Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu tại phiên họp
Ảnh: TTXVN
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật MTTQVN sửa đổi do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày cho biết: Về Ban Công tác Mặt trận nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định trong Luật về Ban công tác Mặt trận. Vì hiện nay Ban Công tác Mặt trận đã được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương. Đây là tổ chức đang triển khai nhiều hoạt động của Mặt trận ở cơ sở. Do đó, việc luật hoá mô hình này trong Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư.
"UBTVQH nhận thấy, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều thừa nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản trong thời gian qua. Ban Công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn, do đó cũng cần được ghi nhận trong Luật, tạo cơ sở pháp lý để Ban này hoạt động. Tổ chức và hoạt động cụ thể của Ban Công tác Mặt trận sẽ do Điều lệ MTTQVN quy định. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về Ban Công tác Mặt trận và xin được chỉnh lý lại như trong dự thảo Luật”-ông Lý cho hay.
Trước ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc "Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQVN” vì cho rằng quy định này chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN, UBTVQH sau khi thảo luận đã cho rằng, lịch sử đã chứng minh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu hoạt động của Mặt trận Dân tộc Thống nhất đến MTTQVN ngày nay. "Vì vậy, một trong những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của MTTQVN là Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách vừa là tổ chức thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của Dự thảo Luật” - tờ trình của UBTVQH khẳng định.
Về hoạt động giám sát của MTTQVN, thay mặt Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết: Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải quy định trong Dự thảo Luật về hoạt động giám sát của MTTQVN. UBTVQH cũng nhận thấy, Dự thảo Luật đã xác định giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, mang tính nhân dân nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Bởi vì, thông qua hoạt động giám sát của mình, Mặt trận góp phần kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm; phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Với tính chất như vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý để quy định rõ hơn tính đặc thù trong hoạt động giám sát, về phạm vi giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát; quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của MTTQVN trong hoạt động giám sát cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát để tránh trùng lặp với giám sát của cơ quan dân cử.
Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các vị đại biểu đều bày tỏ quan điểm đồng tình cao với báo cáo giải trình của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội bày tỏ quan điểm hoan nghênh Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các vị đại biểu tại phiên họp trước. Các vấn đề đặt ra đã toàn diện, Luật đủ điều kiện báo cáo với Quốc hội và thông qua tại kỳ họp tới. "Đây là Luật quan trọng để cụ thể hóa Hiến pháp, nên cần thông qua với số phiếu cao; thể hiện trách nhiệm của Quốc hội khi thông qua Luật này”-Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm đồng tình với tất cả các nội dung như báo cáo giải trình nêu. "Đây là sự mong mỏi của Mặt trận nói chung và đặc biệt là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Tôi rất mừng là hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý toàn bộ các nội dung. Như vậy là đã rõ nên tôi không cần nêu thêm”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đồng tình với Dự án Luật, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai còn băn khoăn về việc trong Luật xác định quy định giám sát của Mặt trận chỉ là hỗ trợ cho công tác thanh tra của Nhà nước. Mặt trận là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho nhân dân, là giám sát toàn dân. Cho nên giám sát của Mặt trận phải độc lập để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân chứ không phải chỉ hỗ trợ cho thanh tra. Ngay sau đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định rằng: "Tính chất giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân, nên không phải muốn giám sát gì thì giám sát, mà ở chỗ, khi nào nhân dân thấy những vấn đề trong hoạt động của Nhà nước chưa đáp ứng tốt thì Mặt trận sẽ tham gia giám sát thêm. Ví như việc giải quyết khiếu nại tố cáo mà Chính phủ, Quốc hội làm tốt hết rồi thì Mặt trận không có nhu cầu làm thêm để tránh chồng chéo. Mục tiêu của giám sát là nhằm phát hiện những yếu kém, những điển hình tiên tiến chứ không phải Mặt trận né tránh”. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, công tác của Mặt trận năm nay sẽ ưu tiên giám sát lời hứa của lãnh đạo các phường, xã khi tiếp xúc cử tri.
|