tổ chức như thế này. Nhưng lịch sử phát triển của chúng ta thì Mặt trận là một thiết chế rất đặc biệt. Chính vì rất đặc biệt nên luật cũng rất đặc biệt. Tôi tán thành những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật”. Theo ông Quyền, đối với các tổ chức chính trị-xã hội thì liều lượng điều chỉnh đến đâu rất quan trọng. Nhà nước điều chỉnh đến đâu?. Còn từ đâu thì tổ chức được tự điều chỉnh theo Điều lệ của mình. Ông Quyền cũng bày tỏ băn khoăn về chương tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, tham gia xây dựng Nhà nước, thì cần rà soát làm rõ cái gì cần luật hóa? Cái gì để ở Điều lệ?

Theo ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cần bổ sung quan hệ giữa Mặt trận với Đảng, bởi tại Điều 4 của Dự thảo, Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc. Về tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, ông Bình cho rằng phải bổ sung thành viên của Mặt trận ở trong nước và ngoài nước. 

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng,  phần về Đảng trong Luật Mặt trận nên diễn đạt lại. Dự thảo Luật quy định Đảng vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận thì cần phải diễn đạt lại cho đúng vị thế, vai trò, trách nhiệm đồng thời thể hiện rõ mối quan hệ. Theo ông Cường nên diễn đạt là Đảng lãnh đạo Mặt trận đồng thời là tổ chức thành viên của Mặt trận.

Cũng theo ông Cường, cần phải quy định rõ một khoản khác riêng về quan hệ của Mặt trận với các tổ chức thành viên để rõ nghĩa vụ của các tổ chức thành viên với Mặt trận là thế nào? Mặt trận với các tổ chức thành viên quyền hạn, trách nhiệm đến đâu? "Mặc dù đã nói tổ chức liên minh chính trị tự nguyện nhưng cũng cần quy định cụ thể, trong phạm vi nào, giới hạn nào, trách nhiệm với nhau đến đâu. Trên cơ sở đó mới cụ thể hóa mối quan hệ”-ông Cường cho hay.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: 
Mặt trận hãy phát huy tiếng nói của xã hội

Tinh thần là rõ ràng, giám sát phản biện của Mặt trận là giám sát phản biện nhân dân, giám sát phản biện xã hội chứ không phải giám sát của cơ quan quyền lực. Phản biện xã hội, là tập hợp các tổ chức thành viên, cùng nhau thảo luận, cùng nhau trao đổi, nói ý kiến chính thức trước HĐND,UBND, trước QH, đấy là tiếng nói xã hội. Mà tiếng nói xã hội thì dù anh làm lãnh đạo hành chính cấp nào, anh không nghe là không xong đâu;  phải tiếp thu, không thì phải giải trình, nói cái nào chắc cái đấy. Cái hay nhất, khó nhất ở chỗ chọn người có uy tín để nói, hai là chọn bộ phận nắm chắc được vấn đề, phân tích vấn đề. Thứ 3 đặt ra công luận xã hội là phản biện xã hội. 

Cho nên giám sát của Mặt trận khác giám sát của HĐND. Hiện, Mặt trận có thuận lợi, phát huy rất rõ đó là 2 là Quyết định của Bộ Chính trị.

Đối tượng giám sát cần cụ thể hơn

ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh) cho rằng, về vấn đề giám sát vẫn còn lúng túng giữa giám sát tối cao, giám sát của cơ quan Nhà nước, giám sát của nhân dân. Vì thế giám sát của Mặt trân cần nhưng là thông tin để tăng cường đối thoại, đối chất, kết quả là có kiến nghị với Đảng, cơ quan chính quyền. "Tôi ngại là cơ chế đối thoại của chúng ta để tìm ra chân lý vẫn còn yếu lắm, Mặt trận kiến nghị tuy không có chế tài nhưng cũng phải được giải quyết”-ông Trọng nói. 

Theo ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), đối tượng giám sát của Mặt trận cần cụ thể hơn như đối tượng là công chức biên chế nhà nước, cán bộ các cơ quan dân cử. Về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chỉ quy định những nguyên tắc, còn các trình tự thủ tục, giám sát đến đâu thì để Điều lệ điều chỉnh. Theo ông Quyền: Mặt trận là tiếng nói của khối đại đoàn kết, cho nên Mặt trận cần phải phối hợp với báo chí để tạo nên sức mạnh vì Mặt trận không thể ra các quyết định chế tài, cưỡng chế. Nhưng điều này đang thiếu trong Dự thảo Luật. "Quyền lực của Mặt trận chính là sức ép đối với các cơ quan nhà nước. Theo tôi Mặt trận không phản biện hết tất cả các vấn đề của đời sống xã hội mà chỉ tập trung phản biện những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”-ông Quyền nói.

Trước vấn đề Luật Mặt trận không quy định chức năng giám sát Đảng, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha giải thích, Mặt trận đại diện quyền và lợi ích của nhân dân; trong Quyết định 217 cũng có nêu Mặt trận tham gia xây dựng Đảng và thực tế chúng tôi vẫn làm công việc này có kết quả, "cho nên chúng tôi không đưa vào Dự thảo nhưng không có nghĩa là không làm, bởi trong văn kiện Đảng đã quy định chi tiết vấn đề này”.

Cũng về vấn đề này, trước những băn khoăn của các vị ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, quan hệ Đảng và Mặt trận được điều tiết theo quy định Đảng chứ không qua Quốc hội. Luật là do Quốc hội thông qua nên không đưa giám sát hoạt động Đảng vào trong Luật. "Không đưa nhưng không có nghĩa không làm. Giám sát xong thì gửi cho Đảng và Đảng có ý kiến”-ông Nhân cho hay.

Về việc tại sao Mặt trận không đi giám sát trực tiếp mà phải có cơ chế phối hợp,  Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói: "Nếu Mặt trận tổ chức đoàn giám sát rất khó làm. Ví dụ 1 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Vì luật pháp không có quy định báo cáo Mặt trận nên nếu không có phối hợp thì không được. Điều 96 Hiến pháp mới quy định Chính phủ phối hợp với Mặt trận khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Nên khi giám sát phải thống nhất với cơ quan chính quyền. Thủ tướng cho phép thì Mặt trận mới tham gia giám sát và có các bộ đi cùng.”. Theo ông Nhân, vừa qua Mặt trận đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giám sát chính sách đối với người có công; hay phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giám sát đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu. 

"Hoạt động giám sát không gây trở ngại cho cơ quan giám sát. Giám sát là bổ sung cho kiểm tra của Nhà nước. Chỗ nào thấy Nhà nước làm chưa hết thì mới vào cuộc chứ không làm túy hứng”-ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Đại Lộc: Hơn 52 ngàn lượt người được phổ biến pháp luật. (Ngày đăng: 22/07/2016 )
Duy Xuyên: Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản Luật trong các tầng lớp nhân dân. (Ngày đăng: 15/07/2016 )
Tâm huyết của người chỉ huy (Ngày đăng: 02/05/2016 )
Luật Mặt trận mở hướng cho cán bộ cơ sở (Ngày đăng: 04/06/2015 )
Núi Thành: Tổ chức tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư (Ngày đăng: 02/06/2015 )
Quốc hội thảo luận Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) (Ngày đăng: 22/05/2015 )
Duy Xuyên: Tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền pháp luật năm 2015 (Ngày đăng: 25/04/2015 )
Phước Sơn: Tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật năm 2015 (Ngày đăng: 10/04/2015 )
Phải thể hiện bản lĩnh Mặt trận (Ngày đăng: 07/04/2015 )
Phú Ninh: Tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật (Ngày đăng: 03/04/2015 )
Các tin cũ hơn:
Góp ý Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) (08/10/2014 )
Tập huấn tuyên truyền pháp luật năm 2014 (04/08/2014 )
Toàn văn Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và các tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp (07/05/2014 )
TIẾN TRÌNH HIẾN ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (05/05/2014 )
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (02/04/2014 )
Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về triển khai thi hành Hiến pháp (06/01/2014 )
Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (12/12/2013 )
Hiến pháp và vị thế mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (29/11/2013) (29/11/2013 )
Ngày 9-11, Ngày Pháp luật Việt Nam (14/11/2013 )
Thành phố Hội An tổ chức Tọa đàm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 (23/06/2013 )
    
1   2