Ngày 16-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm
và nói chuyện với công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi: Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân, vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta” (1)
Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình là đoàn kết toàn dân giành thắng lợi trong cuộc toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ chung của cả nước và của mỗi miền đã thay đổi. Vì vậy, cần có một Mặt trận mới với nội dung, hình thức và tên gọi thích hợp để thu hút mọi cá nhân, tổ chức yêu nước, tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng.
Sau một thời gian vận động, từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955 Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã họp tại Thủ đô Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thông qua Tuyên ngôn, Cương lĩnh và Điều lệ Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự và bầu cụ Tôn đức Thắng làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam.
Nhận xét về Cương lĩnh của Mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: "Cương lĩnh này là một Cương lĩnh đại đoàn kết… Ai cũng phải nhận rằng: Cương lĩnh của Mặt trận rất vững chắc, rất rộng rãi và rất thiết thực” (2).
Sau một thời gian ngắn, hơn 30 đảng phái chính trị, đoàn thể và nhiều tổ chức, hàng trăm cá nhân tiêu biểu đã có đơn gia nhập Mặt trận, làm cho MTTQ Việt Nam trở thành tổ chức chính trị rộng lớn nhất và giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Vừa ra đời, Mặt trận tích cực vận động nhân dân tham gia khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, hàng gắn vết thương chiến tranh và làm hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền dân chủ nhân dân. Được sự cổ vũ, động viên của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau vượt qua nạn đói, phát triển các hình thức vần công, đổi công để khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, giúp vốn, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ban Thanh toán nạn mù chữ do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban đã phát động nhiều chiến dịch "Tổng tiến công diệt dốt”, "Điện Biên Phủ diệt dốt” được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Phát huy hiệu lực của Cương lĩnh, Mặt trận các cấp tổ chức, vận động các tầng lớp nhân dân đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, lấy chữ ký, kiến nghị đòi nhà cầm quyền miền Nam thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, phản đối những vụ tàn sát dã man đồng bào miền Nam v.v… đã gây được sự chú ý rộng rãi của dư luận trong nước và thế giới.
Việc đưa nông dân cá thể tiến lên con đường làm ăn tập thể đã tạo tiền đề và cơ hội mới cho sự chuyển biến về chất trong việc đoàn kết với nông dân, củng cố khối liên minh công nông – nền tảng của Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Tầng lớp trí thức giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận đã ban hành nhiều chính sách nhằm đoàn kết trí thức cũ với trí thức mới, nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước bố trí công việc, sắp xếp vị trí và đãi ngộ thỏa đáng đối với những trí thức có tài năng, tạo điều kiện để trí thức cống hiến ngày càng có hiệu quả và ngày càng gắn bó với công nông. Mặt trận chủ trương tiếp tục đoàn kết với tư sản dân tộc – một thành viên của MTTQ Việt Nam. Mặt trận đề xuất, kiến nghị với Nhà nước giải quyết những quyền lợi cụ thể của các nhà tư sản như sắp xếp việc làm phù hợp để giúp họ ổn định đời sống.
Đối với thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ, thực hiện chính sách đoàn kết và cải tạo, Mặt trận cùng các đoàn thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc về chính sách để họ yên tâm sản xuất và phát triển ngành nghề.
Bước sang thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đại hội MTTQ lần thứ II (4-1961) đề ra nhiệm vụ: "Đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh để xứng đáng là căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Được sự quan tâm, cổ vũ của Mặt trận cùng các ngành, các đoàn thể, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng và đều khắp và xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như Hợp tác xã Đại Phong trong nông nghiệp, Nhà máy cơ khí Duyên Hải trong công nghiệp, Trường Bắc Lý trong giáo dục, Phong trào "Ba nhất” trong các lực lượng vũ trang.
Nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho cách mạng miền Nam. Vận mệnh của dân tộc đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng. Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, ngày 27-3-1964 Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt bao gồm các vị lão thành cách mạng, nhân sĩ yêu nước, những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo, Việt kiều để bàn việc nước. Đây thực sự là "Hội nghị Diên Hồng” của thời đại Hồ Chí Minh. Hội nghị biểu thị sự đoàn kết nhất trí và quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc kiên quyết giáng trả mọi bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.
Vai trò của Mặt trận được thể hiện trên mọi lĩnh vực của cuộc chiến tranh nhân dân: Toàn dân hăng hái tham gia xây dựng lực lượng vũ trang; toàn dân giúp nhau làm công tác phòng không, sơ tán, tham gia giữ gìn mạch máu giao thông, giữ gìn kho tàng, sửa chữa đường sá, phá bom nổ chậm v.v…
Trong chiến tranh ác liệt, thi đua yêu nước là biểu hiện cụ thể và sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Với khẩu hiệu "tay búa, tay súng” giai cấp công nhân đã hăng say học tập, không ngừng nâng cao trình độ tay nghề để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Với quyết tâm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, giai cấp nông dân thi đua thâm canh, tăng vụ, đóng góp sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Các phong trào "Ba quyết tâm” của trí thức, "Ba sẵn sàng”, của thanh niên”, "Ba đảm đang” của phụ nữ; "Ba giỏi” của phụ lão, "Làm nghìn việc tốt” của thiếu niên, nhi đồng v.v… đã góp phần quan trọng vào việc cổ vũ, động viên khí thế cách mạng của cả dân tộc trong cao trào cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số phong trào mang tính chất toàn dân như: "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, phong trào "Kết nghĩa Bắc Nam” được Mặt trận các cấp thường xuyên tổ chức và duy trì. Trong phong trào "Kết nghĩa Bắc Nam” đã xuất hiện nhiều công trình lao động, nhiều phương án sản xuất chiến đấu mang tên những địa phương kết nghĩa cụ thể.
Đánh giá về vai trò và những cống hiến to lớn của MTTQ Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định:
"Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ rằng, hiện nay MTTQ Việt Nam với tính chất yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, một nhân tố thắng lợi của cách mạng nước ta, rất xứng đáng với dân tộc Việt Nam anh hùng” (3).
Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam)
|