Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng đó, Nghị quyếtTrung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân; trẻ hoá đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng về công tác cán bộ và tích cực thực hiện chính sách cán bộ nhằm tạo sự đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giải quyết các chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ để quyết tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tỉnh Quảng Nam, trong đó có đội ngũ cán bộ cơ sở.
Thực hiện các quy định trên, đến nay đội ngũ cán bộ cơ sở của 244 xã, phường, thị trấn và 1.722 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ngừng được quan tâm xây dựng, củng cố đảm bảo về số lượng với tổng số 15.129 người và chất lượng ngày một nâng cao. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 4.860 người, trong đó đạt trình độ chuyên môn bậc Đại học: 1.268 người, sau Đại học: 03 người; đạt trình độ lý luận chính trị Trung cấp: 3.295 người, Cao cấp: 197 người. Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã có 4.253 người, trong đó đạt trình độ chuyên môn bậc Cao đẳng: 82 người, Đại học: 185 người và 50 người đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có 6.016 người, trong đó, có 40 người đạt trình độ Cao đẳng, 21 người Đại học và 411 người đạt trình độ trung cấp, 26 người đạt trình độ cao cấp lý luậnchính trị. Tỉnh đã tuyển chọn 30 trí thức trẻ về làm Phó hủ tịch UBND cấp xã theo Đề án 600 của Chính phủ và tuyển sinh, đào tạo 271 học viên theo Đề án500 của UBND tỉnh Quảng Nam về tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên
địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016.
Hầu hết cán bộ cơ sở đã được đào tạo, bồi dưỡngkhá bài bản cả về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước để đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở đượcnâng lên rõ nét, phong cách, lề lối làm việc được cải thiện đáng kể theo hướng “gần dân, phục vụ nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; đã làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân tham gia phát triển kinhtế, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại địa phương...
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở (đặc biệt là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và khu dân cư) được Tỉnh Quảng Nam hết sức quan tâm, giải quyết một cách đồng bộ, hợp lý trên cơ sở quy định củaTrung ương và khả năng thực tế của địa phương.
Theo đó, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ngoài việc hỗ trợ theo quy định của Trung ương là 1,0 mức lương tối thiểu chung, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm bằng hệ số 0,5 mức lương tối thiểu chung đối với chức danh Phó Trưởng Công an và Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã; hỗ trợ thêm bằng hệ số 0,3 mức lương tối thiểu chung đối với các chức danh còn lại.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư, mức phụ cấp hằng tháng được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu chung như sau:
Công an viên là 0,9; Bí thư Chi bộ: 0,8; Trưởng thôn: 0,75; Phó Trưởng thôn kiêm Thôn Đội trưởng, Trưởng
ban Công tác Mặt trận: 0,65. Ngoài ra, đối với các chức danh khác ở thôn: Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng các chi hội: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Chi Đoàn thanh niên được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng hệ số 0,3 mức lương tối thiểu chung. Với sự hỗ trợ tích cực bằng những chính sách nêu trên, đã góp phần động viên rất lớn về mặt tinh thần và vật chất đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, giúp họ phần nào yên tâm công tác, tích cực, hăng hái và trách nhiệm hơn với khối lượng công việc rất nặng nề ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở hiện nay của tỉnh Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhất là, tình trạng không đồng đều, thiếu hợp lý trong cơ cấu, số lượng cán bộ cơ sở giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cơ sở chưa được quan tâm đúng mức so với yêu cầu mở rộng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã tạo “khoảng trống” bất hợp lý đó. Cụ thể, đối với Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã được pháp luật công nhận là 02 cán bộ (gồm cấp Trưởng và Phó) cùng với số lượng khá lớn người hoạt động không chuyên trách (Đảng: 05 người; chính quyền: 09). Trong khi đó, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp xã thì chỉ được pháp luật công nhận duy nhất 01 cán bộ (là cấp Trưởng) và 01 cấp phó là người hoạt động không chuyên trách. Riêng các chức danh công chức cấp xã hoàn toàn không được đặt ra đối với UBMTTQVN và các đoàn thể cấp xã mà chỉ quy định đối với UBND cùng cấp. Mặt khác, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mức phụ cấp theo quy định của Trung ương hiện nay bằng 1,0 mức lương tối thiểu là quá thấp không đảm bảo được cuộc sống; chế độ bảo hiểm xã hội chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó thời gian và nội dung công việc của những người hoạt động không chuyên trách không khác gì cán bộ, công chức cấp xã thậm chí còn vất vả, nặng nề hơn...
Trong thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nền tảng, quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là để đáp ứng nhiệm vụ mới của UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp xã là giám sát và phản biện xã hội cần phải đổi mới căn bản công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ một cách đồng bộ, đồng đều, hợp lý giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ cấu, bổ sung chức danh công chức và tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách của UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp xã. Đồng thời, có chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại cơ sở và giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã đến tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện để bố trí cán bộ trẻ phục vụ lâu dài ở cơ sở. Sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nói chung và Quảng Nam nói riêng muốn thành công phải tạo sự chuyển biến tích cực ngay từ cơ sở, mà sự chuyển biến đó lại phụ thuộc rất quan trọng ở chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị cơ sở./.