Kể từ ngày 15/12, các vi phạm về quản lý tiền, hàng cứu trợ sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng - Ảnh minh họa
Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã xây dựng theo hướng đưa các quy định xử phạt hành chính có tính đặc thù, liên quan tới bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi vào một Nghị định chung, góp phần nâng cao nhận thức đối với toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và vấn đề bảo trợ, cứu trợ xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong cùng nhóm lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điểm đáng chú ý trong Nghị định 144/2013/NĐ-CP là việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ.
Xuất phát từ thực tiễn, với tinh thần tương thân, tương ái cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, thường các tổ chức, cá nhân cũng tham gia quyên góp, hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động này để trục lợi, để chiếm đoạt tài sản cứu trợ hoặc sử dụng không đúng mục đích, không bảo quản làm hư hỏng thất thoát…
Theo quy định mới, các vi phạm về quản lý tiền, hàng cứu trợ như để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ; Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng của nhà tài trợ; Chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng./.