CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TỈNH PHÚ YÊN LƯƠNG MỘNG SANH: Hướng về cơ sở bằng các mô hình hiệu quả
Với vai trò là Cụm trưởng Cụm thi đua các tỉnh duyên hải miền Trung năm 2016, chúng tôi nhận thấy các tỉnh đều bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Đó là đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác cụ thể, thống nhất các nội dung, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước đổi mới việc tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, mỗi địa phương đều có những cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng ở Phú Yên, các hoạt động của công tác Mặt trận luôn hướng về cơ sở bằng việc xây dựng và thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực. Cụ thể như các mô hình “Mỗi khu dân cư giúp đỡ 1 hộ nghèo sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững” ở TX Sông Cầu, “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường” ở huyện Tây Hòa, “Tiếng loa an ninh” ở huyện Phú Hòa…
Hiện mô hình “Mỗi khu dân cư hỗ trợ 1 hộ nghèo sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững” đang được các khu dân cư trên địa bàn TX Sông Cầu và một số địa phương trong tỉnh học hỏi làm theo, ngày càng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nơi. Hay như các mô hình về bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, ma túy đều thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều ban, ngành trong tỉnh. Như vậy có thể khẳng định, song song với tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Mặt trận tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với những việc làm cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gìn giữ quốc phòng - an ninh địa bàn.
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MTTQ TỈNH QUẢNG NAM NGUYỄN PHI HÙNG: Đối thoại, lắng nghe dân nói để hiểu dân
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Mặt trận và các tổ chức thành viên của tỉnh Quảng Nam thường xuyên đẩy mạnh xây dựng, thực hiện các phong trào thi đua toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ biên giới quốc gia, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình văn hóa, họ tộc văn hóa… trong các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, hàng quý, Mặt trận tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp giữa nhân dân với cán bộ chủ chốt để nghe dân nói. Qua đó, nhiều ý kiến, kiến nghị cũng như tình hình dân cư, nguyện vọng của bà con được lãnh đạo các cấp ghi nhận. Trên cơ sở này, các cấp ủy đảng, chính quyền có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể để giải quyết những khúc mắc trong dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức thăm dò ý kiến của nhân dân về các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động. Cụ thể trong năm 2016, tổ chức điều tra dư luận xã hội với 1.500 phiếu khảo sát tại 36 khu dân cư. Nhờ vậy, Mặt trận kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục các hạn chế còn tồn tại, tiếp tục có biện pháp đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đồng thời thông qua đó phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh.
PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẶNG THỊ LỆ THU: Chăm lo giúp đỡ hộ nghèo
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận là giúp đỡ hộ nghèo. Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác này bằng nhiều cách làm phong phú, đa dạng, giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về tinh thần tương thân tương ái, Mặt trận tỉnh kêu gọi toàn dân thi đua sản xuất, xây dựng các mô hình hiệu quả về chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều mô hình được các tổ chức thành viên như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn triển khai thực hiện đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo rất căn cơ. Quan điểm chung là giúp đúng đối tượng với nhiều phương thức linh hoạt, không cào bằng, giúp “cần câu” là chủ yếu chứ không chỉ trao “con cá”. Những hộ thiếu vốn
để sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi. Các hộ nghèo ở miền núi được giúp bò hoặc các loại cây, con giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để trồng trọt, chăn nuôi. Đối với những gia đình già cả, tàn tật không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động, Mặt trận vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp họ bằng những phần quà trong các dịp lễ tết hoặc tặng sổ tiết kiệm… Nhờ vậy, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh, tình trạng hộ tái nghèo, hộ cận nghèo giảm rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện nhiều mặt.
PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TỈNH BÌNH ĐỊNH HUỲNH CAO NHẤT: Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền
Tuyên truyền vận động là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận. Nhưng công tác này có lúc, có nơi trở nên sáo mòn, chưa thu hút sự chú ý của nhiều người, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Năm qua, các cấp Mặt trận đã chú ý đổi mới công tác này gắn với nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi những vướng mắc trong lòng dân được giải thích, giải tỏa thấu đáo thì bà con sẽ tin và nghe theo. Vấn đề quan trọng là đổi mới về các hình thức tuyên truyền phải thật phù hợp với từng địa bàn khu dân cư. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần thông tin, tuyên truyền, vận động bằng các hình ảnh trực quan tại những nơi tập trung đông người, chuyển tải các nội dung lên hệ thống truyền thanh xã. Song song đó, phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, thuyết phục các hộ tham gia xây dựng buôn làng văn minh, no đủ bằng những lời lẽ cụ thể, dễ hiểu, bằng những kết quả thấy được trong thực tế. Công tác tuyên truyền cần linh hoạt trong từng nội dung, từng cuộc vận động, từng thời điểm. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền sẽ tránh sự nhàm chán, thu hút người nghe, nâng cao nhận thức toàn dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, Mặt trận và pháp luật của Nhà nước.
PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TỈNH KHÁNH HÒA HUỲNH THỊ PHƯỢNG: Nâng cao vai trò của ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng
Một trong những yếu tố quan trọng để phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đó là các ban thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng. Hiện nay, 137/137 xã, phường, thị trấn ở Khánh Hòa có hai ban này với tổng số thành viên tham gia trên 1.120 người. Đây là lực lượng chủ lực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh cho đến hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong dân. Trong những năm gần đây, các ban thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng đã phát huy tốt vai trò giám sát các hoạt động ở cơ sở như thực hiện quy hoạch các dự án, chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư, các chủ trương về vay vốn, bình xét các danh hiệu thi đua ở khu dân cư. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có hàng chục vụ việc về tranh chấp đất đai, lục đục gia đình… được phát hiện và hòa giải thành
ngay tại cơ sở, góp phần giảm mạnh mẽ số lượng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Vì vậy, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò và hiệu quả của MTTQ trong tình hình hiện nay
HÀ ANH (thực hiện)