Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ.
Người đăng: Ban Biên tập .Ngày đăng: 29/08/2016 .Lượt xem: 191 lượt.
Vậy là đã 47 năm kể từ ngày 2 thánh 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đi vào cõi vĩnh hằng. Thời gian càng lùi xa, tư tưởng và hình ảnh vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc càng lắng đọng trong mỗi trái tim người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong kho tàng tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi đọc lại bản Di chúc, càng thấy thấm thía biết bao lời Người dặn lại trước lúc đi xa. Suốt bốn mươi bảy năm qua, mỗi cán bộ, đảng viên khắc ghi và nguyện phấn đấu làm theo lời căn dặn của Người, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân xây dựng đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó.
   Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá. Những bài nói, bài viết của Người về cán bộ và công tác cán bộ là "báu vật" trong kho tàng tài sản vô giá ấy, càng ngẫm nghĩ càng thấy sự vĩ đại của Bác. Trước khi "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin", Người muốn "trước hết nói về Ðảng" và ân cần: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Những lời chỉ bảo ấy đã trở thành ý thức phấn đấu không mệt mỏi của toàn Ðảng suốt 47 năm qua. 
   Sinh thời, nói đến bất kỳ công việc gì, Bác Hồ cũng nhấn mạnh vai trò và đạo đức của cán bộ; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Không phải ngẫu nhiên, trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa tháng 2-1947, Người lại khẳng định: "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt..., nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được". Người ghét thói quan liêu, hách dịch dân và luôn căn dặn rằng, cán bộ không phải là "ông quan cách mạng" mà là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; là người đem chủ trương, đường lối của Ðảng đến với nhân dân để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới. Ðó là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng vô cùng nặng nề; là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đấu tranh với kẻ thù xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; đấu tranh với thiên nhiên, với nghèo nàn lạc hậu để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Coi đạo đức là gốc, song không bao giờ Người tuyệt đối hóa nó mà gắn liền với yêu cầu về tài năng. Có đức mà không có tài thì chẳng giúp ích được gì cho ai, thậm chí làm hỏng việc của cách mạng. Người nói: "Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn... Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng". 
   Ðức và tài là hai mặt làm nên bản chất người cán bộ. Nhưng trong cuộc sống, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Khẳng định như thế, Bác căn dặn cán bộ ta: "Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác"; hay: "Cất nhắc cán bộ, không nên làm như "giã gạo". Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời". Người phê phán kiểu không biết tùy tài mà dùng người, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, làm cho cả hai người cùng lúng túng. Vậy, thế nào là dùng cán bộ cho đúng ? Theo Người, đó là phải độ lượng, không thành kiến; phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi người mình không ưa; phải biết nâng đỡ đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ; phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt... Thật sâu sắc biết bao mỗi khi ngẫm lại những lời dặn ân tình ấy. 
   Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ không chỉ thể hiện trong những bài viết, lời nói, mà được khẳng định bằng chính bản thân con người Hồ Chí Minh. Suốt đời, Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ðến đâu, Người cũng yêu thương, chăm lo dạy bảo cán bộ. 
   Ðã bốn mươi bảy năm, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa. Mỗi khi đọc lại, soi mình vào từng lời trong bản Di chúc, chúng ta tự hào, kính dâng lên Người những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam,  những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua. Song, mỗi cán bộ, đảng viên cũng tự nhận thấy rằng phải không ngừng phấn đấu hơn nữa để thực hiện tốt những điều Người hằng mong muốn. Lời thề trước anh linh của Người 47 năm trước một lần nữa thôi thúc chúng ta: "Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Ðảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH". 
   Suốt mấy chục năm qua, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, bằng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, Ðảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới. Trong xây dựng Ðảng nói chung cũng như công tác cán bộ nói riêng, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhận thức sâu sắc lời Người căn dặn, thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phấn đấu xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Ðể biến tư tưởng, tình cảm ấy thành hành động cách mạng, Ðảng ta đã nhiều lần tổ chức, triển khai sâu rộng trong toàn xã hội việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và làm theo tấm gương đạo đức của Người. 
   Xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Ðảng, Ðảng ta đã có nhiều nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này. Bám sát chủ trương ấy và thực tiễn đất nước, đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ không ngừng phấn đấu thực hiện tinh thần đổi mới của Ðảng, làm theo những điều Bác Hồ đã dặn, bảo đảm dân chủ, khoa học, công minh trong công tác cán bộ; từng bước cải tiến việc đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ; gắn đào tạo, bồi dưỡng qua học tập với hoạt động thực tiễn để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, quản lý. 
   Tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Người, ngành tổ chức xây dựng Ðảng nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung ý thức sâu sắc rằng, công tác cán bộ là công việc gốc của Ðảng. Các cấp ủy đảng, các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ với tinh thần đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Cụ thể là đổi mới việc đánh giá cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; tiếp tục thực hiện thường xuyên chủ trương luân chuyển cán bộ để cán bộ được rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn. Tạo chuyển biến sâu sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, gắn kết đồng bộ các khâu của công tác này. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu nâng cao chất lượng, tinh giản biên chế hành chính. Vừa tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, các cơ quan tổ chức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi chúng ta thấm nhuần sâu sắc rằng, "đạo đức là cái gốc của người cách mạng" - có nghĩa là phải thường xuyên rèn luyện, xây dựng và bồi đắp lòng trung với nước, hiếu với dân, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, thương yêu đồng chí, đồng bào, có lối sống giản dị, trung thực, gần gũi nhân dân, sống có tình, có nghĩa, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm... Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở từng việc làm cụ thể và trong suốt cuộc đời mỗi cán bộ; học tập lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, đường lối của Ðảng về công tác cán bộ; học qua trường lớp, học từ thực tiễn, học ở nhân dân, học ở đồng nghiệp, những người đi trước để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, có tầm nhìn xa, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Ðảng về những tham mưu đề xuất của mình. Những người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, chí công vô tư; tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu để Ðảng lựa chọn người hiền tài vào bộ máy của Ðảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị. Phải có bản lĩnh, ý chí đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ. Gắn nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác cán bộ với củng cố hệ thống bộ máy làm công tác tổ chức cán bộ của Ðảng; đồng thời xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo điều kiện để cán bộ luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác cán bộ. 
   Bốn mươi bảy năm qua, toàn Ðảng, toàn dân ta không ngừng phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", viết nên những trang sử mới hào hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Bằng mỗi việc làm cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta tiếp tục thực hiện thật tốt Di chúc của Người gắn với từng kế hoạch, chương trình công tác của mình, bằng trách nhiệm chính trị cao cả và tình cảm sâu nặng không bao giờ phai đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu./.
Nguồn tin: Lê Thái Bình- Sưa tầm và Biên soạn
[Trở về]

Các tin cũ hơn:
Những hình ảnh bình dị về cuộc đời Bác Hồ (Ngày đăng: 19/05/2016 )
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về sức mạnh đoàn kết (Ngày đăng: 30/08/2013 )
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng (Ngày đăng: 09/08/2013 )
Chủ tịch Hồ chí minh nói về đại đoàn kết dân tộc (Ngày đăng: 05/08/2013 )
Chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xuyên suốt toàn khóa XI của Đảng (2011 – 2015) (Ngày đăng: 24/07/2013 )