Với bản Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua, lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được hiến định. Cũng lần đầu tiên Hiến pháp hiến định vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một bước tiến mới của tiến trình thực hiện dân chủ nhằm tăng cường đồng thuận xã hội đưa đất nước phát triển.
Trước giờ bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi), những đại biểu Quốc hội là cán bộ Mặt trận đều bày tỏ niềm vui về việc bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã đưa vai trò vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đúng vị thế cần có. Lâu nay, vị trí của Mặt trận trong đời sống chính trị đất nước và ngay cả trong Luật Mặt trận, cũng mới dừng ở mức Mặt trận "đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Với Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua, lần đầu tiên, đạo luật gốc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân hiến định rất cụ thể: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” (trích Điều 9)
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong ngày Quốc hội bấm nút thông qua Hiến pháp: Hiến pháp đã thể hiện được tinh thần đổi mới, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân. Dù đúng là trong xã hội, không thể tránh khỏi khi vẫn còn một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác. Nhưng tuyệt đại bộ phận nhân dân và đại biểu Quốc hội đã đồng tình với việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Nói Hiến pháp (sửa đổi) thể hiện được lòng dân không phải là một cách nói thiếu cơ sở. Những điểm mới quan trọng nhất của Hiến pháp (sửa đổi) là đã thể hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước, là đặt Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, là đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân… Lý thuyết xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân cũng không phải là một khái niệm chung chung. Bởi vì đây, với bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này, nhân dân thực hiện giám sát quyền lực nhà nước thông qua tổ chức đại diện của mình là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng với nhiều điểm đổi mới đáng kể của Hiến pháp, việc Hiến pháp hiến định rõ ràng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân đang đặt lên vai Mặt trận một sứ mệnh lịch sử, là thể hiện đúng vị thế lịch sử này. Với những điểm mới đã được đưa vào trong Hiến pháp, sắp tới đây, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng sẽ được sửa đổi cho phù hợp. Điều trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ Mặt trận những năm qua có thể nói về cơ bản đã được đáp ứng trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này. Mặt trận đứng trong hệ thống chính trị với đầy đủ tư thế cần có. Mặt trận đã có đầy đủ điều kiện pháp lý để đại diện cho nhân dân, vận động nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân. Mặt trận tập hợp và tăng cường đồng thuận xã hội bằng chính hành động cụ thể là giám sát và phản biện đã vừa được Hiến pháp hiến định. Chắc sắp tới khi sửa đổi Luật Mặt trận sẽ luật hóa một cách cụ thể hơn quyền đại diện và vai trò giám sát, phản biện. Nhất là khi được biết cuối năm 2013 này, Qui chế giám sát phản biện của Mặt trận sẽ ra đời.
Lịch sử đất nước vừa trải qua những thời khắc đặc biệt. Vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nâng lên. Nắm lấy cơ hội này thế nào là việc của cả hệ thống Mặt trận các cấp trong thời gian tới. Để Mặt trận thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, để thực hiện chức năng giám sát, phản biện một cách thiết thực hiệu quả, là cả một thử thách phía trước, đòi hỏi một sự đổi mới trong tư duy và nhận thức về trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận mà người đứng đầu hệ thống Mặt trận - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trong bài trả lời phỏng vấn của báo Đại Đoàn kết đã nhấn mạnh: Đổi mới vì yêu cầu của thời đại, của Đảng, của nhân dân và của chính hệ thống Mặt trận.
Lịch sử đất nước đã thừa nhận, thực tế xã hội đã thừa nhận, Hiến pháp đã qui định cụ thể và rõ ràng, niềm tin về vị thế Mặt trận trong thời gian tới không phải là một niềm tin xa vời. Sứ mệnh lịch sử đã trao, Mặt trận sẽ phải nhận lấy trọng trách, trước nhân dân và lịch sử./.