Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6.
Dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các vị trong Ban thường trực chủ trì hội nghị.
Có lẽ, trong rất nhiều hội nghị của các ban ngành, ít có hội nghị nào lại có được không gian sống động mà ấm cúng như hội nghị của Mặt trận. Người miền ngược, miền xuôi, người ở nước ngoài, người lao động cho đến người làm kinh doanh, từ tầng lớp trí thức đến nhà nghiên cứu khoa học… ai cũng có thể bước vào mái nhà chung Mặt trận. Bởi thế, ngôi nhà ấy luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.
Cũng bởi thế, sau phần nghi lễ chào cờ bao giờ cũng có nghi thức tưởng niệm các cụ, các vị là uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đã qua đời.
Trong phút mặc niệm, chúng tôi chợt nhớ đến những ân đức uy nghiêm, đạo tâm kiên cố, trí tuệ viên dung, bậc tòng lâm mô phạm của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Mỗi lời pháp, mỗi lời giáo huấn của Hòa thượng là khơi nguồn trí huệ, mỗi việc làm của Hòa thượng mở lối tương lai, mỗi cử chỉ của Hòa thượng là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa.
Hay như chính cuộc đời yêu thương phục vụ của Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã góp phần thắp lên ngọn lửa đại đoàn kết dân tộc và làm cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc càng được vững mạnh, trường tồn...
Thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối Đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.
Công tác Mặt trận đang bước vào thời kỳ mới. Vậy người làm Mặt trận cần dựa trên nền tảng kinh nghiệm truyền thống đã có để nhìn xem có yêu cầu gì mới đang đặt ra cần phải tính toán, nhằm đổi mới phương thức tổ chức và cách thức hoạt động của Mặt trận.
Quyết tâm này đều được đặt ra trong các văn bản báo cáo mà Mặt trận trình với Hội nghị uỷ ban lần thứ 6 như Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2016 và Chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2017; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Báo cáo sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”; Các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về các việc cần quan tâm xử lý, giải quyết năm 2017.
Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần này diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, đó là sau một năm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam; sau 3 năm MTTQ Việt Nam thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định 217, 218 năm 2013 của Bộ Chính trị).
Đặc biệt, Hội nghị lần này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong ngày 3/1, tại Hội nghị lần thứ 11 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch đã sôi nổi thảo luận, đóng góp 14 ý kiến phát biểu và 25 ý kiến bằng văn bản đối với những nội dung do Ban Thường trực trình ra để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra nghị quyết: Nhất trí cơ bản với dự thảo các báo cáo sẽ trình ra Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 và thống nhất với tờ trình về công tác nhân sự.
Đặc biệt, các thành viên Đoàn Chủ tịch đã cho ý kiến về 11 thành quả nổi bật của công tác MTTQ Việt Nam các cấp năm 2016 và 11 nội dung công tác năm 2017 của MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục có sự đổi mới.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với hội nghị về việc thực hiện Quyết định 217, 218, của Bộ Chính trị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội xem đây là sự cổ vũ và tạo điều kiện cho Mặt trận các cấp tập hợp và phát huy mọi lực lượng, tâm huyết của nhân dân tham gia, góp ý xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước đồng thời giúp cho các cấp chính quyền lắng nghe sự góp ý của các lực lượng xã hội trong công tác điều hành của mình.
Tuy nhiên để Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả Quyết định 217, 218, tại hội nghị này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng xem xét có chỉ đạo các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Năng đưa ra những vướng mắc trong quá trình Mặt trận thực hiện giám sát theo Quyết định 217, 218 tại địa phương như việc giám sát các tổ chức, cá nhân, cán bộ đảng viên tại khu dân cư thì chỉ dừng lại ở giám sát các tổ chức mà chưa có cơ chế giám sát cá nhân. Chính vì vậy, quy định Mặt trận tổ quốc tại địa phương nơi cư trú giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ Đảng viên là không thể thực hiện được.
Về phản biện xã hội, ông Nguyễn Hoàng Năng cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp chính quyền những nội dung cần thông báo cho Mặt trận các cấp phản biện, đồng thời quy định bảo đảm thời gian để Mặt trận có điều kiện tổ chức phản biện xã hội.
Lắng nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện trách nhiệm là thành viên gương mẫu để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động do Mặt trận Tổ quốc đề ra.
Tuy nhiên ở một số nơi, cấp uỷ, cán bộ, đảng viên cũng còn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của Mặt trận, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác Mặt trận.
Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận; bảo đảm các điều kiện cơ bản, cần thiết để Mặt trận triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
“Đảng cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của mình”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “đặt hàng” Mặt trận: Làm thế nào để Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 được thực hiện đến nơi đến chốn, tạo chuyển biến rõ rệt trên thực tế.
Chính vì vậy, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam rất hoan nghênh Mặt trận đã đưa nội dung này, trở thành một chương trình hành động trong thời gian tới.
Sau một năm UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một cuộc vận động trước yêu cầu đổi mới từ tư duy cho đến cách làm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một trong những tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực thực hiện tham gia Cuộc vận động này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong thời gian qua, Hội đã phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” từ 2010 và hiện nay Cuộc vận động này đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hội hiện đang chỉ đạo mỗi cơ sở Hội hàng năm đăng ký ít nhất 1 phần việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
“Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề đặt ra đối với phụ nữ nông thôn. Con đường đã đẹp nhưng có khi phụ nữ vẫn bị đói nghèo, vẫn bị bạo lực gia đình, có trường học nhưng tỉ lệ trẻ em bỏ học còn nhiều, nhiều phụ nữ di cư lao động cả trong và ngoài nước, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vậy khiến môi trường nông thôn bị ô nhiễm, việc tổ chức sản xuất cho bà con còn khó khăn.”, bà Nguyễn Thị Thu Hà trăn trở.
Để phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, MTTQ là đầu mối trong công tác giám sát, phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong đó có phụ nữ tham gia giám sát tại cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” và ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã.
“Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam quan tâm hỗ trợ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, chủ trì đề xuất cơ chế khuyến khích, thúc đẩy mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu.
Với vai trò là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng thời là doanh nhân, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ nhiều quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Ông Đệ cho rằng, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chủ trương, quan điểm lớn, đúng đắn về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân. Tuy nhiên giữa đường lối, chủ trương với thực tiễn vẫn tồn tại một khoảng cách khá xa. “Nếu chúng ta không quyết tâm giải quyết vấn đề này thì việc xây dựng đội ngũ doanh nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ gặp khó khăn”.
Một trong những khó khăn mà ông Đệ nhắc tới là doanh nhân chưa có mặt trong khối liên minh nền tảng: công nhân - nông dân - trí thức. Doanh nghiệp tư nhân chưa được đối xử bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước. Một số cơ chế chính sách liên quan đến doanh nghiệp khi ban hành và cả khi thực thi đều ưu tiên, định hướng cho doanh nghiệp nhà nước. Không ít doanh nghiệp nhà nước chỉ chờ hưởng đặc quyền, đặc lợi, không chịu vận động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khi làm ăn thua lỗ hoặc phá sản bị xử lý chưa nghiêm minh.
Theo ông Đệ, Đảng, Nhà nước cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc rà soát lại cơ chế chính sách cũ, ban hành cơ chế chính sách mới để khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Ông Trần Phù Tiêu phát biểu.
Theo ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ, sau một năm triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mang tính toàn dân, toàn diện và củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phú Thọ đã phát huy hiệu quả nhưng cần phải thống nhất tiêu chí về đô thị văn minh.
Hiện nay Phú Thọ đã suy tôn về nông thôn mới nhưng việc công nhận ở cấp tỉnh, huyện thì chưa phù hợp, tiêu chí về đô thị văn minh chưa đề cập rõ và cần phải đưa ra tiêu chí đô thị thông minh cũng như tiêu chí đánh giá khu dân cư ở thành thị cần phải rõ hơn.
Đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218, ông Trần Phù Tiêu cho rằng, để làm tốt hơn cần có một số vấn đề quan tâm như nội dung phản biện chưa thực hiện tốt ở một số địa phương, việc đưa ra những quyết định của dự án cần phải có ý phản biện của nhân dân và MTTQ nên phối hợp với Nhà nước, Đảng có những quy chế, quy định cụ thể những nội dung gì cần có phản biện của Mặt trận.
Trong việc thực hiện tổng hợp ý kiến của nhân dân đã làm có nề nếp nhưng ông Trần Phù Tiêu cho rằng, cần phải có quy định rõ đối với việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và nhân dân vì chỉ có ông chủ tịch ủy ban cấp xã đối thoại với nhân dân còn cấp huyện, cấp tỉnh không được yêu cầu đối thoại với nhân dân.
Góp ý cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, Chủ tịch MTTQ tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần khuyến khích nhân dân đóng góp ý kiến phản ánh qua MTTQ đồng thời cần có cơ chế tạo điều kiện cho người dân phản ánh ý kiến thông qua hệ thống chính trị.
Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá, hoạt động của MTTQ năm 2016 nổi lên 5 vấn đề chính.
Một trong những vấn đề nổi bật là chúng ta đã làm tốt hơn, rộng hơn việc thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên và phối hợp chặt chẽ với chính quyền về những vấn đề bức xúc mà cuộc sống đặt ra từ đó đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân và một bộ phận lớn đảng viên đồng tình hưởng ứng.
Kết quả đó đã giúp cho cán bộ Mặt trận các cấp nhất là cán bộ chủ chốt các cấp mới vào nghề hiểu sâu hơn phương thức việc thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền không chỉ là phương thức mà còn là nhiệm vụ chủ yếu là chức năng bẩm sinh của Mặt trận.
Thứ hai, theo ông Nguyễn Túc, trong năm qua, Mặt trận đã tăng cường công tác vận động các cá nhân tiêu biểu, nhất là các cá nhân tiêu biểu trong dân tộc tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài, qua các đề án và thực hiện các đề án, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận tuyên dương những người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc.
Đề án Tăng cường các hoạt động tôn giáo ở nước ta đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ thăm hỏi các vị chức sắc và bà con giáo dân nhân những ngày lễ trọng của từng tôn giáo được đẩy mạnh hơn so với trước… từ đó Mặt trận đã phát huy được vị trí của mình trong các tầng lớp nhân dân.
Mặt trận đã hướng mạnh về địa bàn dân cư thông qua hoạt động của ban công tác Mặt trận đã đưa công tác của mình đến từng hộ gia đình nhằm thực hiện phương châm khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó có Mặt trận.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Túc, đối với từng địa phương nhiều nơi chưa làm được điều này vì ban công tác Mặt trận còn gặp nhiều vướng mắc khó khăn. Cán bộ cơ sở, như người ta nói “là cơm nhà áo vợ. Việc dân là cán bộ thở không ra hơi, bơi không hết việc liếc không hết công văn, ăn không đủ ngủ không yên”.
Với thực trạng như vậy, ông Nguyễn Túc đề nghị, các địa phương cần phải quan tâm tới đội ngũ cán bộ Mặt trận nhiều hơn nữa, nơi nào chưa làm cần báo cáo với cấp uỷ có hình thức động viên khen thưởng phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình.
Mặt trận đang đứng trước yêu cầu đổi mới, tuy nhiên ông Nguyễn Túc cũng khẳng định, muốn đổi mới hoạt động của MTTQ trước hết Đảng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình đối với công tác Mặt trận, phải coi sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng là điểm xuất phát để triển khai đổi mới của hệ thống Mặt trận.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu.
Chia sẻ tại hội nghị, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông dân là một sự nghiệp đầy khó khăn gian khổ, càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ nhân dân.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhắc lại lời Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khi về làm việc tại Nghệ An: “Nếu trên 50% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp tạo ra 26% GDP của tỉnh thì tỷ lệ năng suất và thu nhập chung của nông dân so với thu nhập chung của tỉnh rất thấp. Thu nhập nông nghiệp như thế chỉ bằng gần ¼ thu nhập công nghiệp và dịch vụ. Đây là vấn đề của cả nước, chứ không riêng gì của Nghệ An… Hợp tác xã là mô hình cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không phải đổi mới để yên tâm sản xuất, còn nông dân sẽ thông qua hợp tác xã kiểu mới để yên tâm sản xuất, để tăng thu nhập. Theo cơ chế thị trường, chúng ta phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, mà môi trường trong nông nghiệp là hợp tác xã kiểu mới”.
Tại hội nghị này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng, mỗi cán bộ Mặt trận các cấp phải trăn trở làm sao để nông nghiệp phát triển, nông dân có thu nhập cao, gắn bó với đồng ruộng, thúc đẩy Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Độc lập cho ông Vũ Trọng Kim và ông Trần Hoàng Thám.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ xuất sắc toàn diện cho 10 tỉnh, thành phố.
Với sự phấn đấu nỗ lực của người Mặt trận trong một năm qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tặng thưởng Cờ xuất sắc toàn diện cho 10 tỉnh, thành phố, tặng thưởng Cờ xuất sắc cho 27 tỉnh, thành phố và tặng Bằng khen cho 26 tỉnh đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng nhân dịp này, thừa uỷ quyền Chủ tịch nước, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Hội nghị đã thông qua tờ trình về việc nhân sự thôi tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá VIII là 23 vị.
Hội nghị thông qua việc bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch là 10 vị, bổ sung Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là 18 vị, hiệp thương thống nhất cử ông Ngô Sách Thực làm Phó Chủ tịch chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá VIII.
Như vậy tổng số Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá VIII, nhiệm kỳ 2014- 2019 là 381 vị. Hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6.
Dạ Yến - Quốc Trung
Ảnh: Thành Trung