Ông Nguyễn Văn Thành (hậu duệ đời thứ 13 của “vua cãi” Nguyễn Văn Lang), người lưu giữ những tư liệu quý giá của họ tộc
Về làng “tổ cãi”
“Quảng Nam hay cãi” là câu ca mà từ bao đời nay người dân tứ xứ truyền miệng với nhau để phần nào “trêu đùa” về tính cách cương trực, hơi nóng nảy tranh cãi của người dân xứ Quảng. Nhưng ít ai biết rằng, xuất xứ của câu nói trên đến từ một giai thoại kỳ thú cách đây hơn 500 năm
Về làng Hương Quế (nay thuộc xã Hương An và Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), ngôi làng lâu đời bậc nhất Quảng Nam, chúng tôi được những cao nhân nơi đây ngược dòng lịch sử ngàn năm lý giải về danh tiếng “có một không hai” ấy cùng câu chuyện kỳ thú “xưa nay hiếm” của vị trung thần dâng sớ “cãi vua”.
Các cao niên nơi đây kể lại rằng: Ngày xưa làng Hương Quế là vùng đất rộng nhất xứ sở, dân cư sống chủ yếu bằng nông nghiệp nhưng người hiền tài, con cháu học giỏi nhiều lắm. Với hai gia tộc lớn là Phạm Nhữ và Nguyễn Văn nơi đây bao đời trình làng những thế hệ kiệt xuất như Phạm Nhữ Triều, Phạm Nhữ Ngọc, Phạm Nhữ Đa, Phạm Nhữ Phong, Phạm Nhữ Khuê, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Ngọc Thanh ….
Nói về giai thoại “làng cãi”, thì cụ Nguyễn Văn Lang (? - 1513) chính là ông tổ của “cãi” Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Văn Thành (SN 1955, hậu duệ đời thứ 13 của cụ Nguyễn Văn Lang tộc Nguyễn Văn ở xã Quế Phú), ông Thành cũng là người am hiểu và lưu giữ nhiều tài liệu, gia phả họ tộc cho biết: “Ngài Nguyễn Văn Lang (còn gọi là Nguyễn Đại Lang) vốn thuộc dòng dõi Nguyễn Trãi. Theo gia phả họ Nguyễn Văn thì Nguyễn Văn Lang là người thông thao lược, giỏi thiên văn, có sức hơn người giữ chức Thừa tướng Thượng tể trong triều”.
Giai thoại kỳ thú vua cãi… cãi vua
Cẩn thận tra cứu từng cuốn tư liệu họ tộc, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Những công lao, công trạng của các ngài trên thì vô số kể. Nhưng để làm nên danh tiếng của một làng tổ cãi chính từ ngài Nguyễn Văn Lang. Ngài làm quan dưới triều vua Lê Tương Dực (1509 - 1516). Vua là người hoang dâm tửu sắc, thích xây dựng cung điện nguy nga khiến quốc khố suy kiệt tạo mầm mống cho loạn đảng khiến nhân dân rất ca thán”.
Bất lực trước việc can gián vua, ngài Lang xin từ quan về quê. Được một thời gian binh biến càng loạn vua mới ra chiếu gọi ngài về bàn chính sự. Ngài không đi mà chỉ dâng sớ điều trần “bình trị” gồm 14 điều can vua. Dưới thời phong kiến vua là chí tôn nên việc dâng điều khuyên vua, chỉ ra cái sai của vua với những lời lẽ cương trực, đanh thép của ngài Lang được xem là dám “cãi” vua.
Nói đoạn ông Thành đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong tấm sớ dâng vua của ngài Nguyễn Văn Lang: “Làm tôi có tâu với vua điều gì mà không thành thật, không kích động thì không giúp ích gì cho vua. Còn nhà vua tiếp lời bầy tôi trần cáo mà không lưu ý thì chẳng khác gì chặn ngặt con đường trần gián của bầy tôi. Bệ hạ lên ngôi nối nghiệp tổ tông bốn bề đều mong hưởng thái bình. Nhưng từ khi bệ hạ lên ngôi hòa khí chưa đều, mối họa chưa tan, phép vua chưa sửa. Nào là trời, nào là đất, thiên hạ không thuận… trộm cắp nghênh ngang, giặc dã nổi dậy là nhân đạo không hòa…
Thần hạ nghĩ, người bán rau, kẻ đốn củi mà các bậc Thánh nhân còn lưu tâm xem xét huống hồ gì chuyện đại sự. Cổ nhân có câu biết việc không khó mà thực hành cho đúng mới khó. Sợ việc đáng sợ, lo việc đáng lo…”.
Nói về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Nam nhận định, những lời “cãi” vua trên thật sự xét trong thời thế phong kiến quả thực “ghê gớm”. Đúng với khí chất mạnh mẽ, cương trực can giám của một vị trung thần.
Ngay nay, trải qua mấy trăm năm, bao biến cố lịch sử đã khiến nhiều chuyện xưa bị vùi lấp. Từ làng cãi ngày xưa đến nay thương hiệu dân gian “Quảng Nam hay cãi” thực sự đã ngấm vào tiềm thức của người dân khắp mọi miền đất nước.
Đúng với cái chất hay “cãi” xứ Quảng: không vô lý cãi cùn mà đó là sự cương nghị, thẳng thắn, đúng sai rõ ràng, mạnh mẽ khẳng định bảo vệ cái đúng, cái hợp lý của mình.
14 điều “cãi” vua của thủy tổ làng tổ cãi xứ Quảng Nguyễn Văn Lang
1. Tự răn mình sửa đổi để tránh mọi tai họa cho dân.
2. Phát lòng hiếu thảo, nhớ ơn các đấng tổ tiên đã dày công xây dựng non sông, để làm sáng tỏ tấm lòng trung hậu.
3. Lánh xa thanh sắc để chính lòng người.
4. Trừ khử lũ gian nịnh được muôn điều giáo hóa được trong sạch.
5. Thận trọng trong việc ban quan tước để tôn trọng phép tắc thưởng phạt của triều đình.
6. Thuyên chuyển phải công bằng để cho sáng đàng tiến dụng.
7. Sử dụng tài chính không nên lãng phí để nêu gương tiết kiệm cho nhân dân.
8. Khen thưởng có tiết nghĩa để trọng đạo can trường.
9. Cấm điều nhũng làm để bài trừ thói tham ô.
10. Tu chính võ bị để đủ sức mạnh phòng thủ đất nước.
11. Trọn điều can gián để bầy tôi bày tỏ chí khí can trực cảm ngôn của mình.
12. Khoan sức dân cho thích hợp với lòng dân ngưỡng vọng.
13. Hiệu lệnh nhà vua ban ra cần phải giữ đúng để nhân dân yên chí, khỏi lo ngại sự đổi thay.
14. Thiết lập pháp chế triều đình để mở rộng công cuộc bình trị.
Nhâm Thân