Trong rất nhiều đại hội của các ban ngành, có lẽ không đại hội nào lại có được không gian sống động mà ấm cúng như Đại hội của Mặt trận. Người miền ngược, miền xuôi, người ở nước ngoài, người lao động cho đến người làm kinh doanh, các tầng lớp trí thức, nghiên cứu khoa học… tầng lớp nào cũng có đại diện trong mái nhà Mặt trận. Ngôi nhà ấy luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.
Tình nghĩa đồng bào sâu nặng lớn lao. Tình nghĩa ấy cũng chính là sức mạnh vô song và sức mạnh của đồng bào cũng chính là sức mạnh của Mặt trận. Lịch sử cho thấy, Mặt trận là người đại diện hết sức xứng đáng cho cho nhân dân, đại diện cho đồng bào. Chính vì vậy, Đại hội lần này đã hiệp thương dân chủ cử ra 383 vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong đó có đầy đủ đại diện của các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, 54 dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Đây thực sự là hình ảnh tiêu biểu của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nhiệm vụ sống còn của Mặt trận. Còn nhớ thời điểm đêm trước Đại hội, rất nhiều cán bộ Mặt trận từ hải đảo cho đến các tầng lớp trí thức, kiều bào ở nước ngoài đã bày tỏ nỗi trăn trở về trọng trách Đại đoàn kết của Mặt trận ở thời điểm hiện nay. Mỗi một giai cấp, mỗi một tầng lớp, mỗi một tôn giáo lại đan xen những nguyện vọng khác nhau. Vì thế, chính sách Đại đoàn kết cần phải nhận biết, tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt ở trong các giai tầng xã hội.
Phát biểu trước hơn 1000 đại biểu của Mặt trận, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc là hình ảnh sinh động của khối Đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, ý nghĩa thống nhất, hội tụ ý chí toàn dân tộc của người Việt Nam đã hình thành từ xa xưa, từ thuở các Vua Hùng dựng nước, xuyên suốt không gian mênh mông, thời gian đằng đẵng ngàn năm cho đến hôm nay. Hòn Đá Thề trên núi Nghĩa Lĩnh giữa đất Phong Châu thời các Vua Hùng là biểu tượng nhắc nhở muôn dân gạt bỏ mọi khác biệt; cho đến Đại hội quốc dân đồng bào dưới mái đình Hồng Thái, Tuyên Quang thời Mặt trận Việt Minh… đó là những biểu tượng xuyên suốt của Mặt trận, của khối đoàn kết đồng lòng muôn người như một. Và, thời điểm nào cũng vậy, một khi ý thức dân tộc được khơi nguồn, tinh thần yêu nước được khơi mạch qua tổ chức Mặt trận thì ý thức và tinh thần đó hòa chung chảy theo một hướng, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi lực cản.
Chính vì vậy, để phát huy được sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm hiện nay, hơn lúc nào hết, Mặt trận cần phải nhận rõ những thách thức mới không chỉ của thế giới, của trong nước mà còn phải chạm tới tâm tư trong mỗi người. Bởi thế, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII chính là Đại hội của "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặt ra cho mình một nhiệm vụ cao cả, như vậy, cũng có nghĩa, người Mặt trận tiếp tục dấn thân vào một hành trình gian khó.
Tất cả những điều đó đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII Nguyễn Thiện Nhân đặt ra. Từ đó đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác Mặt trận phải tự đổi mới mạnh mẽ, xác định rõ mục tiêu và chương trình hành động, thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và quy định của Hiến pháp năm 2013 để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn cuộc sống mà các tầng lớp nhân dân đang mong mỏi, kỳ vọng ở Mặt trận.
Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới”, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã thiết tha kêu gọi toàn thể đồng bào ở trong nước và nước ngoài tích cực hưởng ứng thực hiện 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng Đảng và Nhà nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Những ngày lịch sử đã qua. Điều quan trọng lúc này không chỉ là hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ mà hơn lúc nào hết, những người đã cùng Mặt trận hiện diện trong thời khắc lịch sử ấy, mỗi đại biểu, mỗi Uỷ ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên khi trở về với cuộc sống thường ngày hãy hăng hái tuyên truyền để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống cũng như động viên, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong ý nghĩa ấy, lịch sử luôn bắt đầu từ những ngày bình thường, với những công việc bình thường như thế. Bình thường mà lớn lao.