Thị xã Hội An xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao của các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, trong đó có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bắt đầu từ 02 khối phố với 2 đặc điểm dân cư khác nhau. Khối phố 3 (phường Thanh Hà) đại diện cho phần lớn nhân dân lao động và khối phố Tân Thanh (phường Tân An) đại diện cho đa số cán bộ hưu trí và đương chức để rút kinh nghiệm nhân rộng. Sau khi phát động, toàn thành phố Hội An có 54/69 thôn, khối phố đăng ký xây dựng thôn, khối phố văn hóa, đạt 78,3%. Đến năm 2003, có 11/54 thôn, khối phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm 20,4%. Trong đó, có 11 thôn, khối phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh; 10 thôn, khối phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa cấp thành phố. Năm 2005, Hội An được Trung ương ghi nhận, tuyên dương là mô hình “Đô thị văn hóa” đầu tiên và điển hình của cả nước. Đến năm 2009, toàn thành phố có 42/77 thôn, khối phố đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, chiếm 54,5%, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2003.
Phát huy kết quả đạt được, để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh theo Chỉ thị số 1869/CT-TTg ngày 10/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong giai đoạn mới, với định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch, thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) các cấp thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn UBMTTQVN các xã, phường phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân toàn thành phố hăng hái hưởng ứng, tích cực thực hiện đạt kết quả toàn diện 05 nội dung của cuộc vận động.
Đoàn kết, tương trợ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, là nền tảng thành công của cuộc vận động. Do đó, UBMTTQVN các xã, phường phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức vận động Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền gần 16 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ xây dựng 551 nhà “Đại đoàn kết”, hỗ trợ hàng ngàn phương tiện sản xuất, trợ giúp đột xuất cho hàng trăm hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Động viên nhân dân tự nguyện hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương để phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn thành phố có nhiều khu dân cư không còn hộ nghèo như khu dân cư Tân Thanh, Tân Hoà (phường Tân An); Cửa Suối (xã Cẩm Hà); Phong Thiện (phường Sơn Phong)... và đặc biệt phường Minh An đã hoàn thành công tác xóa đói giảm nghèo (hiện nay không còn hộ nghèo).
Bên cạnh nhiệm vụ đoàn kết phát triển kinh tế, các khu dân cư đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, tu bổ các di tích lịch sử-văn hoá, các đình làng và các nơi công cộng. Vận động mọi người, mọi nhà tích cực thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, thực hiện quy ước, hương ước về việc cưới, tang, lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan, tham gia bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, thể thao, vui chơi giải trí… từng bước nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của mỗi người dân.
Hưởng ứng Đề án xây dựng “Hội An-thành phố sinh thái-văn hoá-du lịch”, tất cả 77 khu dân cư trên địa bàn thành phố tập trung tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ô nhiễm môi trường, tham gia xây dựng, bảo vệ, cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom xử lý rác thải, trồng cây xanh. Vận động nhân dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không đổ rác phế thải sai quy định, tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh làm sạch đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm với nhiều phong trào: “nói không với túi ni lông”, “không khói thuốc lá”, “ngày không khói xe”... Vận động nhân dân di dời chuồng trại gia súc, gia cầm cách xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Giữ gìn khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia giám sát tốt công tác quản lý đất đai, khai thác tài nguyên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương.
Nhờ thực hiện đồng bộ 5 nội dung cuộc vận động, đời sống của nhân dân thành phố Hội An đã có bước phát triển nhanh và ngày càng vững chắc, chất lượng xây dựng khu dân cư văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 2,15 % (so với 6,47% năm 2006), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố đã xóa xong nhà dột nát cho hộ nghèo, hàng trăm km đường làng, ngõ xóm được bêtông hóa bằng nguồn lực Nhà nước và của nhân dân. Hệ thống chính trị cơ sở luôn được củng cố, vai trò, vị trí của UBMTTQVN và các tổ chức thành viên ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị-xã hội.
Đến nay, toàn thành phố đã phát động xây dựng 53 khu dân cư văn hóa gắn với đô thị văn minh; 07 khu dân cư văn hóa gắn với nông thôn mới, đạt 77,9% (so với 54,5% năm 2009). Năm 2013, có 18.773/20.162 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 93,11%; 49/77 thôn, khối phố được công nhận đạt tiêu chuẩn Khu dân cư văn hóa, chiếm 63,63%; có 61/72 tộc họ đăng ký được công nhận thực hiện tốt nội dung quy ước Tộc văn hóa. Trong đó, các khối phố Tân Thanh (Tân An), Thanh Đông (Cẩm Thanh), Xuân Lâm (Cẩm Phô), Cửa Suối (Cẩm Hà), Phong Thiện (Sơn Phong), Thôn Cấm (Tân Hiệp), Hà Trung (Cẩm Nam), Phước Tân (Cửa Đại) liên tục 10 năm liền đạt tiêu chuẩn Khu dân cư văn hóa.
Những thành quả to lớn mà thành phố Hội An đạt được sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” chính là nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp từ sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thành phố. Từ những thành công đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm quan trọng sau đây:
Thứ nhất, Hội An xác định văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố trong quá khứ cũng như tương lai. Do đó, đòi hỏi phải củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sát của các cấp ủy Đảng; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền; vai trò chủ trì vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân của UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp, nhất là khu dân cư. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, các cấp, các ngành, từng địa phương, đơn vị đều xây dựng chương trình hành động, xác định các nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với thực tế.
Thứ hai, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận chủ trì thực hiện là hoạt động cụ thể, thiết thực để đưa Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) sớm đi vào cuộc sống. Do vậy, cần phát huy vai trò chủ động của UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp trong việc động viên sức sáng tạo, huy động nội lực từ cộng đồng trên tinh thần phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Đặc biệt, động viên tinh thần năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm của các thành viên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, tổ đoàn kết và sự hưởng ứng tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân là yếu tố quyết định để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu.
Thứ ba, xây dựng và phát triển văn hóa là quá trình lâu dài lấy kiên trì vận động, tuyên truyền, thuyết phục làm phương pháp chính. Lấy phát huy dân chủ, khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của nhân dân, huy động tiềm năng to lớn của nhân dân trong việc hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hoá làm động lực chủ yếu. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các khu dân cư và mỗi tộc họ.
Những thành quả đạt được trên lĩnh vực văn hoá trong hơn 15 năm qua đã thật sự trở thành động lực quan trọng, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Hội An tiếp tục phát triển. Trong tương lai, việc xây dựng đời sống văn hóa sẽ trở thành ý thức tự giác trong hành động của mỗi người dân, toàn thể cộng đồng, từng cơ quan, đơn vị… tạo nên sức mạnh tổng hợp để thành phố Hội An vững vàng trên con đường phát triển./.