Tham dự buổi làm việc với Đoàn có ông Võ Xuân Ca- UVBTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông Lê Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Thường trực, Tổ giúp việc của Cuộc vận động tỉnh.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương làm việc tại Quảng Nam
Toàn cảnh buổi làm việc
Năm 2016, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Cùng với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng trở thành một trong những nội dung tuyên truyền thường xuyên và là tiêu chí trong phong trào thi đua hằng năm của hệ thống Mặt trận.
Để CVĐ triển khai có kết quả, đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ giữa cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, trong những năm qua cũng như trong năm 2016, các cấp uỷ Đảng đã tăng cường công tác chỉ đạo, UBND các cấp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác QLNN kiểm tra, kiểm soát thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề phát triển về vốn, khoa học công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Để đẩy mạnh tuyên truyền, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng Chuyên mục “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát sóng trên Đài PTTH tỉnh, đăng tải tin bài trên Bản tin và trang thông tin điện tử của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, biên doạn và phát hành 2100 cuốn sổ tay tuyên truyền về CVĐ. Các hội, đoàn thể đã lồng ghép nội dung để tuyên truyền trong các đoàn viên, hội viên. Mặt trận cơ sở đã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, hội thi, toạ đàm, Hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hoá …Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ trong nhân dân về văn hoá tiêu dùng, nâng cao tinh thần yêu nước và tự hào hàng Việt, tác động mạnh đến sức tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa; từng bước định hướng cho người dân phân biệt với hàng giả, hàng kém chất lượng và những loại hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Trong năm 2016, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức, tiếp nhân và theo dõi 08 Hội chợ, triển lãm, tổ chức 06 phiên chợ về nông thôn và 03 buổi hội thảo tuyên truyền. Phân bổ cho 06 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình bình ổn giá phục vụ Tết nguyên đán 2016, tổng giá trị hàng hoá của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá trên 100 tỷ đồng, triển khai bán tại 26 điểm phục vụ miền núi, 20 điểm bán phục vụ đồng bằng và 19 xe bán hàng lưu động và hiện nay tiếp tục chuẩn bị công tác dự trữ, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2017. Từ những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, những đợt khuyến mãi hàng hoá đã góp phần đáp ứng nhu cầu về số lượng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân, đồng thời đảm bảo cho nhân dân được sử dụng hàng hóa đúng chất lượng với giá cả hợp lý. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo doanh nghiệp và sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng, từ đó dần loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường 10 tháng đầu năm 2016 đã kiểm tra được 3.260 vụ; tổng số vụ xử lý: 2.245 vụ; tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng.
Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại Siêu thị Co.opmart thành phố Tam Kỳ
Thay mặt Đoàn công tác, ông Ngô Đông Hải ghi nhận những kết quả đã đạt của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh trong việc tích cực triển khai, thực hiện Cuộc vận động, đồng thời đề nghị trong thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống tạo điều kiện để các doanh nghiệp, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá rộng rãi thương hiệu hàng hoá đặc trưng của Quảng Nam nói riêng và hàng hoá thương hiệu Việt nói chung. Cần quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn cho người dân phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để vừa cung cấp nhiều hơn nữa những mặt hàng nông sản, hải sản có chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường nội địa vừa góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân...; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ uy tín hàng hoá Việt Nam có chất lượng góp phần vào sự thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đi kiểm tra khảo sát thực tế tại siêu thị Co.opmart thành phố Tam Kỳ, HTX Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành) và Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My.
Một số hình ảnh trong Chương trình làm việc của Đoàn tại Quảng Nam:
Đoàn công tác làm việc tại Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My
Đoàn công tác đi khảo sát tại HTX Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành)
Đoàn công tác đi khảo sát tại Siêu thị Co.opmart thành phố Tam Kỳ