Trong số 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, thì dân tộc Cơ Tu chiếm đa số, trên 95% dân số toàn huyện. Trong tiến trình phát triển của mình, đồng bào Cơ Tu - Tây Giang sẳn sàng chào đón những dân tộc anh em trong cả nước đến đây cùng chung sống. Từ đó, góp phần tích cực làm phong phú thêm những truyền thống văn hóa đặc sắc và sự phát triển chung của quê hương Tây Giang.
Trong nhiệm kỳ đại hội lần thứ nhất (2009-2014), từ các nguồn chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, nhất là các Chương trình 134, 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện Tây Giang đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng nguồn vốn hơn 43 tỷ đồng. Cụ thể, mở hơn 40 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 3.000 lượt người; cho 717 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng; cấp phát giống chuối tiêu hồng, tre điền trúc, muối Iốt, dâu ăn... và tiền mặt với tổng giá trị 3,363 triệu đồng cho đồng bào khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; xóa hoàn toàn nhà dột nát, san ủi 64/70 thôn, khu dân cư bố trí chỗ ở ổn định cho nhân dân theo Chương trình 134, Quyết định 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tây Giang giảm từ hơn 54% (năm 2009) xuống còn dưới 52%.
|
Thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc anh em của huyện Tây Giang đóng góp gần 4.500 ngày công, cùng nhau hiến đất, cây cối hoa màu với tổng trị giá trên 57 tỷ đồng, góp phần cùng với nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, huyện Tây Giang được đánh giá là huyện miền núi đã triển khai xây dựng nông thôn mới tốt nhất của tỉnh, tiêu biểu xã A Nông đạt 17/19 tiêu chí, xã Lăng 13/19 tiêu chí, A Tiêng 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới . Bên cạnh đó, những năm qua, các dân tộc thiểu số ở Tây Giang đã thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Toàn huyện có gần 2.000 hộ là hộ gia đình văn hóa, có 29/70 thôn là thôn văn hóa và 61/70 thôn có Gươl (nhà sinh hoạt công đồng).
|
Phát biểu tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tay Giang đạt được trong 5 năm qua, nhất là công tác đại đoàn kết dân tộc, biểu dương và ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển của huyện miền núi Tây Giang nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Thời gian đến, Đảng ủy, chính quyền huyện Tây Giang cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 15 đã đề ra; trong đó cần tập trung cho việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Đại hội đã bầu ra 27 đại biểu đi dự đại hội cấp trên, khen thưởng cho 31 tập thể và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tây Giang lần thứ 1.