|
Trên mâm lễ dâng gia tiên ngày tết cổ truyền, không thể thiếu bánh tổ |
Cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng. Có thể dùng dao bản to xắt bánh ra thành từng lát hình cánh cung, sắp ra đĩa dùng. Hoặc “tét” bánh theo kiểu của người Quảng, dùng một sợi dây cước, một đầu cước ngậm miệng, một đầu cầm tay, xắn ngang ổ bánh tổ đang cầm trên tay kia. Bánh tổ đã ăn được vừa dẻo vừa ngọt, nên không chỉ bày trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết Nguyên đán, mà cả trong mâm lễ tiễn ông Táo về trời, loại bánh ngọt người Quảng Nam ưa dùng cũng là bánh tổ. Người Quảng hay nói vui, cho ông Táo ăn bánh tổ, để ông Táo về trời ngọt giọng, dẻo giọng báo chuyện trần gian một năm qua cho suôn sẻ.
Vì bánh tổ để lâu hàng tháng trời, nên lớp lá chuối do thời tiết dễ bị ẩm làm cho mặt ngoài bánh bị mốc khi để lâu ngày. Bỏ đi thì tiếc, nên người biết dùng sẽ gọt bỏ lớp bề mặt và thành bánh xong rồi mới xắn bánh ra, bỏ vào chảo dầu phụng chiên giòn. Bánh có hương vị đặc trưng khác, hấp dẫn vô cùng. Bánh tổ lúc này không chỉ ngọt, dẻo, thơm lừng mùi gừng, mùi vừng mà còn hơi beo béo, chỉ làm thèm, không hề gây ngán.
Ngày trước, cận tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ. Giờ không nhiều thời gian, thường người ta đặt bánh tại các nhà làm bánh gia truyền. Ra các chợ ở Quảng Nam và các vùng lân cận ngày giáp tết, cũng thấy bánh tổ được bày bán rất nhiều. Nhưng những người giữ nếp nhà, được tiếng làm bánh ngon vẫn gắng dành ra ít thời gian làm bánh để ít ra cũng đủ bày trêm mâm lễ dâng gia tiên, sau nữa đem biếu xóm giềng ăn tết. Đây giống như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng giữa những người “tối lửa tắt đèn” có nhau.