Tại một buổi họp tổ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết: Có địa phương còn dọa cả ĐBQH khi nói về tham nhũng.
Ông Tiến kể, có nhiều lãnh đạo, cả Trung ương và địa phương, khuyên, nhắn tin dọa không nên nói nữa. Cũng thật cảm động khi ĐB này giãi bày: "Người ta bảo 3 năm học nói, 60 năm học im lặng. Tôi năm nay 60 rồi, nên chắc cần im lặng? Nhưng giờ Quốc hội không nói nữa thì còn ai nói đây?”. Ông Tiến cho rằng, do sợ liên đới trách nhiệm của người đứng đầu khi có người trong cơ quan bị phát hiện tham nhũng, nên đã nảy sinh tâm lý "đóng cửa bảo nhau”, không lãnh đạo nào muốn làm to chuyện. Như thế thì cuộc đấu tranh này sẽ không có kết quả.
Còn bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc khi cho rằng đấu tranh chống tham nhũng thì phải minh bạch công khai, nhưng toàn bộ quy trình tố tụng lại được đóng dấu mật. Thậm chí, theo bà Nga, "dấu mật dễ dàng đưa phóng viên vào tội làm lộ tài liệu mật” khi công bố vụ việc. Tiếp đó, bà Nga đã vừa hỏi vừa đề nghị ông Ksor Phước, Thường vụ Quốc hội là: Tôi nhờ anh chuyển đến Thường vụ Quốc hội câu hỏi: ai xử lý được việc không phải là mật mà đóng dấu mật?
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang ngày càng đi vào chiều sâu. Ai cũng hiểu, cuộc đấu tranh này vô cùng khó khăn, phức tạp, không có dũng khí thì không thể tiến hành. Có lẽ vì thế mà ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng cần phải trả lời câu: Ngoài bao che còn có bảo kê, tiêu cực không? ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) lo lắng thốt lên: "Kỷ cương đã đến lúc báo động!”.
Tương tự, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá, nhiều người ngại "dính” đến quan chức tham nhũng, họ ngại không dám nói. Vì thế, để tránh phát sinh tham nhũng, ông Quyền đề nghị phải công khai, minh bạch; công khai các tiêu chí bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng, đi học nước ngoài… kể cả với việc đấu thầu, dự án, sử dụng vốn ODA. Và cuối cùng phải xem lại các trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, án treo cho loại tội phạm này, vì ở đó có dấu hiệu bao che, lợi ích nhóm và lại… thêm một lần hối lộ, tham nhũng.
Mạnh mẽ, sâu sắc, thiết thực
Muốn đánh giá chính xác tình hình thì phải có đủ dữ liệu, dữ liệu phải chính xác. Chính vì thế, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự nghi ngờ số liệu thống kê trên nhiều lĩnh vực.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét: "Đọc báo cáo của Chính phủ chúng ta thấy màu hồng nhưng nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội chúng ta thấy màu xám, còn nhân dân thì nói là màu tối”. Như vậy là có vấn đề. Theo ông Thuyền, nền kinh tế phải được đánh giá đúng, nếu đánh giá không đúng thì sẽ bắt không trúng bệnh.
Phân tích sâu, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, sự chưa xác thực của các chỉ số thống kê chính là do "bệnh thành tích”. Bà Thủy đề nghị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức cung cấp số liệu không chính xác và phải có chế tài xử lý, ngăn chặn.
Cho dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, những con số mà Tổng cục Thống kê công bố "cơ bản là chấp nhận được” và "các ĐB không phải quá lo lắng số liệu bị tô hồng”; nhưng ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vẫn không hết ngờ vực về tính xác thực của con số. Ông Quốc còn dẫn chứng chính Thủ tướng cũng đặt câu hỏi số thực hay ảo khi nói về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, từ góc độ đại diện cho người dân, ông Quốc nói: "Với nhân dân, nhận thức những hiệu quả từ điều hành của Chính phủ phải phản ánh trong đời sống thường nhật của người dân như thu nhập, sự an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, môi trường đạo đức xã hội và chất lượng dịch vụ của bộ máy công quyền”. Quả thật là, nói như ĐB Lê Như Tiến, không nói lên tiếng nói của người dân tại Quốc hội thì nói ở chỗ nào đây? Và các ĐB đã làm được điều đó.
Trước những chủ trương lớn phát triển đất nước, các ĐBQH cũng đã thẳng thắn, bình tĩnh nhìn nhận, phân tích và lên tiếng. Với đề nghị tăng đầu tư công, nới trần bội chi ngân sách của Chính phủ, trước đó không ít ý kiến của giới chuyên gia là không đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lại có ý kiến khác: Đồng tình. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích, "Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư, không tăng đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài. Tôi tán thành việc mở rộng đầu tư công ở chừng mực hợp lý thông qua phát hành trái phiếu, nới trần bội chi nhằm kích thích thị trường, tạo việc làm”. Còn ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhận định, cắt giảm đầu tư công chính là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, ông Sơn đồng tình với đề xuất tăng bội chi ngân sách của Chính phủ nhằm hoàn thành các dự án lớn.
Tuy nhiên, các ĐBQH cũng không quên "nhắc” rằng, các khoản vốn tăng thêm cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực thiết yếu, các dự án tạo sự thay đổi về cục diện. Kĩ hơn, các thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất tăng bội chi, nhưng nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải tập trung cho đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ. Như vậy là "bóng ma” tham nhũng vẫn lởn vởn, và các vị đại biểu của dân đã không quên điều đó.
Tăng đầu tư công, nhất trí, nhưng gút lại là đầu tư vào đâu, "miếng bánh” này sẽ chia ra như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, khi bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền nhiều nghìn tỉ đồng, các ĐBQH đã có những kiến giải sâu sắc. ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, "Nên cắt bớt những chương trình không cần thiết để ưu tiên đầu tư cho những công trình lớn. Đề nghị điều chỉnh mục tiêu quốc gia ngay trong năm 2014 theo hướng giảm bớt, chỉ để lại chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo và môi trường”. Điều đó đã được ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cũng như nhiều ĐB khác hưởng ứng.
Mặc dù mới đây Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức Sự kiện đặc biệt "Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo” cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; thì tại Kỳ họp này của Quốc hội, nhiều vị ĐB vẫn lên tiếng. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói: "Dân tộc Việt Nam là dân tộc tự tôn, tự trọng, ai nói mình nghèo là không chịu. Nhưng bây giờ nhiều địa phương rất muốn được xếp vào loại địa phương nghèo, nhiều hộ muốn thuộc diện hộ nghèo”. Đó là điều bất thường và vì thế ông Lai cho rằng đó là điều rất đáng phải suy nghĩ”. Ông Lai cho rằng, chính sách cho người nghèo là cần thiết và rất tốt, nhưng cũng phải tính đến sự tác động ngược về giá trị đạo đức. "Con cái muốn đưa cha mẹ ở tuổi 70 ra ở trong một căn lều chỉ nhằm mục đích được xếp vào hộ nghèo để được hỗ trợ. Ở các địa phương người ta kiên quyết không chấp nhận đã thoát nghèo, nếu đưa vào diện thoát nghèo lập tức bị hiềm khích, bị lên án và oán trách”. Có nghĩa là nếu đưa người ta ra khỏi diện nghèo thì sẽ mất trợ cấp, điều đó làm cho tính đoàn kết cộng đồng ở trong các khu dân cư chừng mực nào đó là bị sứt mẻ, nói như ĐB Lai. Từ đó, ĐB Lê Văn Lai cho rằng, nếu không khéo những tác động chính sách sẽ làm cho tính tự tôn dân tộc, tính tự cường dân tộc và sức đề kháng của xã hội giảm đi. Mà như thế cũng có nghĩa là chúng ta sẽ mất đi những thứ rất lớn.
Ngay sau khi ý kiến của ĐB Lê Văn Lai phát ra, một số địa chỉ mạng đã lên tiếng bình luận, trong đó không ít ý kiến cho rằng đây là phát biểu hay và sâu nhất và cũng thẳng thắn, thực tế nhất từ trước đến nay về chính sách cho người nghèo. Ông Lai đã nói đến điều thẳm sâu là lòng tự tôn, tự trọng của người Việt Nam. Đồng thời cũng nói đến sự chưa hoàn chỉnh của chính sách, mặc dù đó là chính sách nhân đạo rất tốt đẹp.
Đi xa hơn, ĐB Lai còn đặt vấn đề một cách thiết thực: Cắt giảm phần đầu tư cho các việc khác, cho các chương trình nghèo khác để xây cho mỗi tỉnh một nhà dưỡng lão. "Nếu cứ phó mặc hết cho con cái thì chúng ta đã không thể hiện đấy đủ trách nhiệm xã hội đối với người cao tuổi”. Ông Lai cho rằng, không thể để người cao tuổi khi về hưu, tuổi cao không còn lao động được nữa thì số phận lại phó mặc cho việc có hiếu thảo hay không có hiếu thảo của con cháu.
Việc đề nghị đầu tư xây dựng mỗi tỉnh một nhà dưỡng lão của ĐB Lê Văn Lai được cho là rất thiết thực, giải quyết tốt nhiều vấn đề xã hội. Điều đó cũng tương tự như ý kiến các vị ĐBQH khi đồng ý với tăng trần bội chi, tăng đầu tư công nhưng quan trọng là số tiền đó đầu tư vào đâu, những công trình cụ thể nào. Tính "vĩ mô” trong các phát biểu của ĐBQH đã ít dần, mà thay vào đó là sự mạnh mẽ, rõ ràng, cụ thể, thực sự là tiếng nói của nhân dân.
Những vị ĐBQH tâm huyết, trí tuệ cần được khen thưởng
ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội; có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. ĐBQH sẽ chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân- những người đã bầu ra họ.
Vậy, nếu ĐBQH làm tốt trọng trách của mình thì có được khen thưởng hay không? Đó là câu hỏi đã từng được đưa ra tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII.
Một luồng ý kiến cho rằng, trách nhiệm của ĐBQH là phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, nên không cần phải đặt ra việc khen thưởng. Hơn nữa, việc quy định riêng về khen thưởng ĐBQH sẽ tạo ra một ngoại lệ, phá vỡ tính thống nhất trong hệ thống khen thưởng của Nhà nước. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, mặc dù đã có quy định trong Luật, song chưa có ĐBQH nào được khen thưởng trên thực tế. Và việc khen thưởng ĐBQH nên quy định theo hướng không cộng dồn thành tích mà khen thưởng theo thành tích, công trạng và cống hiến thông qua các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước.
Mới đây, phát biểu ý kiến trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, tác giả Nguyễn Thảo cho rằng, việc khen thưởng đúng và kịp thời có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển xã hội. Do vậy, việc khen thưởng ĐBQH là cần thiết.
Từ đó, khi mà ĐBQH là người được nhân dân lựa chọn dám thẳng thắn, trung thực và giàu trí tuệ đề nghị những vấn đề quốc kế dân sinh, tham vấn những chủ trương lớn, dũng cảm đấu tranh với những gì còn tồn tại, hiến kế để lo cho dân, làm cho đất nước phát triển thì rất đáng hoan nghênh và phải được khen thưởng ở cấp độ cao. Trên tinh thần đó, dư luận rất hoan nghênh các vị ĐBQH vì những đóng góp tâm huyết, sâu sắc trong hơn 10 ngày qua trên diễn đàn Quốc hội.
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị):
Có nhiều lãnh đạo, cả Trung ương và địa phương khuyên, nhắn tin dọa không nên nói về chống tham nhũng nữa. Người ta bảo 3 năm học nói, 60 năm học im lặng. Tôi năm nay 60 rồi, nên chắc cần im lặng? Nhưng giờ Quốc hội không nói nữa thì còn ai nói đây?
ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam):
Dân tộc Việt Nam là dân tộc tự tôn, tự trọng, ai nói mình nghèo là không chịu. Nhưng bây giờ nhiều địa phương rất muốn được xếp vào loại nghèo, nhiều hộ muốn thuộc diện hộ nghèo. Đó là điều bất thường và rất đáng phải suy nghĩ.