Năm nay, nơi gia đình tôi thường trú - Khối phố 10 phường An Mỹ, Tam Kỳ cũng rộn ràng vào hội, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao vui nhộn. Ngày hội được tổ chức tới nhiều tổ đoàn kết, nhằm thắt chặt tình tương thân tương ái. Hàng năm, có dịp ngồi lại bên nhau chia sẻ tâm tình ai cũng quý, vì thế không khí ngày hội thật ấm áp. Điều trân quý là tại ngày hội này, bà con nhân dân trong tổ đã góp tiền quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời phát động các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, trong đó ý nghĩa nhất là kêu gọi ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Tôi nghĩ chắc nhiều nơi cũng làm như vậy. Bởi chuyện ngày hội được tổ chức làm sao cho ý nghĩa thiết thực mới là điều đáng bàn.
|
Ảnh minh họa. |
Chuyện vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, hộ khó khăn, là hành động đắp xây tình đoàn kết thân ái, rất thiết thực. Nhiều nơi, còn có những hoạt động khá phong phú như kết hợp tổ chức ngày hội để vận động làm đường giao thông nông thôn; đóng góp các quỹ đền ơn đáp nghĩa, khuyến học; huy động nhân tài vật lực xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, xây dựng nông thôn mới... Cách làm đa dạng, có thể mỗi nơi mỗi kiểu nhưng chung quy vì cuộc sống cộng đồng, đoàn kết vì sự phát triển, tiến bộ thì đều đáng quý. Không cần nhiều, chỉ là một hành động, một hoạt động, từ đó dấy lên phong trào, chắc chắn đem lại có thành quả lớn. Từng tổ dân phố, khối phố, chỉ cần làm được một hoạt động ý nghĩa thiết thực thôi mà nhân lên toàn tỉnh với hơn 200 xã, 18 huyện, thành phố, thị xã, sẽ có rất nhiều việc tốt cho cuộc sống cộng đồng Quảng Nam.
Trở lại với câu chuyện của phố tôi, có thể là một ví dụ về đời sống mới được ươm mầm trên mảnh đất Hà Đông xưa, Tam Kỳ nay. Tổ đoàn kết số 1 của phố tôi, hầu hết là gia đình cán bộ đầu tiên định cư trên vùng đất Tam Kỳ cách đây non 20 năm khi tái lập tỉnh. Có người nay đã “lên chức” ông nội bà ngoại; 3 thế hệ quây quần bên nhau làm nên sắc màu của phố. Và Tam Kỳ đã có hơn 10 khu dân cư quy tụ con dân các nơi về sinh sống, dựng xây cơ nghiệp với các thế hệ mới tương tự như thế. Mỗi năm, vào dịp tết, dựa theo lệ truyền của cư dân bản địa, cán bộ và nhân dân ở các khu dân cư mới cũng chung góp sửa soạn mâm cơm để tạ ơn các vị thành hoàng khai khẩn đất đai, sau đó tổ chức liên hoan. Mấy năm gần đây lại có thêm ngày hội đại đoàn kết, tăng thêm cơ hội xây tình thân ái cộng đồng mỗi ngày một bền chặt hơn. “Bữa cơm đoàn kết” hay “bữa cơm cuối năm” đều được chăm chút mà ai không tham dự sẽ cảm thấy như mình lạc lõng bên rìa cuộc sống cộng đồng. Có lẽ nhờ đó, cuộc sống quanh ta trở nên ấm áp hơn với tình thân ái tương trợ. Phải rồi, đất không chỉ là nơi để ở mà còn hóa tâm hồn như một nhà thơ nổi tiếng từng cảm nhận.
ĐĂNG QUANG