Năm 2013, Bộ VHTTDL ban hành Thông tư 02/2013 Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.Sau 03 năm triển khai thực hiện Thông tư 02/2013, ở tỉnh Quảng Nam, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, địa phương tích cực triển khai thực hiện nên phong trào đạt được những kết quả nhất định, ý thức người dân từng bước được nâng cao. Nhiều tuyến phố văn minh gắn với việc vận động cộng đồng dân cư chung tay thực hiện các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội…đã tạo nên những kết quả nhất định trong phong trào.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 03 năm thực hiện Thông tư 02/2013, công tác quản lý nhà nước về đô thị được tăng cường thực hiện. Hầu hết các địa phương đã xây dựng quy hoạch chung đô thị, phê duyệt đề cương chương trình phát triển đô thị.11/18 huyện, thị xã, thành phố đã được đặt tên đường (61,1%); toàn tỉnh có 331.211 hộ gia đình văn hóa, tỷ lệ 86,33%, trong đó khu vực đô thị tỷ lệ gia đình văn hóa 72.348 hộ, tỷ lệ 89,9%. Công tác xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh, đến nay toàn tỉnh có 1356/1718 thôn – tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (78,8%), trong đó khu vực đô thị có 145/228 thôn- tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (63,9%). Công tác xây dựng Trung tâm văn hóa phường, thị trấn được các cấp, các ngành quan tâm. Các thiết chế văn hóa ở khu vực đô thị ngày càng được hoàn thiện. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh với 5 nội dung thiết thực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng ở từng khu dân cư, khu phố. Đặc biệt, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao tại các đô thị trên địa bàn tỉnh được các địa phương quan tâm thực hiện; tiêu biểu như Thị xã Điện Bàn thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, di tích lịch sử. Thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), thị trấn Đông Phú (Quế Sơn)…duy trì tốt các loại hình câu lạc bộ dân ca, tuồng; tổ chức đưa dân ca, các trò chơi dân gian vào trường học…
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị được nghe nhiều ý kiến tham gia của ngành Tài nguyên – Môi trường, Công an tỉnh và các đại biểu đại diện lãnh đạo UBND 30 phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xoay quanh vấn đề công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại địa phương. Hội nghị cũng đã nghe ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Văn Long –Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tham gia một số nội dung trong dự thảo quyết định của UBND tỉnh quy định việc thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh và gợi ý thêm một số nội dung trong công tác phối hợp tuyên truyền, việc xã hội hóa các hoạt động xây dựng phong trào và việc sơ, tổng kết phong trào từ nay đến năm 2018.
Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành VHTTDL và MTTQ các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian đến: cụ thể hóa bảng điểm xét công nhận GĐVH theo hướng thiết thực, hiệu quả; thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang (không rãi vàng mã khi đưa tang); thực hiện tốt vệ sinh môi trường; xây dựng con người văn hóa; điều chỉnh quy ước khối phố thiết thực (dễ nói, dễ viết, dễ thực hiện và dễ kiểm tra).
Hội nghị đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể phấn đấu trong năm 2016, đó là phấn đấu có 80% hộ gia đình trở lên (tại các đô thị) đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có 60% đạt danh hiệu 3 năm liền; phấn đấu có 70% thôn-tổ dân phố văn hóa; có 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đến năm 2018 phấn đấu có 80% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị./.