|
Chương trình giáo dục di sản đã được đưa vào trường học nhằm khơi gợi ở thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, gìn giữ di tích cũng như các vốn văn hóa truyền thống. Trong ảnh: Một học sinh vẽ về di tích Mỹ Sơn trong Chương trình “Đưa di sản vào trường học” ở Duy Xuyên..Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Văn hóa và con người
Lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII vừa được tổ chức mang thông điệp rõ ràng là để góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Thông điệp lớn nhất, và có lẽ không bao giờ cũ đối với mỗi lễ hội, đó là văn hóa phải gắn với con người. Và chính văn hóa cũng đóng vai trò là sức mạnh tinh thần thúc đẩy con người phát triển. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, con người Quảng Nam cũng như đời sống văn hóa đã có nhiều biến chuyển. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, và trong những năm gần đây càng được đẩy mạnh khi gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới... Cảm nhận về tác động của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, có thể đơn giản như lời ông Pơling Hạnh (thôn cống Dồn, đội cồng chiêng huyện Nam Giang) chia sẻ: “Nhờ có cán bộ văn hóa vận động, thanh niên trong thôn đã biết lo học đánh cồng, múa chiêng để giữ nét đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.
Trong quá trình phát triển, mỗi người dân là một thành tố góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ mới. Sau Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), ngày 9.6.2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trên cơ sở nghị quyết, một chương trình hành động đã được Quảng Nam xây dựng với các bước triển khai tổ chức thực hiện cụ thể, đề ra nhiều chủ trương trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và xây dựng con người. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam, theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy lần này sẽ là xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người. Bên cạnh đó, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, khối phố, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đồng thời phát triển và hoàn thiện đồng bộ thiết chế văn hóa; xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa và xây dựng con người; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân, giữa đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội…”.
Sức mạnh nội sinh
Những vỉa tầng văn hóa đang hiện hữu cùng với bề dày vốn có, Quảng Nam từng bước khẳng định bản sắc trong một nền kinh tế mở. Chính vì vậy, Chương trình hành động của Tỉnh ủy đưa ra định hướng chung: Xây dựng nền văn hóa và con người Quảng Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa, con người với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần sớm đưa tỉnh Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu:
- Phấn đấu có 32% dân số tập luyện thể dục - thể thao; 85% số gia đình đạt chuẩn văn hóa; 85% số thôn, 70% số xã đạt chuẩn văn hóa; 100% số huyện, thành phố có đủ thiết chế văn hóa; 80% số xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 80% số thôn có khu văn hóa - thể thao; 100% số thư viện huyện, thành phố có trụ sở hoạt động đạt chuẩn; 100% số xã có thư viện, phòng đọc sách báo và đạt 1 bản sách/người trong thư viện công cộng, 6 lượt sách báo/người/năm.
- Xây dựng 2 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, 8 - 10 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dân lập; 100% trung tâm văn hóa - thể thao huyện, xã có sân khấu, hội trường biểu diễn nghệ thuật và tiếp tục nâng cấp phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng.
- 100% số đội thông tin lưu động được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phương tiện hoạt động; 100% xã có hệ thống đài truyền thanh cơ sở hoạt động hiệu quả; 100% số cán bộ văn hóa xã có trình độ trung cấp chuyên ngành.
- Có 70 - 75% số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo; 15 - 18 nhà truyền thống cấp huyện được xây dựng; hình thành 4 - 5 nhà bảo tàng tư nhân, 4 - 5 nhà bảo tàng chuyên đề.
- Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Đổi mới mạnh mẽ công tác báo cáo viên, coi đây là một trong những kênh thông tin quan trọng và hiệu quả.
|
Tạo nên sức mạnh nội sinh bằng nguồn “tài nguyên” vốn có, bản sắc văn hóa xứ Quảng, ngoài yếu tố truyền thống, còn cần những nguồn lực đầu tư cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm. Trong đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy chính là đầu tư có chiều sâu cho công cuộc này. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa, xây dựng con người, tạo điều kiện để người dân chủ động trong tổ chức các hoạt động văn hóa tại cộng đồng là giải pháp trước mắt và lâu dài. “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy đặt ra trong thời gian tới rất nhiều. Bên cạnh xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, phải xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Tiếp tục thực hiện chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam, đảm bảo gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Đặc biệt, chú trọng xây dựng văn hóa trong tổ chức đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Các cấp, ngành chủ động mở rộng hợp tác trong việc bảo tồn di tích, giao lưu văn hóa nghệ thuật làm phong phú thêm văn hóa của địa phương...” - ông Đinh Hài nói.
Cách đây vài năm chương trình giáo dục di sản đã được đưa vào trường học ngõ hầu khơi gợi ở thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, gìn giữ di tích cũng như các vốn văn hóa truyền thống. Chương trình chỉ thí điểm ở các địa phương như Duy Xuyên, Hội An nhưng cũng đã đem lại những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, theo ngành VH-TT&DL, ngoài tiếp tục đưa vốn văn hóa địa phương vào trường học, sẽ kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Thực hiện các hình thức tôn vinh nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và có cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề truyền thống; làm tốt công tác xã hội hóa nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bản lĩnh của người dân xứ Quảng, cộng với tinh hoa văn hóa lâu đời, tin rằng diện mạo văn hóa đất Quảng sẽ đủ lực để đáp ứng và tiếp sức cho yêu cầu phát triển bền vững.