Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị tập huấn công tác Mặt trận năm 2017 có sự tham dự của MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố với 2.005 cán bộ; cùng đại diện lãnh đạo của tất cả Mặt trận cấp huyện với 3.622 đại biểu. Sự hiện diện đông đủ của cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp là niềm tin để người đứng đầu Mặt trận khẳng định, công tác Mặt trận trong năm 2017 nhất định sẽ đạt hiệu quả cao.
Bởi năm 2017 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Ủy ban Trung ương lần thứ VI. Đặc biệt, cũng tại Hội nghị lần thứ VI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh năm 2017 và những năm tiếp theo, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên các cấp cần triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để nâng cao hệ thống chính trị, khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và tự diễn biến trong nội bộ.
Chính vì vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị tập huấn lần này sẽ nhìn lại việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 trong 3 tháng qua trong hệ thống Mặt trận và thông qua thảo luận để làm rõ những nỗ lực, sáng kiến của địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Với 5 chuyên đề tại Hội nghị, chuyên đề về “Quán triệt và định hướng công tác Mặt trận năm 2017 theo Nghị quyết của Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6”, “Triển khai chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII”, “Triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ năm 2017” và “Quán triệt việc tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam” và đại biểu thảo luận trực tuyến, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng Hội nghị sẽ giúp những người làm công tác Mặt trận tập trung triển khai công tác Mặt trận trong năm 2017, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội đất nước và yêu cầu của Đảng đã đề ra đối với Mặt trận năm 2017, đó là: Bên cạnh công tác thường xuyên cần tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII).
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đạt được nhiều kết quả nhưng một số nội dung chưa hoàn thành, chính vì vậy tình hình về tham nhũng, tiêu cực, tự chuyển biến tiếp tục diễn ra và có xu hướng trầm trọng hơn. Bởi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, là nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
“Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 không phải có làm hay không mà phải thực hiện như thế nào. Nếu không thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4, trong 10 năm nữa hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ diễn ra tràn lan. Chính vì vậy không được phép không làm và chùn bước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Từ quan điểm quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với những người làm công tác Mặt trận: “Nếu chỉ có Đảng, Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 thì không thể thành công, Mặt trận và nhân dân, báo chí phải vào cuộc, Mặt trận phải sử dụng, phát huy thế mạnh của báo chí và Mặt trận phải làm cho sức mạnh đó tốt hơn nữa”, tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI, MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nguyên nhân đầu tiên đề cập đến trong Nghị quyết Trung ương 4 là cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Hiện nay, nơi nào chính quyền các cấp không làm tròn nhiệm vụ, nơi nào những phản ánh của nhân dân chưa giải quyết, nơi nào vẫn diễn ra ô nhiễm môi trường mà chưa giải quyết được thì chính là không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, hệ thống chính quyền và hệ thống Mặt trận phát hiện về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng lãng phí chưa hiệu quả nhưng báo chí lại tích cực vào cuộc trong nhiều năm qua.
“Do vậy, Mặt trận cần phải khai thác thông tin từ báo chí. Nhưng vấn đề đặt ra là Mặt trận có quyết liệt vào cuộc để giải quyết các vấn đề báo chí nêu hay không”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.
Từ trăn trở này, người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh, Mặt trận và báo chí cần phối hợp với nhau để cùng giải quyết những vấn đề báo chí phản ánh và Mặt trận các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa thông qua hoạt động giám sát cụ thể của mình, đơn cử như MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả chương trình giám sát cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn thành phố trong việc chấp hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau khi phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, báo chí đã quyết liệt vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc và mức độ bài báo đăng về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bình quân trên 100 bài/tuần.
“Đây chính là một gợi ý cụ thể đối với các địa phương được báo chí phản ánh, chẳng hạn cách đây 4 ngày tại một xã, người dân bức xúc trước hiện tượng khai thác cát trái phép đã tự thành lập tổ tự quản, Mặt trận đã ở đâu khi việc này xảy ra?. Trước những hiện tượng đó, Mặt trận phải tích cực vào cuộc”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Mặt trận, hiện nay không nên đặt câu hỏi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở đâu mà phải đặt câu hỏi những hiện tượng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra được báo chí và nhân dân nêu, Mặt trận có tích cực vào cuộc hay không?
Một trong những nguyên nhân tiếp theo khiến công tác chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đó là việc tổng kết lý luận chưa sâu, chưa theo kịp tình hình, khi lý luận tổng kết chưa sát, giải pháp chưa triệt để khiến công tác chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn những tồn tại. Thực tế nhiều cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu vẫn chưa có quyết tâm chính trị cao, để khắc phục vấn đề đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề cập đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn suy thoái “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.
“Hơn lúc nào hết trong nhiệm kỳ khóa 8, MTTQ cùng với Đảng, hệ thống chính quyền triển khai tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vì sự tồn vong của đất nước, sự tồn vong của Mặt trận. Trong đó, chú ý nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài nhưng “chống” là nhiệm vụ cấp bách quan trọng”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
7 giải pháp để củng cố và phát huy khối đại đoàn kết
Tại hội nghị tập huấn cho cán bộ Mặt trận toàn quốc 2017, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đưa ra 7 giải pháp nhằm đẩy mạnh, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ nhất: Chủ trương của Đảng, chương trình, kế hoạch của Nhà nước, tham gia của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên, sự tự lực của các hộ dân, sự góp sức của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.
Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, huyện và xã để triển khai thực hiện NTM, đô thị văn minh ở các xã, phường, huyện, quận chương trình phối hợp xây dựng NTM, đô thị văn minh của MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã với UBND cùng cấp giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện hiệp thương giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp để triển khai Cuộc vận động.
Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông về CVĐ, tập huấn đến các cấp MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên, phổ biến các điển hình công trình, mô hình NTM, đô thị văn minh.
Thứ tư: Tiếp tục xây dựng và phát huy “Quỹ Vì người nghèo” theo quy chế mới.
Thứ năm: Kinh phí cho Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gồm kinh phí Nhà nước, vận động các doanh nghiệp, người có tấm lòng hỗ trợ, đóng góp của nhân dân ở KDC xã, phường…
Thứ sáu: Nâng cao chất lượng, đổi mới tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC.
Thứ bảy: Sơ kết, tổng kết, khen thưởng. Theo đó, cứ 6 tháng giao ban một lần, một năm sơ kết một lần và 5 năm tiến hành tổng kết đồng thời tổ chức khen thưởng các công trình NTM, đô thị văn minh, các mô hình của các tổ chức thành viên thực hiện NTM, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, MTTQ các cấp xã, huyện, tỉnh, các tổ chức thành viên các cấp theo hướng dẫn của MTTQ Việt Nam và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.
|
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những vấn đề nhân dân phản ánh nếu không có người nghe thì Mặt trận phải lắng nghe đồng thời kết hợp với việc lắng nghe ý kiến từ cấp trên và UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ lắng nghe và có ý kiến đối với những vấn đề nhân dân phản ánh.
“Mặt trận các cấp cần quan tâm tới việc người dân và báo chí phản ánh, nếu chính quyền chưa thấu hiểu thì phải phản ánh lại. Khi Mặt trận địa phương thấy báo chí phản ánh tiêu cực tại tỉnh, huyện, xã thì Mặt trận các cấp phải cùng suy nghĩ và cho ý kiến. Mặt trận các cấp phải vào cuộc để đồng hành cùng nhân dân và đồng hành cùng hệ thống chính trị”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đưa ra là lãnh đạo MTTQ các cấp cần nắm bắt tình hình để khi có vấn đề thì kiến nghị với chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ cán bộ cấp dưới quyền; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm theo quy định luật pháp… với những vụ việc nổi cộm, công khai, nhân dân bức xúc mà không xử lý, Mặt trận phải góp phần kiến nghị xử lý.
“Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức tiếp nhận thông tin của người dân, tổ chức thành viên, qua báo chí về những hiện tượng phản ánh sự suy thoái về đạo đức chính trị, tư tưởng trong cán bộ, những phản về tham nhũng, lãng phí và chọn lọc vấn đề. Những vấn đề nào thấy có đủ cơ sở phải đi kiểm tra, rà soát lại. Nếu kiểm tra, rà soát xác định đúng, Mặt trận cấp đó phải có ý kiến với chính quyền, cấp ủy xử lý, giải quyết. Chúng ta không để báo cứ đăng về địa phương mình mà Mặt trận không biết gì”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Quyết tâm thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm
Trong năm 2017, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo 10 nội dung trọng tâm cần tập trung cần thực hiện trong toàn hệ thống: Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Chăm lo, đổi mới việc phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài; Triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Phát động và triển khai rộng rãi phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”; Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên Việt Nam; Tiếp tục triển khai sáng tạo, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Đổi mới công tác hữu nghị nhân dân của Mặt trận và tổ chức thành viên; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mặt trận và tổ chức thành viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận các cấp.
Cũng trong năm 2017, để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội 4 cấp về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các Bộ ngành sớm ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các tiêu chí về gia đình văn hóa, KDC văn hóa, phường đô thị văn minh và quy chế khen thưởng của CVĐ trong quý II-2017.
Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã ký kết với UBND cùng cấp chương trình phối hợp triển khai Nghị quyết liên tịch về “Phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 2017 - 2020” trong quý 2/2017 nếu chưa đăng kí năm 2016.
Đồng thời sẽ biên soạn và phát hành sổ tay Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 2016 - 2020”, quý 2/2017.
Theo dự kiến, tháng 11/2017, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương các chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận toàn quốc tại Hà Nội.
|
Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh:
Vẫn còn tình trạng nể nang trong giám sát, phản biện
Trong công tác Mặt trận, TP Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm”, hướng đến thực hiện các chương trình, cuộc vận động tốt hơn. Nổi lên là các hoạt động phong trào. Năm 2016, khi hỗ trợ tỉnh, thành bạn trong việc chống hạn, Mặt trận TP HCM đã hỗ trợ về kinh phí nhưng năm nay, chúng tôi hỗ trợ nước ngọt cho đồng bào biên giới bằng việc xây dựng các công trình khác nhau.
Tuy nhiên đối với các hoạt động giám sát và phản biện xã hội vẫn còn tình trạng nể nang, không đủ năng lực, phẩm chất để tiến hành giám sát, phản biệt như giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi phải có các chuyên gia, các HĐTV tham gia để sau giám sát chính quyền phải rút kinh nghiệm.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội:
Nâng cao chất lượng giám sát đảng viên nơi cư trú
Có thể nói, Hà Nội đã thực hiện khá tốt việc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tới từng quận, huyện trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng đã chỉ đạo đồng bộ, bài bản đồng thời tiến hành kiểm điểm, đặc biệt kiểm kiểm trách nhiệm người đứng đầu. Việc này đã tạo ra những dấu ấn đậm nét trong đội ngũ cán bộ Mặt trận để trên cơ sở đó có giải pháp tuyên truyền sâu rộng tới tận ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để cán bộ cơ sở lấy đó làm căn cứ giám sát cán bộ, đảng viên.
Đối với giám sát và phản biện xã hội, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải tập trung giám sát cán bộ đảng viên nơi cư trú. Sắp tới, Hà Nội sẽ đưa vào hướng dẫn của cấp ủy Đảng để giám sát Đảng viên nơi cư trú hiệu quả, thiết thực và có tính khả thi cao hơn.
Nguyễn Phượng
Ảnh: Thành Trung