Và lần này cũng vậy, trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền vẫn kiên định nhấn mạnh lại điều ông đã từng nói nhiều lần: Mặt trận đang bước vào một giai đoạn mới, do vậy sự nghiệp đại đoàn kết của Mặt trận phải gắn liền với dân chủ và đồng thuận xã hội. Muốn làm được những việc này, Mặt trận phải thể hiện được tính độc lập của mình như một bản lĩnh chính trị.
Ông Lê Truyền phát biểu tại một hội nghị của Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam
Ảnh: Hoàng Long
Không thể áp đặt để xóa đi sự đa dạng và khác biệt
Thưa ông, đặt vấn đề dân chủ và đồng thuận xã hội là một điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp Đại đoàn kết của Mặt trận ở thời điểm này, phải chăng đó cũng là một trong những yêu cầu đổi mới cần đặt ra cho công tác Mặt trận, đặc biệt khi Đại hội MTTQ các tỉnh, thành đang diễn ra sôi nổi trên toàn quốc?
Ông Lê Truyền: Chính sách của Mặt trận luôn gắn liền với chính sách đại đoàn kết. Đó là giá trị truyền thống. Nhưng ở mỗi thời kỳ, chúng ta phải vận dụng sao cho phù hợp. Công tác Mặt trận đang bước vào thời kỳ mới. Vậy người làm Mặt trận cần dựa trên nền tảng kinh nghiệm truyền thống đã có để nhìn xem có yêu cầu gì mới đang đặt ra cần phải tính toán để đổi mới phương thức tổ chức và cách thức hoạt động của Mặt trận.
Bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Vào thời điểm này, xu thế dân chủ đang là xu thế của các tầng lớp, giai cấp. Mỗi một giai cấp, mỗi một tầng lớp đan xen những nguyện vọng khác nhau. Vì thế, chính sách Đại đoàn kết bây giờ là phải nhận biết, tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt ở trong các giai tầng xã hội.
Nhưng sự khác biệt có thể được hiểu là những ý kiến trái chiều?
- Đoàn kết trong giai đoạn hiện nay không nên hiểu cái gì cũng muôn người như một vì tính đa dạng và sự khác biệt là thứ không thể nào áp đặt để xóa đi. Nhưng sự khác biệt, đa dạng đó phải thống nhất đến một mục tiêu của toàn dân: Xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cho nên chính sách Đại đoàn kết là phải nhận biết, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội để kích thích tính tích cực và hạn chế những mặt có thể gây ra tiêu cực, nhằm tạo sự đồng thuận từ đó tập hợp, phát huy được vai trò, ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Khuyến khích người dân làm những gì pháp luật không cấm
Ông vừa nhắc đến sự đồng thuận, rõ ràng, việc xây dựng một xã hội giá trị với mô hình đồng thuận xã hội là điều phù hợp với định hướng tư tưởng, quan niệm, cách thức tổ chức, quản lý và xây dựng xã hội mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhưng làm thế nào để phát huy được tính tính cực trong sự khác biệt và đa dạng đó?
- Đó là điều tôi đang muốn nói đến, bắt đầu từ hoạt động tự quản của một nhóm người, nhóm xã hội hay một cộng đồng dân cư. Đây là những nhóm người làm được những việc mà pháp luật không cấm. Trong một xã hội, không bao giờ pháp luật có thể "che kín” toàn bộ để điều chỉnh mọi hành vi của con người nên thay vào đó hãy khuyến khích họ tự làm những điều có ích cho xã hội, cộng đồng mà không trái pháp luật.
Thưa ông, cụ thể đó là những việc gì?
- Hoạt động tự quản được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như một nhóm người, một dòng họ, hay một cộng đồng cùng bảo nhau gìn giữ lề thói, tập quán tốt đẹp. Họ tự quyết, tự bàn, tự hưởng những thành quả do chính mình tạo nên như cùng nhau xây cầu, làm đường, xây trường, hay bảo vệ môi trường…Lẽ thường đây là việc của nhà nước nhưng nhà nước không thể làm được hết thì phải dựa vào dân bằng cách tạo điều kiện, bảo hộ cho dân làm. Trong những lần về cơ sở, tôi chứng kiến nhiều con đường lầy lội, đến mức người dân chỉ có một ao ước duy nhất lúc bấy giờ là đưa được chiếc xe đạp về nhà. Thế rồi, hoạt động tự quản bắt đầu người ta hiến đất, góp công, góp của làm đường, từ chỗ chỉ đổ bê tông 60 phân, đặt theo chiều dọc, sang năm kinh tế khá hơn người ta lại bàn nhau xoay ngang miếng bê tông, đường lại rộng thành 1m2, dần dần cứ như thế những miếng bê tông đã phủ kín nhiều ngõ hẻm lầy lội.
Vấn đề đặt ra ở đây là nhận thức của các cấp cần phải thấy sức dân làm tự quản rất lớn về mọi hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng đoàn kết cộng đồng?
- Bản thân mỗi một cộng đồng dân cư đã có ý nghĩa phát huy tính tự quản của mỗi người. Ở đó, đều có các Ban công tác Mặt trận. Lâu nay, Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các Ban công tác Mặt trận phát huy tính tự quản để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ động viên, khuyến khích, tuyên truyền nhân dân làm những việc có ích cho cộng đồng, làng xã. Nhưng không phải ở đâu cũng có sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, điều này đã làm hạn chế hiệu quả tính tự quản ở những cộng đồng đó.
Trong một xu hướng phải phát huy được vai trò của nhân dân khi thực hành dân chủ trên tất cả lĩnh vực ở tất cả các cấp thì không nên hiểu pháp luật chỉ là quản và cấm mà còn bao gồm bảo hộ, khuyến khích tạo điều kiện cho mọi người làm được những việc có lợi cho bản thân và có ích cho xã hội. Yếu tố khuyến khích đó cũng là tinh thần mới trong Hiến pháp về quyền con người, về nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.
Nhận đại diện là nhận trách nhiệm với nhân dân
Hiến pháp mới đã khẳng định vai trò của Mặt trận là đại diện cho nhân dân. Tuy nhiên, trong tình hình vi phạm quyền lợi con người, xã hội ở một số nơi còn đang diễn biến khá phức tạp thì Mặt trận phải làm sao để thể hiện được vai trò đại diện, thưa ông?
- Tôi cho rằng, đã đến lúc phải nói tới vai trò đại diện cho dân của Mặt trận một cách rõ ràng. Nhà nước có vai trò đại diện cho dân, Quốc hội cũng khẳng định vị thế này. Nhưng Mặt trận và các đoàn thể là do nhân dân lập nên, vì vậy, tính chất đại diện nhân dân của Mặt trận vốn dĩ đã được đặt ra một cách rất rõ ràng. Đại điện là nắm bắt được nhu cầu, lợi ích chính đáng, những đề xuất, kiến nghị và kể cả tố cáo của nhân dân để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải giám sát đến cùng vụ việc. Nghĩa là khi phát hiện, kiến nghị vụ việc, Mặt trận phải giám sát được việc thực hiện kiến nghị đó đến đâu. Hậu giám sát, phản biện là rất quan trọng. Cần phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra những kiến nghị đó. Nhận đại diện tức là đã nhận trách nhiệm với nhân dân rồi.
Như ông nói, trong một xu hướng phải phát huy được vai trò của nhân dân khi thực hành dân chủ trên tất cả lĩnh vực ở tất cả các cấp, thì vấn đề giám sát phản biện của Mặt trận đang được đặt ra rất tích cực?
- Có thể nói, lúc này trọng điểm của Mặt trận là giám sát và phản biện, đặc biệt khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218. Nhà nước, Quốc Hội, Đảng đều có giám sát nhưng giám sát của Mặt trận có thế mạnh là giám sát mang tính nhân dân, giám sát bằng tai mắt ý nguyện của nhân dân. Giám sát phản biện góp phần vào việc rất quan trọng, nhằm khắc phục được những biểu hiện lạm dụng quyền lực, gắn quyền lực với quyền lợi ở mọi cấp. Trong xu hướng dân chủ hiện nay, giám sát phản biện phải được xem là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức Đảng và các cơ quan Nhà nước. Phải nhận thức đây là việc làm có lợi cho Đảng, cho Nhà nước để phát huy sức mạnh nhân dân xây dựng chính quyền. Về phía nhân dân cũng phải coi đây là một trách nhiệm, một quyền được và phải tham gia.
Cán bộ Mặt trận phải thể hiện được tính độc lập của Mặt trận
Với xu thế dân chủ hiện nay, đặc biệt với trọng tâm giám sát phản biện, theo ông, người làm Mặt trận cần phải chuẩn bị tâm thế gì để bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách, trọng trách với nhân dân, đất nước?
- Chúng ta đã có cơ sở để thực hiện. Từ Hiến pháp đến các Quyết định của Bộ Chính trị về vai trò, chức năng của Mặt trận đều được phổ biến tới các chi bộ trên toàn quốc. Nhưng với riêng Mặt trận phải chủ động, lựa chọn chương trình phù hợp trong mỗi một thời kỳ, giai đoạn. Cần những kế hoạch ngắn hơn, bớt những loại việc khác, đội ngũ các cấp dồn sức vào những việc chính, những việc trọng tâm của Mặt trận. Yêu cầu đặt ra trong lúc này là chọn người, xây dựng đội ngũ để thực hiện.
Quan trọng là khi tổ chức xây dựng đội ngũ của Mặt trận thì phải thể hiện được tính độc lập của Mặt trận. Điều lệ của Mặt trận đã khẳng định rõ: "Các tổ chức thành viên khi phối hợp thống nhất hành động với nhau vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình”. Mặt trận đã nói như vậy thì chính bản thân Mặt trận cũng phải thể hiện tính độc lập của mình như một bản lĩnh chính trị. Nói tính độc lập không phải thoát ly sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà trong mỗi một tổ chức phải phát huy được tính tự chủ, tính độc lập của mình. Có đề cao được những yêu cầu này thì mới làm tròn trách nhiệm đại diện, làm tốt chức năng giám sát phản biện. Còn nếu cái gì cũng chờ đợi thì sự chủ động sáng tạo không còn nữa, tính độc lập không thể hiện được và vai trò của Mặt trận vì thế cũng sẽ bị lu mờ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dạ Yến