Cố kết cộng đồng
Hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất, đất mẹ Trường Sơn đã từng chứng kiến không ít lễ hội ăn thề kết nghĩa anh em (pr’ngoóch gương yên) giữa đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Và sau những lần tổ chức “ăn thề” đó, mọi hiềm khích trong quá khứ, mọi câu chuyện không vui giữa họ cũng sẽ được chôn vùi. Bởi họ quan niệm, sau “pr’ngoóch gương yên” mọi chuyện đã được rửa sạch, chỉ có tình anh em vùng cao là còn mãi.
Già làng Alăng Vàng (ở thôn Đào, xã Sông Kôn, Đông Giang) vẫn nhớ như in tháng ngày ông cùng đồng bào địa phương đón những người anh em Cơ Tu từ vùng cao Tây Giang chuyển về khoảng các năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngày đó, vùng cao còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Sau ngày giải phóng, cuộc sống gian khó trăm bề. Vậy mà, khi có chủ trương di dân người vùng cao về vùng thấp, ai cũng sẵn lòng hiến từng mảnh đất, rẫy sắn, lúa đang vào mùa. “Hồi đó, người ở làng Đào, làng Bút Nga, Bút Nhót… còn huy động thanh niên vào rừng đốn gỗ, chặt lá cọ, nứa về dựng nhà cho anh em mới chuyển xuống. Nhà nào có sắn, thóc chi cũng đem cho, giúp họ ổn định cuộc sống ban đầu” - già Alăng Vàng kể lại.
|
Đồng bào Cơ Tu vui hội đoàn kết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tinh thần cố kết cộng đồng trở thành nét đẹp của người miền núi, là thước đo về giá trị con người, văn hóa làng bản, gia đình và cộng đồng ở mỗi vùng. Sự tương trợ, đoàn kết nội bộ làng thông qua các tập tục tr’ving - tr’coom (vòng công); ha’ree bhươl (rẫy chung của làng); hay cùng góp sức lực, của cải trong các sự kiện trọng đại như: đám cưới, ma chay, dựng gươl mới… thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết vùng cao bền chặt đến mức nào. Nói như ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, sức mạnh đoàn kết chính từ lòng dân, tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời. Điều đó cũng thể hiện được nét đặc trưng trong tính cố kết cộng đồng ở người vùng cao, trở thành nhân tố quan trọng để cộng đồng các dân tộc tồn tại và phát triển bền vững.
Bền chặt những bản làng
Cho đến tận bây giờ, đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang vẫn thường nhắc nhớ con cháu về mối tình đoàn kết giữa họ với anh em người Kinh ở miền xuôi trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập. Và những cái tên như: Conh Axơớp (tức Quách Xân), Conh Talăng (Lê Hồng Mao)… càng trở nên dài thêm trong danh sách “những người con của đồng bào Cơ Tu”. Gắn bó với dân làng, họ cùng ăn, cùng ở, vùng lên đấu tranh đánh đuổi giặc Mỹ, bám đất giữ làng.
Ngày nay, tinh thần đó càng được phát huy khi đồng bào Cơ Tu - Kinh - Tày - Mường cùng sống chung với nhau trong một bản làng, hay một khu dân cư mới. Ở bất cứ nơi đâu, họ vẫn luôn giữ mối tình đoàn kết vẹn nguyên như cột gươl của làng, sừng sững kiên trung giữa đại ngàn Trường Sơn. |
Những cư dân của làng A Tép (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) vẫn giữ mối kết giao thân tình với các cư dân ở xã A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế). A Tép vốn là làng cuối cùng của xã Bha Lêê giáp ranh với một số làng của xã A Roàng, nằm trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cuộc sống của người vùng cao chủ yếu dựa vào rừng, xem rừng là mái nhà chung, bao bọc cộng đồng làng. Xưa ranh giới giữa các vùng, các làng được xác định theo từng con sông, con suối. Vì thế, nhiều cuộc xung đột ngày trước giữa các vùng người Cơ Tu cũng từ một trong những nguyên do vi phạm về ranh giới, hương ước chung của cộng đồng làng vùng cao. Nhưng với A Tép và các làng bản của A Roàng lại khác, họ xem nhau như những người anh em ruột thịt, cùng giúp nhau vượt qua hoạn nạn, phát triển kinh tế. Già làng TaRương Avôl nói rằng, chính “mẹ rừng” đã gắn kết cộng đồng Cơ Tu lại với nhau. “Ngày trước, làng bên này bắt được con nai, con hoẵng cũng đều mang biếu cho làng bên kia và ngược lại. Nhiều cặp vợ chồng cũng được kết duyên từ mối tình đẹp của hai làng, giữa những người Cơ Tu vùng biên này” - già Avôl bộc bạch.
Xóa đi những hủ tục, sự hiềm khích trong quá khứ, người vùng cao bây giờ sống hòa thuận, đoàn kết. Sự gắn kết còn xuyên biên giới, với những cư dân Cơ Tu định cư ở nước bạn Lào. Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai từng chia sẻ rằng, dù cách trở về mặt địa lý, nhưng cộng đồng người vùng cao không phân biệt. Người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở Lào, hay ở Việt Nam… đều là con em, họ hàng với nhau như dòng máu chung đang chảy trong huyết quản. Vì thế, sự kiện lễ kết nghĩa giữa 8 cặp thôn, bản của 2 huyện Nam Giang và Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) đã ghi thêm dấu ấn đặc biệt giữa đồng bào vùng biên giới, với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tình đoàn kết, giao lưu văn hóa, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội như trong nội dung đã ký kết, thỏa thuận. “Giúp bạn, bảo vệ bạn cũng chính là tự giúp và bảo vệ mình để xây dựng vành đai biên giới vững chắc, bảo vệ chủ quyền quốc gia vững bền” - ông Mai nói.
ALĂNG NGƯỚC