Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ và nhân dân xã Phước Trà (Hiệp Đức) năm 2012.
Ảnh: VÕ VĂN TRƯỜNG
Trước lúc đi xa, Bác “để sẵn mấy lời” rất gọn gàng, sâu lắng và cụ thể. Riêng nói về đoàn kết, Người đề cập nhiều lần. Trước hết Bác khẳng định nhờ đoàn kết mà Đảng ta giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân Việt Nam, tiếp theo Bác còn chỉ ra cách củng cố, phát triển đoàn kết để thống nhất trong Đảng. Và điều mong muốn cuối cùng của Người là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết để xây dựng, phát triển đất nước theo mục tiêu của Đảng đã đề ra.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã cố gắng giữ được đoàn kết, tạo nội lực cho cách mạng. Trên tinh thần đó, đã tiến hành thành công hai cuộc cách mạng, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ đoàn kết thống nhất trong Đảng nên công cuộc đổi mới xây dựng đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nâng lên, bộ mặt của Tổ quốc và con người Việt Nam khởi sắc. Tuy vậy, do thiếu rèn luyện, nghiên cứu và không vượt qua nổi lợi ích tầm thường nên một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó không ít đảng viên có chức, có quyền mất dân chủ, thiếu tự giác trong tự phê và phê bình, tạo phe cánh… nên đoàn kết nhiều khi xuôi chiều, làm cho nội bộ thiếu thống nhất. Thực trạng bằng mặt, không bằng lòng trong Đảng làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng yếu, niềm tin của nhân dân đối với Đảng có mặt bị giảm sút nên không tập hợp hết sức mạnh tiềm tàng trong dân để kiến thiết, phát triển đất nước.
Để giữ vững đoàn kết trong Đảng, mọi tổ chức đảng và đảng viên phải nghiên cứu, thực hành tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Trước hết phải thấy rằng, chúng ta bảo vệ và xây dựng đất nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có truyền thống đoàn kết và được Đảng, Bác Hồ cổ vũ nên toàn quân, toàn dân ta đã thắng nhiều thế lực xâm lược lớn mạnh để thống nhất, xây dựng đất nước, nên Bác đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta”. Trên tinh thần đó, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng yêu cầu các tổ chức đảng phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội bộ từ khi đề ra chủ trương, giải pháp đến tổ chức thực hiện. Đảng mất đoàn kết thì nội bộ yếu, rệu rã, nên bằng mọi cách phải đảm bảo đoàn kết thống nhất trong Đảng, với ý nghĩa đó nên Bác có dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hiện nay, Đảng có nhiều giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm thống nhất ý chí, hành động nên cấp ủy các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị để phát huy dân chủ, đảm bảo tập hợp mọi nguồn lực cho sự nghiệp cách mạng, phát triển đất nước, như điều Bác Hồ mong nuốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Để giữ vững đoàn kết, cấp ủy các cấp phải thực hành dân chủ, thực hiện có chất lượng tự phê bình và phê bình. Muốn “thực hành dân chủ rộng rãi” phải nâng cao nhận thức cho đảng viên và nhân dân, tạo điều kiện để họ tham gia xây dựng Đảng. Khi đã chân tình góp ý xây dựng thì hiểu, thông cảm nhau hơn nên đấu tranh trong Đảng phải đi đến thống nhất và trên cơ sở tình thương của đồng chí, đồng đội. Bác Hồ dặn chúng ta: “…Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Từ đó các tổ chức cơ sở đảng chú trọng phát huy dân chủ nội bộ; căn cứ quan điểm của Đảng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị để tự phê bình và phê bình với tinh thần cầu tiến; mọi đảng viên quan tâm đến thái độ, cách tham gia xây dựng đồng chí mình và luôn trên tinh thần thông hiểu, yêu thương. Về việc trên, đảng viên là thủ trưởng đơn vị, bí thư cấp ủy phải nâng cao tinh thần tự phê bình, luôn lắng nghe, biết cách giải quyết tâm tư, đề xuất của cấp dưới thấu tình, đạt lý thì mọi khó khăn dễ dàng được tháo gỡ để hiệp lực hoàn thành nhiệm vụ.
Bác khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Để giữ vai trò đó, Đảng phải mạnh, trước hết về tư tưởng chính trị. Và muốn như vậy phải có đội ngũ đảng viên sống tốt, theo Bác: “…Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đảng viên có tốt thì tổ chức đảng mới tốt, tổ chức đảng mạnh mới lãnh đạo được nhân dân, hoàn thành đại nghiệp, nên Bác yêu cầu: “Phải giữ gìn Đảng ta trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thời gian qua, việc đánh giá tổ chức, đảng viên có lúc, có nơi chưa thực chất, không ít đảng viên, cấp ủy chưa phải là hình ảnh mẫu mực nên cấp có thẩm quyền cần xem xét lại tiêu chí, cách đánh giá và có biện pháp kiểm tra trước khi khen thưởng. Khen thưởng trong Đảng không thực chất là lỗi đạo với nhân dân và lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa.