Trên tinh thần Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác những yếu tố tư tưởng, văn hóa, giá trị vĩnh cửu mà nhân loại đã thừa nhận, bổ sung vào truyền thống văn hoá Việt Nam, đưa ra lẽ phải - những điều hiển nhiên không ai chối cãi. Đó là, “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây chính là một lô-gic biện chứng có sức sống và giá trị trường tồn, một tất yếu không thể phủ nhận. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc chính kẻ thù phải tôn trọng nền độc lập dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, đồng thời thực hiện quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc với nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: từ mùa thu năm 1940, nước ta trở thành thuộc địa của Nhật. Khi Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh, vua bảo Đại thoái vị thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy đánh đổ xiềng xích thực dân gần trăm năm, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi năm mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. Rõ ràng là chúng ta đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vì vậy, chúng ta có quyền “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Đó là tư tưởng về một nền độc lập dân tộc chân chính, hoàn toàn, thật sự, một nền độc lập đặt tiền đề, hướng tới những giá trị văn hóa mới là tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Vì vậy, ngay sau tuyên bố trịnh trọng trước toàn dân tộc và toàn thế giới về quyền bình đẳng, quyền mưu cầu tự do sung sướng của nhân dân và tuyên bố quyết tâm cao nhất của dân tộc Việt Nam để quyết giữ gìn độc lập tự do ấy. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”[1]. Với lý lẽ và bằng chứng xác thực trên, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của dân, do dân và vì dân mà còn thể hiện khí phách, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt trong quá trình lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thể hiện sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hoá yêu nước Việt Nam.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập, nhân dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được hưởng tự do, độc lập. Bởi vì, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam không chỉ là cuộc cách mạng chính trị mà còn là cuộc cách mạng văn hóa - cuộc cách mạng của lòng dân Việt Nam và khát vọng ngàn đời của nhân loại nhằm xóa bỏ những trở lực trên con đường đi tới văn hóa, văn minh của nhân loại tiến bộ. Trên ý nghĩa đó, Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Khi nói về “cuộc hành trình văn hóa” của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là kết quả của những bản yêu sách gửi cho Hội nghị Véc - xây năm 1919 và Chương trình Việt Minh năm 1941. Đó là kết quả của những bản tuyên ngôn của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác. Đó là thành quả của truyền đơn, sách báo bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước hơn 80 năm. Tuyên ngôn độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con Việt Nam anh dũng trong nhà tù, trong trại tập trung, ở hải đảo xa xôi, trên máy chém và trên chiến trường. Là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai triệu nhân dân Việt Nam vào sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự “tiếp nối Tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi... thể hiện truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập”[2]; là kết quả của cuộc đấu tranh bất khuất vì độc lập của dân tộc Việt Nam, mà nếu mô tả nó thì “phải vẽ một thanh gươm và tô đậm một màu máu. Máu nhuộm đỏ ruộng nương nơi ta cầy cấy, máu nhuộm đỏ cầu ao nơi em ta giặt giũ hàng ngày, máu nhuộm đỏ mảnh sân nơi con ta nô đùa ngày bé. Dân tộc Việt Nam từ trong máu lửa mà đi lên, dân tộc ấy anh dũng biết nhường nào!”[3]. Tuyên ngôn Độc lập còn dựa trên cơ sở pháp lý của các hội nghị quốc tế như: Hội nghị Tê-hê-răng với nghị quyết bảo đảm nền hòa bình lâu dài trên thế giới sau chiến tranh, Hội nghị Cựu Kim Sơn thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và thành lập tổ chức Liên hợp quốc.
Tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện tư duy của một tầm cao trí tuệ văn hóa chính trị, mang tư tưởng chính trị nhưng không bắt đầu bằng học thuyết, lý luận chính trị mà bằng những lẽ phải không ai chối cãi được, bằng những điều hiển nhiên, trời cho con người. Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân vì mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Giá trị văn hoá tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành quyền sống, quyền độc lập, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả các dân tộc và được nâng lên thành tầm cao giá trị văn hoá Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Mỗi lần Tuyên ngôn Độc lập vang lên, điều đọng lại sâu xa nhất trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới là tầm nhìn vượt thời đại và bản lĩnh trí tuệ, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn không chỉ khẳng định quyền sống của con người mà còn khẳng định những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm các dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Người còn là biểu tượng sáng ngời đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân, để lại một dấu ấn không thể phai mờ về giá trị văn hóa, nhân văn - dấu ấn thể hiện trí tuệ vượt thời đại của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Người là hình mẫu đại diện cho sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa trên nền tảng văn hoá yêu nước Việt Nam và tỏa ra một nền văn hóa của tương lai. Đúng như nhà báo Xô viết nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu mà có lẽ là một nền văn hoá của tương lai”.Nền văn hoá tương lai ấy chính là những năng lực của một dân tộc hồi sinh. Nền văn hoá ấy đã và đang là nền tảng vững chắc để dân tộc Việt Nam vững vàng phát triển và hội nhập thế giới trên cơ sở chân lý sáng ngời“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.