Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Văn Hòa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo UBND, Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố và 42 Hội đồng gia tộc tiêu biểu trên toàn tỉnh tham dự tọa đàm. Ông Đinh Hài, TUV- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao &Dịch lịch và ông Nguyễn Văn Long- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng chủ trì Tọa đàm.
Chủ trì buổi Tọa đàm. Ảnh: Văn Hòa
Quảng Nam, mô hình “Tộc văn hóa” ra đời từ thực tiễn, là một trong những mô hình vận động sức dân một cách sáng tạo, có hiệu quả ở các địa phương. Đây là mô hình điểm của Trung ương và cũng từ đây, mô hình “Tộc văn hóa” được phát triển và trở thành một trong những nội dung thi đua ở các địa phương.
Qua khảo sát, toàn tỉnh có 15/18 huyện, thành phố đã tổ chức phát động xây dựng tộc văn hóa với trên 4.351 tộc, trong đó có 1.292 Tộc đã xây dựng quy ước và được chính quyền các cấp công nhận Tộc ước, có 634 Tộc được công nhận Tộc văn hóa. Thời gian qua, các tộc họ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Tiêu biểu như: các Tộc họ vận động con cháu chia sẻ kinh nghiệm và vốn liếng làm ăn thông qua các mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, góp vốn quay vòng; tham gia đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các gia đình khó khăn trong tộc. Phong trào xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài được phần đông các Tộc quan tâm xây dựng và phát triển rõ rệt với trên 21 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phong trào hiến đất, giải tỏa mặt bằng, đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, thực hiện quy hoạch nông thôn mới cũng được nhiều tộc họ hưởng ứng tích cực. Tiêu biểu như: tộc Cơ lâu, thôn Pơrning xã Lăng, huyện Tây Giang hiến hơn 2 ha đất và vườn keo tạo điêu kiện xây dựng khu tái định cư tại địa phương; Tộc Phan làng Phiếm Ái, Đại Nghĩa (Đại Lộc) xây dựng khu sinh hoạt văn hóa trên 1,2 tỷ đồng...
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến ý nghĩa, vai trò, mục đích của việc xây dựng Tộc văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của tộc văn hóa; đề xuất, kiến nghị về quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện, tiêu chuẩn, thủ tục công nhận, tôn vinh, khen thưởng…phong trào xây dựng “Tộc văn hóa”...
Đại diện Tộc Cơ Lâu xã Lăng, huyện Tây Giang phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Văn Hòa
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của hai đơn vị trong việc tổ chức buổi tọa đàm và những ý kiến rất tâm huyết của các đại biểu về ý nghĩa, vai trò của tộc văn hóa trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Việc UBND tỉnh ra Quyết định số 3405/QĐ-UBND về Quy chế công nhận Tộc văn hóa là rất đúng đắn và hợp lý. Tỉnh sẽ lấy ý kiến của các cấp, các ngành để bổ sung, chỉnh sửa và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn...
Ông Nguyễn Chín, TUV- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Văn Hòa
Kết luận tại buổi Tọa đàm, ông Đinh Hài tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp và sát với thực tiễn: về tên gọi, các tiêu chuẩn, thủ tục công nhận “Tộc văn hóa” theo hướng mềm hóa, các hình thức khen thưởng...đồng thời, đề nghị các Tộc văn hóa xây dựng Quy ước gia tộc; hàng năm có sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm...Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng họ, gia tộc cần được bảo tồn và phát huy nhằm góp phần thiết thực vào việc xây dựng quê hương Quảng Nam giàu đẹp, văn minh.