Cây cối gãy đổ nhiều tuyến đường Tam Kỳ
Tại thành phố Tam Kỳ, cây cối ngã đổ gây ách tắt giao thông, mưa bão gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường. Tại nhiều đoạn ở đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt nước ngập từ 30cm đến 50cm.
Các huyện miền núi cây cối gãy đổ nằm la liệt. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, công sở bị hư hỏng nghiêm trọng. Mạng viễn thông bị ảnh hưởng làm cho thông tin liên lạc luôn trong tình trạng chập chờn; Cơn bão số 11 này đã gây ảnh hưởng cả nghìn héc ta cao su đang trồng ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Núi Thành và Nông Sơn. Nhiều vườn tược, cây cối, hoa màu của bà con bị hư hỏng nghiêm trọng.
Sạt lỡ trên tuyến DT611 đoạn qua Đèo Le (nguồn Báo Quảng Nam)
Phía hạ du các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An do triều cường kết hợp xã lũ ở các hồ chứa mực nước các sông đang lên cao. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đo được là 9,16m, trên mức báo động 3 là 0,16m. Sông Thu Bồn tại Câu Lâu 2,64m, dưới mức báo động 2 là 0,36m; tại Hội An là 1,25m, dưới báo động 2 là 0,25m.
Xã lũ thủy điện Đăk Mi 4 (ảnh chụp lúc 14h ngày 15/10)
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đêm nay (15/10), lũ trên các sông tại Quảng Nam đặc biệt hạ lưu sông Thu Bồn còn tiếp tục lên. Mực nước trên các sông chính tại Quảng Nam như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,5m, trên mức báo động 3 là 0,5m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 3,2m, trên mức báo động 2 là 0,2m; tại Hội An 1,8m, dưới báo động 3 là 0,2m; Các địa phương trong tỉnh cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng.
Sáng 15/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tỏa đi đến hiện trường các địa phương bị thiệt hại do bão số 11 gây ra để trực tiếp chỉ đạo khắc phục, chuẩn bị đối phó với lũ lụt, sớm đưa nhân dân ổn định cuộc sống.