Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13, Khóa VII.
Nhiều vấn đề quan trọng của công tác Mặt trận được các đại biểu bàn thảo sôi nổi, đặc biệt là Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, trong năm 2014 Mặt trận đặt vấn đề phối hợp với Hội Nông dân giám sát về vật tư nông nghiệp là rất đúng, rất trúng và hợp lòng dân. Theo ông Cường, trong lĩnh vực này, vấn nạn hàng giả, hàng nhập lậu ngày càng lan rộng sẽ làm ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nông dân.
Lý giải việc Mặt trận sẽ tham gia giám sát vấn đề vật tư nông nghiệp, ông Cường cho rằng không có cơ quan quản lý nào có thể đủ người để đưa xuống từng thôn, bản kiểm tra, giám sát phân bón, thuốc trừ sâu giả, nên đây chính là lợi thế của các Ban Công tác Mặt trận (CTMT).
“Cấp ủy và các đoàn thể đều có mặt trong Ban CTMT. Trưởng Ban CTMT là người có uy tín nên có thể dễ dàng tập hợp người dân, các đoàn thể thực hiện việc giám sát để qua đó, cùng với cơ quan quản lý hạn chế tác hại cho người dân và nông dân”, ông Cường tin tưởng.
Đánh giá về công tác Mặt trận năm 2013, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc Lù Văn Que khẳng định hiện còn nhiều việc người dân đang mong muốn Mặt trận tham gia giải quyết, như khoảng cách chênh lệch giàu nghèo chưa thu hẹp; còn trên 300 nghìn hộ đồng bào dân tộc chưa có đất (trong đó, hơn 33 nghìn chưa có đất ở, 294 nghìn hộ chưa có đất sản xuất); việc tàn phá rừng, tranh chấp đất giữa người dân với công ty lâm nghiệp, dân bản địa và dân di cư tự do; chính sách đền bù di dân tái định cư của thủy điện Sơn La, Lai Châu... Nếu không gỡ cho dân và cứ để kéo dài thì dễ dẫn đến bất ổn.
Ông Lù Văn Que cho rằng phải rà soát lại những chính sách Mặt trận, dân tộc, tôn giáo để bổ sung cho phù hợp.
“Mặt trận phải đi sâu nghiên cứu giải quyết các vấn đề một cách thiết thực cụ thể, tránh việc hô hào hình thức. Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe mà còn phải làm cho dân tin. Cùng với đó phải nghiên cứu các cuộc vận động cho phù hợp với tình hình mới”, ông Lù Văn Que đề nghị.
Trao đổi với các đại biểu về việc thực hiện công tác giám sát phản biện trong giai đoạn 2014-2015, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hiến pháp đã hiến định nhưng chưa có quy định luật pháp về giám sát và phản biện. Do vậy, trong năm 2014, Mặt trận phải cố gắng tham mưu việc xây dựng pháp lệnh về giám sát và phản biện xã hội.
Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, năm 2014, MTTQ sẽ tập trung thực hiện giám sát chính sách với đối với người có công, chính sách bảo hiểm xã hội, y tế cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp cũng như nạn buôn bán và sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón giả…
Năm 2014 MTTQ sẽ tập trung phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ TTTT phổ biến, học tập và thu đua cùng các điển hình tiên tiến.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Mặt trận cũng cần lên danh sách những vấn đề cần quan tâm. Việc mới nên cần tránh sự quá tải. Ở cấp Trung ương chọn một vấn đề đó là chính sách đối với người có công; mỗi ngành mỗi địa phương chọn một vấn đề để giám sát như việc đóng bảo hiểm ở các doanh nghiệp; giám sát vật tư đầu vào trong nông nghiệp; mức sống, chênh lệch giàu nghèo, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Sau một ngày làm việc hiệu quả, các đại biểu đã nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết của Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13 (khóa VII) để trình trước kỳ họp Ủy ban TWMTTQ vào ngày 13/1.
7 nội dung đổi mới:
Nhằm đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam năm 2014, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên 7 nội dung:
1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện truyền thông; phối hợp chặt chẽ, có chương trình, kế hoạch truyền thông của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, vận động (nhất là ở cơ sở) nhằm tạo sự đồng thuận cao về đánh giá tình hình đất nước, về các giải pháp phát triển KT-XH và trách nhiệm của Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
2. Hình thành hệ thống thu nhập ý kiến nhân dân về tình hình đất nước và các địa phương, về kiến nghị các việc bức xúc cần giải quyết và các giải pháp lâu dài cần triển khai để phát triển đất nước.
3. Rà soát các phong trào, cuộc vận động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và các chương trình công tác của Chính phủ để làm cho các phong trào dễ nhớ, dễ làm và hiệu quả hơn. Cần lồng ghép, phối hợp thực hiện các chương trình, đề án để giảm sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện; không gây quá tải cho tổ chức Mặt trận ở cơ sở...
4. Triển khai các giải pháp mới để làm tốt hơn nhiệm vụ tập hợp và phát huy các sáng kiến của các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Triển khai các giải pháp mới để làm tốt hơn nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò tôn giáo, các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
6. Đề xuất và chủ động tham gia xây dựng một số đề án, chương trình của Chính phủ hoặc các tỉnh, thành phố để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.
7. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, công tác thi đua, chính sách cán bộ Mặt trận các cấp để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ Mặt trận và các yêu cầu nhiệm vụ mới mà Hiến pháp đã đặt ra.
|