Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự phiên họp.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp trong giám sát và phản biện xã hội Nghị quyết liên tịch đã quy định: Quý IV hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam năm sau.
Ở Trung ương, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Ở cấp tỉnh, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi, thống nhất với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cùng cấp. Ở cấp huyện, cấp xã, kế hoạch giám sát phản biện xã hội có sự trao đổi thống nhất với HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Tại cuộc họp, nhất trí với báo cáo chỉnh lý của Mặt trận và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hàng năm có giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội.
Cụ thể, hàng năm Quốc hội có 2 chuyên đề; các Ủy ban 2-3 chuyên đề... Do vậy, để tránh việc cùng thời điểm có đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Mặt trận; để không có sự chồng chéo áp lực với đại phương vì nhiều đoàn xuống cùng thời điểm nên nghiên cứu để “điều hòa chung”, chọn nội dung giám sát cho đỡ chồng chéo.
Theo ông Phúc, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội có nội dung giám sát cho năm sau dựa trên cơ sở mỗi kỳ có 200 nội dung đề xuất giám sát từ các ban ngành và đoàn ĐBQH chọn ra 4 nội dung trình ra Quốc hội. Do đó, Mặt trận có thể tham khảo nội dung giám sát để chọn đề tài giám sát vì 200 nội dung rất phong phú nhưng Quốc hội chỉ chọn có 4 đề tài. Sau khi Quốc hội họp xong, nên họp và thống nhất các bộ ban ngành trên cơ sở các nhóm vấn đề để không trùng lắp và các cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị thời gian để đón đoàn giám sát cũng như không chồng chéo.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.
Hoan ngênh Mặt trận đã thay mặt cho 3 cơ quan tiếp thu nghiêm túc đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận trước một cách nghiêm túc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất đối tượng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Nghị quyết về giám sát phản biện xã hội của Mặt trận.
“Đây là một trong những nội dung quan trọng trong đổi mới hoạt động của Mặt trận, đổi mới trong hệ thống chính trị, đề cao vai trò của nhân dân giám sát các cơ quan nhà nước. Cho nên thống nhất thông qua chủ trương này. Hình thức chủ thể ban hành là lãnh đạo 3 cơ quan vì trước đây Mặt trận đã có ký kết với Chính phủ; ký kết với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên các nội dung này cần chắp nối lại. Việc triển khai thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng đúng với chủ trương của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, có sự tham gia của 3 chủ thể để tôn trọng vai trò của nhân dân trong việc giám sát các cơ quan nhà nước” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ ngay từ đầu đã bàn với Mặt trận về công tác giám sát và phản biện. Đồng tình với báo cáo của Mặt trận, Phó Thủ tướng cho rằng đây là văn bản đặc biệt có ý nghĩa thể hiện bước tiến trong hệ thống chính trị của ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Lúc đầu nghe qua nhiều người ở các cơ quan hành pháp cảm thấy có áp lực nhưng điều đó là cần thiết. Ngay như hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thì khi Mặt trận vào cuộc, hay đoàn giám sát của Quốc hội vào cuộc thì tình hình có khác hẳn, chuyển biến ngay cho nên việc Mặt trận tham gia giám sát rất quan trọng”.
Theo Phó Thủ tướng, cần có hình thức ký kết cho đúng tầm, và nên ký kết vào thời điểm họp Quốc hội. “Đây là một thông điệp rất tốt, nếu có sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận”.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, văn bản này là thể chế hóa Văn bản 217, 218 của Bộ Chính trị, phản ánh tính chất chính trị của đất nước chúng ta, không chỉ có Đảng, Nhà nước, mà còn có nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên. “Ở Trung trung ương có 3-4 chương trình quốc gia, còn ở dưới tỉnh thì thiên biến vạn hóa, hôm nay nước ngập chỗ này mai cháy chỗ kia. Cho nên thống nhất là có kế hoạch hàng năm, còn sau đó có sự điều chỉnh”. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng tình rằng ký văn bản liên tịch này vào kỳ họp Quốc hội, được truyền hình trực tiếp cho có ý nghĩa.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm thống nhất cao với bản báo cáo giải tình tiếp thu của Mặt trận và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp.
Theo đó cần có mốc thời gian xây dựng kế hoạch giám sát để cho tránh chồng chéo trùng lắp: Khi Quốc hội có kế hoạch giám sát rồi mới xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, không nên cứng nhắc theo kế hoạch mà phải theo thực tiễn biến động của tình hình, Mặt trận có quyền kiến nghị để điều chỉnh bổ sung vào kế hoạch giám sát cho phù hợp với tình hình. Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì thẩm tra, phối hợp với Mặt trận, Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh lại Nghị quyết để lãnh đạo 3 cơ quan ký vào kỳ họp thứ 3 tới của Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 5/2017 với nghi thức trang trọng.
Cuối phiên họp, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết đồng ý thông qua về chủ trương ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Việt Thắng
Ảnh: Thành Trung