Tấn công chiếm giữ phủ Khâm Sứ (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945
Trong lịch sử hàng nghìn năm đó, Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 không phải là cuộc khởi nghĩa đầu tiên làm nên chiến thắng, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không phải là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên, duy nhất cho đến thời điểm nó ra đời mà trước đó đã có hai Tuyên ngôn bất hủ được coi là tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta. Thế nhưng có một điểm chung là cả ba bản Tuyên ngôn Độc lập đều được ra đời khi dân tộc ta đã đánh thắng những thế lực ngoại xâm lớn mạnh trên thế giới.
Trước bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, đã có "Bài thơ thần” với bốn câu chữ Hán ra đời thời Lý Thường Kiệt năm 1077 và bản "Bình Ngô Đại Cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo năm 1428 cũng được cho là những bản Tuyên ngôn Độc lập.
"Bài thơ thần” được tạm dịch là:
"Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Bài thơ thần "Nam quốc sơn hà” được cho là của Lý Thường Kiệt dùng trong kháng chiến chống quân Tống lần thứ 2 (1077), phát ra giữa lúc đêm khuya, từ đền thờ hai vị thần là Trương Hống và Trương Hát, nguyên là tướng của Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục, lúc quân ta bị giặc Tống tấn công ở mặt trận sông Như Nguyệt đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nghe bài thơ cho là từ "Thần” phát ra, với lòng tin vào chiến thắng, quân ta đã chuyển sang phản công, làm cho giặc Tống núng thế, phải chấp nhận đề nghị ngưng chiến của vua Lý Thánh Tông, rồi sau đó phải rút về nước. "Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi viết năm 1427, là bản Tuyên cáo về việc đánh thắng giặc Minh. Sau 10 năm kháng chiến dưới cờ nghĩa của Lê Lợi, tướng giặc Minh là Vương Thông cùng 10 vạn quân đã xin đầu hàng và phải đến "Hội thề Đông quan” quỳ gối xin thề là không bao giờ dám xâm phạm nước ta nữa.
"Bình Ngô Đại cáo” có đoạn, được tạm dịch là:
"Nước Đại việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Ý tưởng về nước độc lập do vua làm chủ trong Bình Ngô Đại Cáo so với Bài thơ thần "Nam quốc sơn hà” có bước phát triển mới. Nước độc lập không phải quyết định từ sách Trời mà do sức đấu tranh của con người. Đó là do vua tập hợp được sức mạnh của toàn dân trong đó có các nhân tài hào kiệt của đất nước và có mưu lược khôn khéo. Bình Ngô Đại Cáo là tuyên ngôn về nước Đại Việt ta có khả năng độc lập tự chủ và có quyền phải được độc lập tự chủ. Nếu bốn câu thơ Thần và bản Bình Ngô Đại Cáo được suy ra để cho rằng nó có ý nghĩa là những bản Tuyên ngôn Độc lập, thì bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản Tuyên ngôn Độc lập có nội dung, bản chất rất mới. Nó đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân rất sâu sắc, thực sự là "đem sức ta tự giải phóng cho ta”, thoát khỏi ách đô hộ của phát xít Nhật, thực dân Pháp, thành lập nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa, nhân dân giành quyền làm chủ. Việc Chính phủ lâm thời ra đời với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, làm cho các lực lượng quân Đồng minh đổ bộ vào Việt Nam sau đó phải tiếp xúc với chính quyền cách mạng, không còn cách nào khác. Cả ba bản Tuyên ngôn Độc lập đều xuyên suốt một tinh thần quật cường, bất khuất, yêu nước nồng nàn, nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, yếu tố quyết định làm nên mọi thắng lợi. Nếu như trong các cuộc kháng chiến dưới các triều đại phong kiến "vua-tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thì trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, chủ nghĩa yêu nước của các tầng lớp nhân dân được tập hợp, đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta... Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, yếu tố quyết định làm nên mọi thắng lợi. Nếu như trong các cuộc kháng chiến dưới các triều đại phong kiến "vua-tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thì trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, chủ nghĩa yêu nước của các tầng lớp nhân dân được tập hợp, đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Có thể khẳng định rằng, mỗi dịp Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2-9, tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do lại được hâm nóng, được trỗi dậy. Trong thời gian gần đây, trước hành động của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan hải dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì lòng yêu nước, ý chí độc lập tự do, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta lại được thử thách. Cách đây gần 60 năm, ngày 10-4-1956, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”. Do vậy, phát huy khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 và giá trị bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài có ý nghĩa sống còn của các nhà lãnh đạo, của các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị và của mỗi người dân Việt Nam. Điều này phải được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh, nhưng trước hết tập trung vào một số vấn đề cơ bản như:
Trước hết, phát huy truyền thống, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đoàn kết các tầng lớp dân cư, đoàn kết với các lực lượng, tổ chức quốc tế yêu chuộng hòa bình, công lý nhằm tập hợp lực lượng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Chúng ta có chính nghĩa nên được đông đảo bạn bè quốc tế ủng hộ. Nhưng còn vấn đề đoàn kết trong nước thì phải tự chúng ta giải quyết, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vấn đề đoàn kết trong Đảng, trong các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị đã và đang trải qua những thách thức mới. Khi "giặc” trong (giặc tham nhũng) và thù ngoài vẫn còn đó, khi mà lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân vẫn làm thoái hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng phải trong sạch vững mạnh thì mới đoàn kết được toàn dân. Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII tới đây sẽ là một bước để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng và quyết tâm hành động để giữ vững toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, thềm lục địa, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hãy nhớ những lời tổ tiên chúng ta đã dạy: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Người phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” (Kỷ nhà Lê trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2009, trang 672).
Thứ ba, kiên quyết bền bỉ đấu tranh giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Một trong những giải pháp quan trọng là thường xuyên, liên tục, bền bỉ truyền bá lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do cho các thế hệ người Việt Nam. Giáo dục tinh thần cảnh giác trước sự nhòm ngó, khiêu khích, quẫy nhiễu của các thế lực bên ngoài. Đã 69 năm kể từ ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hôm nay đây chúng ta lại văng vẳng lời nói đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.