Theo báo cáo của huyện Đại Lộc, các lực lượng chức năng đã xây dựng phương án sơ tán khẩn cấp dân vùng ngập sâu trong lũ, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở. Đến lúc 19 giờ ngày 18.9 đã sơ tán được 1361 hộ với 4.001 nhân khẩu. Trong đó sơ tán tập trung 239 hộ với 562 nhân khẩu, sơ tán tại chỗ 1.122 hộ với 3.439 nhân khẩu.
Tại huyện Tây Giang đã tổ chức sơ tán di dời khẩn cấp 27 hộ tại địa bàn các xã Bhalee, A Vương và A Tiêng và Voòng, A Banh 1, K’tiếc, K’nooh bị ảnh hưởng của sạt lở đất đến nơi an toàn.
Hiện nay, một số khu dân cư trên địa bàn huyện Đại Lộc đã và đang bị ngập lụt (khoảng 1.500 ngôi nhà), mực nước trên địa bàn huyện vẫn đang ở mức cao (8,37m, trên báo động II: 0,37m).
Theo thống kê ban đầu của các huyện Tây Giang, Nam Giang, Quế Sơn, Thăng Bình, Đông Giang, Điện Bàn và Đại Lộc tình hình thiệt hại cụ thể như sau: có khoảng 535ha lúa gieo và lúa sạ trễ bị ngập nước; có 673ha ngô, khoai lang, 10.000 gốc chuối bị ngã đổ, 425ha rau màu các loại bị thiệt hại.
Về giao thông vận tải, tuyến đường ĐT 609 từ Điện Bàn đi Đại Lộc đã bị ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông.
Tuyến đường cứu nạn, cứu hộ qua xã Bình Hải, Bình Sa (Thănb Bình) đang thi công nên gây ngập lụt cục bộ tại 2 địa phương này.
Nước lũ làm hư hỏng công trình đập dâng nhỏ Rhía, huyện Đông Giang; vùi lấp 250m kênh tại Nam Giang.
Nước lũ cũng cuốn trôi 1.500m ống nước sinh hoạt của trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Tây Giang.
Hiện nay mực nước trên các sông vẫn còn ở mức cao, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các địa phương tiến hành thống kê tình hình thiệt hại và tổ chức khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và sẽ có báo cáo tiếp theo.
* Theo tin từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Điện Bàn, do ảnh hưởng của bão số 8, huyện Điện Bàn xuất hiện mưa to đến rất to. Mưa lớn đã gây xói lỡ móng nền, gây xiêu vẹo ngôi nhà của một hộ dân tại xã Điện Dương. 40ha bắp đến thời kỳ thu hoạch bị ngập nước, trên 200 tấn bắp hạt bị ẩm, trên 150ha rau màu thực phẩm, chủ yếu là rau và trên 5ha hoa cúc dập nát. Trong đợt mưa bão này, huyện Điện Bàn cũng đã xảy ra 1 trường hợp tai nạn lao động làm một người bị thương nặng. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Bá (61 tuổi), trú tại thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong) khi chằng chống nhà cửa không may bị trượt chân rơi từ mái nhà xuống đất bị gãy sương sườn và xương bả vai.
* Trong khi đó, theo báo cáo của UBND huyện Núi Thành, dù đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó tích cực nhưng bão số 8 đã gây thiệt hại tài sản trị giá hơn 3 tỷ 150 triệu đồng. Thiệt hại nặng nhất là tàu câu mực khơi QNa-91685 của ông Bùi Lên (xã Tam Giang) đang trú bão tại âu thuyền An Hòa bị cháy rụi, thiệt hại gần 3 tỉ đồng. 4 hồ nuôi tôm chân trắng ở xã Tam Xuân 1 bị ngập, trôi hơn 1 tấn tôm, trị giá 100 triệu đồng; hồ nuôi cá diêu hồng, rô phi đơn tính của ông Hồ Đình Đồng (thôn Phú Tân, Tam Xuân 1) bị trôi khoảng 2 tạ. Ngoài ra, 3 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch bị ngập và một số mương kênh, đường sá bị sạt lở...
* Tại huyện Nam Giang, tuy chưa xảy ra thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra (trừ 1 nạn nhân bị lũ cuốn trôi mất tích như Báo Quảng Nam đã thông tin). Mưa lũ làm ngã đổ 30ha lúa rẫy, gây ngập úng gần 10ha lúa nước và gây ra sạt lở nhẹ tại một số tuyến đường, vùi lấp 250m kênh mương tại một số xã. Lũ mạnh đã cuốn trôi cầu tràn bê tông thôn Zơra và một cây cầu tạm của dân tại thôn Pà Ia. Hiện tại chính quyền đang vận động người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường để phòng tránh dịch bệnh.
* Cũng trong sáng nay 19.9, sau khi nước lũ rút, hàng chục người dân ở thôn Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) tranh nhau đi với củi. Trên đoạn sông Thanh gần thôn, người dân mang cả rựa, gùi và cưa máy để chặt từng khúc củi gỗ, trong khi đó, đoạn phía dưới cầu treo về thôn, một tốp thanh niên đang “xẻ thịt” một khúc gỗ tròn có đường kính hơn 80cm, bị trôi dạt từ phía thượng nguồn sông Thanh, vào chiều tối trước đó. Một người dân địa phương cho hay, cứ mỗi đợt sau lũ, người dân vùng cao lại đổ về dọc bờ sông, suối để tìm “lộc” của rừng. Thậm chí, ở nhiều vùng, mặc dù nước lũ đang dâng cao nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm tính mạng để trục vớt gỗ và củi trôi dạt theo cơn lũ.
|
Một tốp thanh niên ở Nam Giang đang cưa khúc gỗ trôi dạt vừa tìm thấy vào sáng 19.9. Ảnh: Lăng A Cúi |
* Trưa 19.9, ông Trần Thanh Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) cho biết, khoảng gần 11 giờ trưa hôm qua 18.9 mưa to kèm theo dông sét mạnh đã đánh vào nhà của 6 hộ dân ở đội 6 thuộc thôn Thi Thại (xã Duy Thành) khiến 2 chiếc ti vi bị hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống điện của các hộ dân này đều bị cháy. Theo ông Thư, lúc đó những hộ dân vừa nêu đang chuẩn bị bữa cơm, rất may không có thiệt hại về người.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, trước đó vào ngày 6.9 cũng ở đội 6 (thôn Thi Thại, xã Duy Thành) bà Nguyễn Thị Cảnh đã bị sét đánh chết khi đang hái rau má trên cánh đồng Cửa Hà.
* Đến nay, ước tính tổng mức thiệt hại do mưa bão trên địa bàn huyện Đại Lộc gây nên hơn 50 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về dân sinh gần 31 tỷ đồng, thiệt hại các công trình công cộng 19,5 tỷ đồng. Theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc, hiện mực nước trên địa bàn huyện vẫn còn trên mức báo động 3 nên chưa thể thống kê, tổng hợp đầy đủ về thiệt hại ở các địa phương.
|
Nhiều vùng trên địa bàn huyện Đại Lộc vẫn còn ngập lụt. Ảnh: Lăng A Cúi |
Hiện toàn huyện có 1.500 ngôi nhà bị ngập lụt và hư hại với tổng thiệt hại lên đến 750 triệu đồng. 300ha lúa gieo bị ngập nước, 300ha rau màu bị hư hại, 170ha khoai lang và ngô bị ngập nước, 125ha chuối và cây ăn quả bị hư hại, ngã đổ. Lũ lụt lên nhanh cũng làm ngành nuôi trồng thủy sản thất thoát đáng kể, toàn huyện có 25ha diện tích ao nuôi bị ngập, thất thoát 12,5 tấn cá, ước tính giá trị thiệt hại 625 triệu đồng.
Nhiều vùng Đại Lộc vẫn còn bị cô lập
Tính đến đầu giờ chiều nay (19.9), dù mưa đã dứt nhưng nhiều vùng ven của huyện Đại Lộc vẫn còn ngập nước, cô lập cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
|
Biển báo nguy hiểm cấm người và xe cộ lưu thông tại Đại Hiệp. Ảnh: Lăng A Cúi |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam, tại vùng ven các xã Đại Đồng, Đại Lộc, Đại Hiệp,… nhiều nơi vẫn còn ngập nước khiến việc đi lại của người bị cách trở, hư hại về hoa màu. Nhiều khu vực, do nước còn ngập sâu nên người dân đã sử dụng thuyền bè làm phương tiện di chuyển.
Có mặt tại đoạn đường bê tông dẫn vào thôn Dục Tịnh (xã Đại Hồng) vào sáng 19.9, chúng tôi ghi nhận hình ảnh người dân lùa đàn trâu bò cùng vượt lũ trở về nhà sau một đêm “cắm” trong rừng. Anh Nguyễn Hoàng Thức, người dân ở thôn Dục Tịnh cho biết, hôm qua 18.9, toàn bộ hàng trăm con trâu, bò của người dân trong thôn đều được đưa vào rừng nhằm tránh lũ. “Sáng ni, lũ rút nên lùa về kiếm thức ăn cho chúng”, anh Thức nói.
|
Một điểm sạt lở trên tuyến đường giáp ranh Đại Lộc - Nam Giang. Ảnh: Lăng A Cúi |
Còn tại xã Đại Hiệp, tuyến đường từ TP.Đà Nẵng đi Ái Nghĩa vẫn còn bị cô lập do mực nước vẫn ngập sâu, khiến toàn bộ phương tiện xe cộ không thể lưu thông. Tại khu vực này, chính quyền địa phương đã dùng rào chắn ngăn, cử người túc trực không cho người và phương tiện đi qua.
Trong khi đó, tại nhiều đoạn đường từ huyện Đại Lộc đi Nam Giang cũng xuất hiện các điểm sạt lở nhưng vẫn đảm bảo việc lưu thông của người đi đường.