Ông Lê Văn Luyến, Chủ tịch UBMTTQVN huyện khóa X phát biểu khai mạc Đại hội
Đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, ông Lê Văn Lai, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tham dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội, về phía huyện Đông Giang, ông Nguyễn Bằng, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, đại biểu lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của huyện cùng 127 đại biểu chính thức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.
Báo cáo tổng kết công tác Mặt trận nhiệm kỳ X của UBMTTQVN huyện Đông Giang nêu rõ: Trong 05 năm qua, UBMTTQVN các cấp huyện Đông Giang đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc và các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ngày vì người nghèo”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... và nhiều phong trào thi đua khác góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-chính trị, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII và Chương trình hành động của MTTQVN huyện khóa X đề ra. Đến cuối năm 2013, có trên 70% hộ gia đình và trên 67% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh bình quân gần 5% mỗi năm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc và nhân dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Ông Lê Văn Lai, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Văn Lai, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nhấn mạnh: Đông Giang là huyện miền núi phía Tây Quảng Nam nơi có trên 72% dân số là đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống, là nơi được biết đến với hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của Nhà Gươl náo nhiệt cùng vũ điệu cồng chiên trong những mùa Lễ hội... tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ tu. Trong cuộc sống, người dân Cơtu luôn đề cao tinh thần tự quản, tự giác, dân chủ, ý thức cố kết cộng đồng, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau... Truyền thống ấy cần được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ để tạo động lực để thúc đẩy Đông Giang phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một huyện nghèo miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 42%, trình độ dân trí thấp, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn hẹp, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập thì việc tăng cường sự đồng thuận xã hội, khơi dậy, thay đổi nhận thức, phát huy tinh thần tự lực, chủ động và sức sáng tạo của đồng bào các dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Do vậy, trong những năm đến, MTTQVN các cấp huyện Đông Giang cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Trong chặng đường dài phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tiêu chí nông thôn mới, nhất định Đông Giang phải đối diện những vấn đề lớn như thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm; xóa bỏ tập tục lạc hậu, từng bước xây dựng con người mới; xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, đảm bảo đất sản xuất cho nhân dân... Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của MTTQVN các cấp huyện Đông Giang trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc ý nghĩa, vai trò to lớn của việc củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy truyền thống văn hóa, tăng cường đồng thuận xã hội. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh một cách toàn diện, đồng bộ và thực chất theo tinh thần Chỉ thị 21-CT/TU và Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng thời, tiếp tục triển khai đạt kết quả cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện.
2. Thường xuyên củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, mạnh dạn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN theo Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội”. Bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, mở rộng thành viên và đặc biệt phát huy vai trò nòng cốt của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, động viên tối đa mọi nguồn lực trong nhân dân vì sự phát triển bền vững của địa phương.
3. Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Đồng thời, chủ động quán triệt và triển khai hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 27/3/2014 của Tỉnh ủy Quảng Nam.
UBMTTQVN huyện khóa XI (2014-2019) ra mắt
Đại hội thống nhất hiệp thương cử ra 55 vị UBMTTQVN huyện khóa XI, Ban Thường trực gồm 04 vị, ông Lê Văn Luyến, ủy viên Ban thường vụ huyện ủy được tín nhiệm cử giữ chức danh Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đông Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2014-2019./.