Điểm cầu Quảng Nam
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có đồng chí Võ Xuân Ca- UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam; đồng chí Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan.
Việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện năm 2015 do Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện và có số phiếu thu về hợp lệ đạt tỉ lệ hơn 78%.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 6 thủ tục hành chính được chọn để triển khai SIPAS 2015 gồm cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Đến tháng 12/2016 có 4 bộ ngành và 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động tự triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu phản ánh được thực trạng và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay, cũng như cho thấy sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới. Từ đó, giúp các cơ quan nhà nước xác định các giải pháp phù hợp, khách quan, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức còn giúp người dân, tổ chức nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm và tạo thói quen phản hồi ý kiến, tham gia quá trình quyết định của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là một trong những kết quả quan trọng của quá trình cải cách hành chính hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức.