Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm và tặng quà cho cựu chiến binh
Phạm Đức Hạnh (huyện Ý Yên, Nam Định), ngày 28-7-2014. Ảnh: Hoàng Long
Phát huy rộng rãi sáng kiến các đoàn thể, tầng lớp nhân dân
PV: Thưa Chủ tịch, trước thềm Đại hội VIII, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được qua Đại hội MTTQ các cấp và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 8?
Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Ảnh: Hoàng Long
|
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ 8, theo chỉ đạo của UBTƯMTTQ Việt Nam cũng như chỉ đạo của Ban Bí thư, từ cuối năm 2013 các cơ sở đã tiến hành chuẩn bị và từ quý IV 2013 đến hết tháng 7/2014 đã hoàn thành đại hội ở 63 tỉnh thành từ cấp xã huyện, tỉnh. Có thể nói đợt tổ chức đại hội này đã thể hiện tinh thần đổi mới tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm cũng như hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp 2013 đã xác định cho MTTQ Việt Nam cũng như những tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã vạch ra.
Khi tiến hành đại hội ở cấp xã đã có thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về nội dung công tác Mặt trận ở cấp xã, huyện, tỉnh và định hướng ở TƯ, phải nói đây là hoạt động mang tính chất chính trị xã hội rộng rãi phát huy được sáng kiến của các đoàn thể tầng lớp nhân dân.
Nếu theo yêu cầu thì có 3 cái đạt. Thứ nhất là đảm bảo được tiến độ - đến tháng 7/2014 hoàn thành ở 3 cấp trên 63 tỉnh thành. Thứ hai, về nội dung thảo luận sâu sắc tổng kết và có đổi mới. Điều thứ ba là thành phần lãnh đạo Mặt trận ở các cấp so với các nhiệm kỳ trước đều tăng thêm góp phần tăng đại diện của các tầng lớp nhân dân, tuổi bình quân của Ủy ban MTTQ cấp xã, huyện, tỉnh cũng trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Ở cấp xã 90% chủ tịch là tham gia cấp ủy còn ở cấp huyện, tỉnh là 100%, trong đó tham gia thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%.
Một nội dung nữa là tỷ lệ người dân không phải đảng viên tham gia Mặt trận các cấp cũng tăng hơn trước. Có thể nói đại hội các cấp đã tạo một tiền đề quan trọng để hướng tới đại hội cấp Trung ương.
Sau khi Mặt trận cấp tỉnh đã tiến hành đại hội thì song song với đó ở Trung ương chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ VN các khóa, ý kiến của các vị lãnh đạo cách mạng lão thành, ý kiến của các chuyên gia về chương trình công tác nhiệm kỳ mới cũng như sửa đổi Điều lệ MTTQ VN. Sau đó đã tiến hành đăng dự thảo Báo cáo chính trị trên báo Nhân dân, Đại Đoàn Kết và trang thông tin điện tử của Mặt trận làm cơ sở thu hút ý kiến đóng góp của nhân dân. Sau 5/9 chúng tôi đã sơ kết ý kiến và hoàn thành văn bản cuối cùng. Cùng với đó là công tác truyền thông đã được đẩy mạnh để tạo sự quan tâm và có sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong xây dựng báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ MTTQ VN.
Đổi mới công tác Mặt trận góp phần đổi mới đất nước
Thưa Chủ tịch, những chủ trương định hướng lớn được thể hiện trong văn kiện đại hội, cụ thể các chương trình hành động như thế nào, đặc biệt là việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam có phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chủ đề của Đại hội lần này là "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới phát triển”. Nói đến đoàn kết là nói đến chức năng của Mặt trận tập hợp đoàn kết nhân dân cả nước trong và ngoài nước phát huy sức mạnh dân tộc để đóng góp vào sự phát triển, tạo sự đồng thuận xã hội. Nói đến dân chủ là cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy được sáng kiến của nhân dân từ cơ sở để có chương trình hoạt động hợp lý đồng thời hoạt động của Mặt trận góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ trong xã hội. Đổi mới là đổi mới trong công tác Mặt trận góp phần vào đổi mới của đất nước. Đó là chủ đề của đại hội.
Vấn đề thứ hai là tiêu đề. Tiêu đề đại hội lần này là Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia xây dựng đất nước giàu mạnh dân chủ công bằng văn minh, hạnh phúc.
Trong chủ đề này vế "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” là một truyền thống sức mạnh nhưng có một nội dung nhấn thứ hai là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia đó là những đòi hỏi đang đặt ra trong tình hình hiện nay. Và trong thời gian tới mục tiêu "dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thêm hai chữ "hạnh phúc”. Hạnh phúc chính là thước đo sức sống Mặt trận đối với người dân ở cơ sở. Không chờ phải thật giàu mới hạnh phúc mà phải phấn đấu hạnh phúc hơn ngay từ thời điểm bây giờ.
Trên cơ sở đó Mặt trận xác định 5 chương trình hành động vừa phản ánh chức năng nhiệm vụ vừa phản ánh đòi hỏi của cuộc sống hiện nay.
5 chương trình này vừa kế tục những thành tựu hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua đồng thời phản ánh yêu cầu và mong muốn của nhân dân các đoàn thể trong thời gian sắp tới.
Về Điều lệ lần này sửa không nhiều nhưng có 3 vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất trong phần mở đầu nói rõ hơn chức năng của Mặt trận, đó là đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh thông qua giám sát phản biện. Lời nói đầu chính là thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013.
Vấn đề quan tâm thứ hai là ở các cấp đều có nhiệm vụ giám sát phản biện. Và một trong những điểm mới đáng quan tâm trong việc sửa đổi Điều lệ lần này là lần đầu tiên quy định rõ quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận bao gồm thành viên là tổ chức và thành viên cá nhân.
Như vậy với việc bổ sung theo 3 hướng này góp phần làm cho tầm của Điều lệ ngang bằng với sự phát triển của đất nước hiện nay và bổ sung những vấn đề hạn chế để phát huy tốt nhất đóng góp của các thành viên cho hoạt động của Mặt trận.
Tăng giám sát phản biện xã hội
Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218. Xin Chủ tịch cho biết công việc này được đề cập như thế nào trong báo cáo của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam khóa VII trình Đại hội khóa VIII? Và để thực hiện tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội phải làm những gì, thưa Chủ tịch?
Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân. Nhưng bản thân Mặt trận cũng cần được giám sát. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn để Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân |
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:Theo cách nói thông thường lâu nay, nói đến giám sát tức là chúng ta kiểm tra việc thực hiện những chính sách đường lối hiện nay trong thực tiễn như thế nào. Còn nói đến phản biện là nói đến góp phần xây dựng những chủ trương chính sách mới sẽ được triển khai trong tương lai. Hai loại nhiệm vụ này Mặt trận đã làm trong những năm qua với mức độ khác nhau. Ví dụ trong công tác giám sát ở cơ sở, Mặt trận có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hay hoạt động thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đấy là hoạt động giám sát đã làm lâu nay và được báo cáo kỹ trong phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ vừa qua.
Còn về phản biện, thời gian vừa qua các cấp triển khai rất tích cực. Riêng việc đóng góp xây dựng Hiến pháp 2013 trong số 22 triệu lượt người đã có ý kiến thì Mặt trận tổ chức cho các thành viên của mình tham gia đóng góp trên 8 triệu lượt ý kiến. Đấy chính là hoạt động phản biện. Hay như Luật Đất đai người dân cũng rất quan tâm, Mặt trận cũng tổ chức các cuộc thảo luận để góp ý vào.
Điều đó có nghĩa giám sát phản biện có phần đã làm nhưng đặc điểm lần này là nội dung nhiều hơn và mức cao hơn – đã hiến định trong Hiến pháp. Về mặt giám sát, MTTQ VN và 5 tổ chức chính trị xã hội có quyền giám sát độc lập. Tuy nhiên, để làm việc này phải có cơ chế. Vì thế khi 2 Quyết định 217,218 được ban hành, Mặt trận và các tổ chức thành viên có cơ chế triển khai tốt hơn.
Theo hướng đó, vừa qua chúng tôi đã thảo luận trong Ủy ban TƯ và báo cáo Chính phủ thống nhất hiện nay đang triển khai 5 nội dung giám sát ở cấp quốc gia và các địa phương vừa tham gia đồng bộ hoặc chọn lọc theo điều kiện của mình. Trong đó có việc tổng rà soát thực hiện chính sách đối với người có công. Việc này từ 1954 chúng ta chưa làm, lần này, Mặt trận chủ trì phối hợp cùng Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Nạn nhân chất độc da cam tham gia. Các đoàn thể này đang tiến hành quá trình rà soát để tất cả người có công thuộc 7 đối tượng phải được khẳng định đã hưởng đúng và đủ chính sách. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương giám sát về chất lượng đầu vào vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật để người nông dân không phải mua những vật tư không đảm bảo chất lượng gây lãng phí, thiệt hại. Ngoài ra chúng tôi còn ký kết chương trình phối hợp giám sát với tổng Liên đoàn Lao động về thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động…Trong chương trình sẽ có sơ kết để nâng cao hiệu quả và quy mô của hoạt động.
Đây là việc làm rất mới và vừa qua các đoàn thể, ban ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ và tiến hành triển khai.
Lắng nghe ý kiến nhân dân là yêu cầu xuyên suốt
Thưa Chủ tịch, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần này diễn ra giữa lúc đất nước chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12 của Đảng, tình hình trong nước và quốc tế cũng có bối cảnh đặc biệt. Chương trình của Đại hội MTTQ sẽ như thế nào để có thể lắng nghe được ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Đại hội MTTQ VN lần thứ 8 diễn ra vào tháng 9/2014, nhưng đại hội MTTQ ở cấp xã đã diễn ra từ cuối năm ngoái đến tháng 1. Sau đó tháng 2-3 là cấp quận huyện, tháng 5-6-7 là cấp tỉnh, thành. Tại đại hội các cấp này, chúng tôi đã nêu yêu cầu làm thế nào lấy được ý kiến của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, góp ý cho chương trình công tác của Mặt trận.
Có một cơ chế đã hình thành từ đầu năm nay là cứ 3 tháng 1 lần, MTTQ cấp tỉnh và TƯ phải hoàn thành một báo cáo về tình hình nhân dân, trong đó nêu ý kiến của nhân dân. Chúng tôi đã tập hợp báo cáo cho Chính phủ cũng như Quốc hội.
Gần đến dịp Đại hội, trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 5 buổi lấy ý kiến của các chuyên gia. Ví dụ nguyên lãnh đạo Mặt trận các thời kỳ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp đã nghỉ, các chuyên gia trên các lĩnh vực để lắng nghe ý kiến.
Lãnh đạo Mặt trận trong đó có bản thân tôi đi gặp riêng từng hội, từng giới để nghe góp ý. Cuối tuần qua, tôi đã có cuộc gặp hết sức bổ ích với các giáo sư đứng đầu các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam để nghe các giáo sư nói những mong muốn của mình, làm thế nào phát huy được sức mạnh sáng tạo của người Việt Nam nói chung, đặc biệt giới khoa học cho sự phát triển đất nước. Cuộc trao đổi rất bổ ích, kéo dài hơn 3 giờ.
Chúng tôi nghĩ rằng, yêu cầu Mặt trận lần này lắng nghe ý kiến nhân dân là yêu cầu xuyên suốt. Ở đâu nhân dân muốn nói, đóng góp, cảm thấy chưa được kịp thời, chưa được đầy đủ thì Mặt trận phải là địa chỉ cuối cùng để nhân dân góp ý và nhân dân có quyền đặt ra yêu cầu đó.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng nêu ý kiến về việc Mặt trận phải làm sao thể hiện được chức năng phản biện của mình. Đặc biệt bà nói Mặt trận phải dũng cảm nói lên sự thật, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo có quyết sách phù hợp. Chủ tịch nghĩ thế nào về ý kiến này?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi cho rằng đó là yêu cầu hết sức chính đáng, không phải của riêng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, mà rất nhiều người dân, đảng viên đều có yêu cầu với Mặt trận như vậy. Chúng tôi sẽ cố gắng làm theo yêu cầu đó bởi Mặt trận có chức năng mà Hiến pháp 2013 quy định đại diện và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong phương châm công tác chúng tôi có nêu Mặt trận phải lắng nghe nhân dân nói, lắng nghe rồi thì truyền đạt đến những địa chỉ cần thiết để các cấp lãnh đạo có thể tiếp nhận những thông tin đó, đồng thời theo dõi việc trả lời.
Gần đây nhất, tại kỳ họp QH tháng 6 vừa rồi, chúng tôi có báo cáo về tình hình nhân dân trước QH, trong đó đề cập đến 6 vấn đề lớn nhân dân cả nước quan tâm. Sau đó trong vòng 2 tuần, 9 bộ ngành Trung ương có văn bản gửi cho Mặt trận để nói họ đã làm gì, họ sẽ làm gì trên lĩnh vực đề cập đến. Tức là một phản hồi tự nhiên, trước đây chưa bao giờ có cả. Trước đây có ai phản hồi hay không là quyền của họ. Lần này các Bộ trưởng chủ động phản hồi trở lại. Đó là một tín hiệu rất tốt, hình thành cơ chế đối thoại.
Việc nói lên sự thật có cần phải dũng cảm không, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Không, chúng tôi nghĩ đó là việc Mặt trận phải làm, là chức năng của Mặt trận. Vấn đề là chúng ta phải thu nhận chính xác ý kiến người dân, nói tới nhân dân nhưng tập hợp cho đúng. Cùng một vấn đề có thể nhân dân có ý kiến khác nhau, nếu chỉ nói một ý kiến, một loại chưa chắc đã đúng. Nên yêu cầu lắng nghe phải có tính toàn diện, lắng nghe rồi, phân loại ra và phải nói đầy đủ ý kiến đó với các cấp có liên quan.
Việc các bộ ngành trả lời nhanh ý kiến của Mặt trận có phải là do uy tín của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị và đã từng là thành viên Chính phủ không, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Tôi nghĩ đó là trách nhiệm chính trị, các Bộ trưởng thấy được trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Khi chúng tôi đọc báo cáo đấy là Mặt trận chứ không phải cá nhân. Có lẽ họ đã cảm nhận và có ý thức trách nhiệm cần phải đáp lại những ý kiến đó, họ làm một cách hết sức tự giác, trước kia thì không có.
Chừng nào còn làm công tác Mặt trận còn đổi mới theo nguyện vọng của nhân dân
Thưa Chủ tịch, hiện nay từ "đổi mới” đang được các nhân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân kỳ vọng khi nói về công tác Mặt trận. Điều này đã và đang đòi hỏi một sự thay đổi lớn, làm mới mình từ chính đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Làm thế nào để thực hiện được yêu cầu này, thưa Chủ tịch?
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, UB MTTQ khóa 8 dự kiến có 385 ủy viên so với khóa trước tăng 30 người. Trong đó tăng số lượng những cá nhân tiêu biểu cho sự phát triển của đất nước như cá nhân đại diện cho nông dân, công nhân. Lần đầu tiên có người đại diện của tiểu thương hai miền đất nước, rồi tăng số lượng trong hoạt động khoa học, có đại diện của vùng biển đảo – chủ tịch MTTQ huyện Trường Sa (Khánh Hòa). Bên cạnh đó đảm bảo tỷ lệ những người không phải đảng viên tham gia Mặt trận với tấm lòng, trách nhiệm là trên 50%. |
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:Lịch sử đã chứng minh rằng sự lãnh đạo của Đảng hết sức quan trọng, yếu tố quyết định đến phát triển đất nước. Nhưng cuộc sống cũng chứng minh rằng, nếu chỉ có một đảng lãnh đạo mà không có sự giám sát của nhân dân, không lắng nghe ý kiến đầy đủ của dân, không chịu trách nhiệm đầy đủ với dân thì có nguy cơ bị xa rời dân, nguy cơ quan liêu, tham nhũng.
Trong Hiến pháp lần này có một đoạn mới là Điều 2 nói về Đảng: Đảng phải gắn bó với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.
Ở các nước khác, họ cho rằng phải đa đảng mới làm cho chế độ dân chủ phát triển được. Vậy thì trong đặc điểm của chúng ta, một đảng cầm quyền nhưng tổ chức nào, cơ chế nào làm cho Đảng vẫn ngày càng gắn bó với dân, vẫn chịu trách nhiệm đầy đủ đối với dân?
Về mặt thể chế nhà nước có Quốc hội- cơ quan giám sát, tuy giám sát Chính phủ nhưng gián tiếp giám sát cho Đảng.
Về mặt nhân dân, Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân. Nhưng bản thân Mặt trận cũng cần được giám sát. Trong Báo cáo chính trị, khi nói về đánh giá hạn chế công tác Mặt trận vừa qua, chúng tôi có nêu một nguyên nhân là chưa có cơ chế nhân dân giám sát Mặt trận. Sắp tới sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết lý luận thực tiễn để Mặt trận phải chịu sự giám sát của nhân dân.
Chính vì vậy, khi nhân dân có nhiều ý kiến đòi hỏi phải đổi mới, chúng tôi thấy rằng chừng nào còn làm công tác Mặt trận thì còn đổi mới theo nguyện vọng của nhân dân để đáp ứng được đòi hỏi chính đáng đấy.
Đổi mới phải bắt nguồn từ suy nghĩ, cách làm, chỉ có một phần đổi mới con người. Không phải đổi mới con người là căn bản của đổi mới, vì vẫn là những con người đó nhưng sẽ đổi mới trên hai cơ sở. Thứ nhất là trên cơ sở định hướng mới liên quan đến việc phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã xác định. Thứ hai, Mặt trận sẽ xây dựng chương trình công tác đổi mới của riêng mình từ trên xuống và người thực thi đổi mới phải là cơ sở.
Cơ sở là địa bàn quan trọng nhất của công tác Mặt trận nên chúng tôi đặt chương trình thứ 2 với tiêu đề "phát huy tính sáng tạo và tự quản của nhân dân”. Vì vai trò của Mặt trận là động viên nhân dân phát huy sáng kiến, những sáng kiến của nhân dân được phát huy và cán bộ cùng làm, cùng trưởng thành. Như vậy đổi mới ở cơ sở có được từ ba phía: trên hướng dẫn, người dân khuyến khích hoạt động, và tự cán bộ thực hiện. Khi cơ sở đổi mới họ sẽ có ba lần hài lòng: trước hết là cán bộ tự hài lòng, nhân dân thừa nhận và Mặt trận cấp trên công nhận. Thời gian tới, khó khăn còn rất nhiều nhưng nếu làm tốt công tác đổi mới chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui.
Mặt trận trân trọng đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài
Người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài tiếp tục được mời tham gia UB MTTQ Việt Nam. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Chủ tịch có nhắn nhủ điều gì tới cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trong tất cả các tổ chức thì người Việt Nam ở nước ngoài không có đại biểu tham gia, nhưng riêng Mặt trận thì có. Khóa này chúng tôi dự kiến số lượng đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tăng thêm nữa. Và phải khẳng định rằng với trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài- một bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN với hàng nghìn năm lịch sử thì chẳng những chủ trương của Đảng và Nhà nước mà MTTQ VN, các đoàn thể và người dân luôn luôn nhớ đến và mong mỏi những người con của mình đang ở nước ngoài chăm lo cuộc sống ở nước ngoài tốt, chấp hành luật pháp nước ngoài nhưng luôn hướng về quê hương. Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để bà con gắn kết với trong nước, để bà con biết được rằng đó là quê hương của mình.
Hiện nay có hơn 300 nghìn người VN ở nước ngoài đã đạt trình độ đại học trở lên đây là vốn quý của nhân lực VN nói chung. Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của người VN ở nước ngoài với phát triển trong nước, từ bày tỏ tình cảm đến sự phát triển của đất nước, bảo vệ chủ quyền đất nước đến góp phần vào công tác từ thiện, đầu tư vào phát triển đất nước, về tham gia giảng dạy, công tác nghiên cứu ở VN. Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến hơn 4 triệu đồng bào VN ở nước ngoài và xin khẳng định rằng ở mỗi nơi trên đất nước này, ở đâu có Mặt trận thì ở đó chúng tôi sẵn sàng cùng lắng nghe cùng phối hợp với bà con để làm cho cuộc sống bà con tốt hơn, cũng như giúp bà con đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
|