Ở những vùng miền núi tỉnh Quảng Nam do điều kiện tự nhiên và nét đặc thù về xã hội mà từ xưa đến nay trong một bản (làng) dân cư của đồng bào các dân tộc thiểu số thường suy tôn “già làng, trưởng bản” là những người có uy tín cao, am hiểu và nắm các luật tục, những quy định thành văn hoặc bất thành văn. Họ đóng vai trò như là người “thủ lĩnh” trong việc giải quyết hầu hết những vấn đề nảy sinh trong đời sống cộng đồng.
Đồng chí Nguyến Văn Sỹ- Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam (thứ
sáu, từ phải sang) tặng quà động viên đại diện các già làng trưởng bản Quảng Nam và
Kon Tum, nhân Hội nghị Tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới Việt Nam-
Lào, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Quảng Nam ngày 18/9/2013 (ảnh: T.Hậu)
Quảng Nam có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, diện tích tự nhiên hơn 10.408 km2 với 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện miền núi chiếm diện tích 74,2% so với toàn tỉnh, có 14 xã biên giới Việt - Lào với chiều dài 142,5 km. Các xã biên giới thuộc hai huyện Tây Giang, Nam Giang là vùng đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia, nơi cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Vùng miền núi Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh biên giới, môi trường sinh thái...là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số (DTTS) từ lâu đời, bao gồm dân tộc: Cơ Tu, Xơ Đăng (gồm các nhóm Xơ teng, Mơ nâm, Cà dong), Gié - Triêng (gồm các nhóm Bhnoong, Ve, Tà riềng) và Cor; tập trung ở 72 xã tại các huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và một số xã ở các huyện: Đại Lộc, Núi Thành, Tiên Phước, Tam Kỳ, Hiệp Đức.
Đặc điểm địa hình miền núi của tỉnh hiểm trở, độ dốc lớn, dân cư thường sống thưa thớt rải rác ở các sườn đồi hoặc tập trung theo từng cụm bản (làng), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, hủ tục một số nơi vẫn còn lạc hậu, trình độ nhận thức về chính trị, xã hội vẫn hạn chế. Do điều kiện tự nhiên và nét đặc thù về xã hội mà từ xưa đến nay trong một bản (làng) dân cư của đồng bào các dân tộc thiểu số thường suy tôn “già làng, trưởng bản” là những người có uy tín cao, am hiểu và nắm các luật tục, những quy định thành văn hoặc bất thành văn. Họ đóng vai trò như là người “thủ lĩnh” trong việc giải quyết hầu hết những vấn đề nảy sinh trong đời sống cộng đồng.
Hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam có 383 người có uy tín, trong đó, người có uy tín là trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ ở vùng dân tộc thiểu số: 362 người; thầy cúng, thầy mo: 01 người và thành phần khác là 20 người.
Đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người cao tuổi, một số lão thành Cách mạng, già làng, Trưởng bản, là người được đông đảo quần chúng tín nhiệm. Các vị có khả năng tác động chi phối, tập hợp được đồng bào dân tộc thiểu số ở phạm vi của cộng đồng nơi họ sinh sống bằng lời nói, qua hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục tập quán; Họ có sức lan toả và có ảnh hưởng đến cộng đồng trong việc vận động bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, kết hợp hài hoà giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, xây dựng qui ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư...
Nhận thức được vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh vừa là nhiệm vụ mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, lực lượng già làng, trưởng bản thường xuyên kết hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, công an và các đoàn thể địa phương chủ động tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như việc định canh, định cư, sinh đẻ có kế hoạch, xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng, xây dựng nếp sống văn minh, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được đảm bảo. Sự đóng góp tích cực của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân nơi cư trú chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bảo vệ tốt sự bình yên ở các thôn bản, bài trừ các tệ nạn xã hội, tham gia quản lý giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư giúp họ hoàn lương trở thành người có ích trong xã hội. Đến nay, 100 % xã ở các huyện miền núi có trường học, trạm y tế; có trụ sở thôn, nhà văn hoá sinh hoạt. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được nhân dân tích cực hưởng ứng, hầu hết các thôn đều xây dựng được quy ước, hương ước thôn bản, nhiều gia đình đã biết xây dựng các công trình vệ sinh, làm chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn các huyện. Họ vừa là người gương mẫu tiên phongthực hiện, vừa tuyên truyền vận động nhân dân làm theo.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm và cố gắng rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhưng thực tiễn ở địa phương điều kiện kinh tế còn ở mức thấp, vì vậy chế độ, chính sách hỗ trợ cho già làng, trưởng bản vẫn còn hạn chế, việc tổ chức tọa đàm, tham quan, du lịch, giúp đỡ về vật chất chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tham mưu, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các chế độ chính sách cho người có uy tín chưa được thường xuyên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đội ngũ già làng, trưởng bản đã tích cực đóng góp và đạt được nhiều thành tích đáng kể nhưng do trình độ văn hóa thấp nên về nhận thức chính trị cũng như nắm bắt, giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm diễn ra trong đời sống xã hội còn nhiều hạn chế, đa số già làng, trưởng bản thường là người chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trong thực tiễn cuộc sống vẫn còn có già làng, trưởng bản hoạt động mê tín dị đoan và muốn duy trì các phong tục, tập quán lạc hậu, hoặc còn có ý thức dân tộc hẹp hòi, tự ty dân tộc. Từ những hạn chế nêu trên, dẫn đến công tác vận động của một số già làng, trưởng bản phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, nội dung hình thức vận động chưa linh hoạt.
Để phát huy và khai thác trí tuệ, kinh nghiệm trong quản lý bản, làng của già làng, trưởng bản cần phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của họ. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, định hướng và phối hợp tuyên truyền thực hiện tốt các nhiệm vụ, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, chính trị thông qua việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng. Thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, Quốc tế, trong nước và địa phương, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo… để những người có uy tín có điều kiện nghiên cứu, nâng cao nhận thức và đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đạt kết quả tốt. Trước mắt, cần xây dựng được hệ thống những tiêu chí, chuẩn mực về già làng, trưởng bản. Đối với những người có uy tín, đủ tiêu chuẩn nên giới thiệu và bố trí họ làm trưởng bản, vào thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức hội, tham gia là đại biểu Hội đồng nhân dân ở cơ sở. Những già làng, trưởng bản có uy tín, nhiệt tình hoạt động xã hội, tham gia tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp cho phong trào làng, bản cần có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời.
Tin rằng, với sự quan tâm sâu sát của cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng, trong thời gian tới, đội ngũ già làng, trưởng bản ở Quảng Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.