Các ngành liên tịch ở Trung ương kiểm tra Nông thôn mới tại huyện Điện Bàn
Từ những tín hiệu vui…
Điện Bàn là một trong những địa phương đã và đang nổ lực về đích đô thị văn minh và hoàn thành 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới ở các xã nông thôn vào năm 2015. Một trong những nội dung được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quan tâm triển khai là việc đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn các khu dân cư. Đại tá Nguyễn Duy Hạnh- Trưởng Công an huyện Điện Bàn cho biết: tính đến cuối năm 2013, toàn huyện đã xây dựng được 20 mô hình nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là những mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ an ninh trật tự” được hình thành trên cơ sở xã hội hóa, hoạt động khá hiệu quả góp phần đáng kể vào việc bảo vệ an ninh trật tự từ cơ sở.
Mô hình tự quản về an ninh trật tự ra đời ở những vùng dân cư tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, nhân dân bức xúc. Mô hình do Chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập. Do vị trí địa lý đặc thù của từng nơi, mô hình được gọi tên khác nhau như: “tiếng kẻng dân phòng”, “trong nhà có mõ - ngoài ngõ có đèn”, “Tiếng kẻng vây bắt tội phạm”…song đích đến cuối cùng là đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh việc phân loại mô hình hoạt động theo tổ nhân dân tự quản, thôn tự quản; hằng đêm bố trí lực lượng nòng cốt để tuần tra; các mô hình còn tổ chức diễn tập trong nhân dân khi có tình huống xảy ra ở địa phương, mỗi người dân đều tự giác hỗ trợ, phối hợp cùng công an tham gia giải quyết.
Là một huyện trọng điểm về tình hình an ninh trật tự của tỉnh, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, huyện Điện Bàn chọn tiêu chí an ninh nông thôn làm mục tiêu để các khu dân cư về đích văn hóa. Chính vì thế, mặt trận, các đoàn thể đã chọn việc đổi mới nội dung và phương thức vận động để hiện thực hóa các danh hiệu xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh. Theo đó, các tiêu chí được cụ thể hóa đến chi, tổ hội ở các khu dân cư. Tùy vào tình hình thực tế, công tác tuyên truyền, vận động được đổi mới cho phù hợp, vận động nhân dân ở các khu dân cư đồng thuận chung tay xây dựng phong trào. Mọi người dân không nói, viết và có hành động đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chống lại chính quyền nhân dân, vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không truyền đạo trái phép; không khiếu kiện đông người trái pháp luật, trở thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự…
Để hiện thực được các tiêu chí trên, bên cạnh việc triển khai đồng bộ mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, huyện Điện Bàn đã và đang sơ kết phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với việc nhân rộng các mô hình nhân dân tự quản từ cấp cơ sở; chọn những mô hình vừa sức dân, hợp lòng dân để nhân rộng; tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức quần chúng tự nguyện làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT đủ mạnh; quan tâm hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để lực lượng này phát huy tốt nhất vai trò nòng cốt ở cơ sở.
Những băn khoăn từ cơ sở
Mới đây, tổ khảo sát của ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của tỉnh về làm việc với huyện Núi Thành về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh những kết quả đáng hoan nghênh về sự phối kết hợp khá đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phong trào có nề nếp và khá hiệu quả từ cơ sở, nhiều ý kiến liên quan đến tiêu chí an ninh nông thôn được phản ánh đã để lại những khoảng lặng nhất định trong mỗi thành viên của Tổ khảo sát.
Đại tá Nguyễn Đức Tiệp- Trưởng Công an huyện Núi Thành chia sẻ: nhiều năm qua tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo, kết quả này có được từ việc tập trung xây dựng, hướng dẫn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ an ninh nhân dân ở các khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các mô hình do Mặt trận, các đoàn thể phát động. Đó là mô hình “Khu dân cư an toàn”, “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, các diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân do Mặt trận chủ trì; “Câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống tội phạm” của Hội phụ nữ; mô hình “phiên tòa giả định”, “cổng trường an toàn giao thông” của Đoàn Thanh niên. Hiệu quả tuyên truyền từ các mô hình đã góp phần đáng kể vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Các xã đảm bảo được các điều kiện cần để đạt chuẩn tiêu chí 19 về nông thôn mới. Tuy vậy, Núi Thành là một trong những huyện tình hình an ninh tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp. Lưu lượng người từ các địa phương khác đến huyện để làm việc ở các khu, cụm công nghiệp kéo theo những dịch vụ nhà nghỉ, phòng trọ, karaoke…phát triển. Tình hình an ninh trật tự phức tạp dẫn đến công an các xã khó có thể đạt tiêu chí về tiên tiến trở lên. Cạnh đó, tiêu chí 19 về an ninh nông thôn là tiêu chí không ổn định, trong một thời điểm nhất định do nguyên nhân xã hội việc trọng án có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mặc cho các tiêu chí khác ổn định. Do đó, việc đánh giá phong trào trong lực lượng công an phải kể đến thành tích phá án của các đơn vị để xét xã đạt chuẩn tiên tiến. Cạnh đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” huy động sức mạnh của toàn dân. Chính vì thế, việc tiếp nhận thông tin từ quần chúng đã giúp cho lực lượng công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến tình hình an ninh chính trị. Điểm này cũng cần phải được tính đến trong cơ cấu bảng điểm xét xã đạt chuẩn tiên tiến. Có như vậy phong trào mới mang tính bền vững và ổn định lâu dài để đạt được những kết quả cao hơn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, thực sự ở các xã đạt chuẩn đời sống của nhân dân ổn định, phát triển.
Huyện Điện Bàn và Núi Thành, mỗi địa phương trên đường về đích xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh cũng đã chọn cho mình mỗi hướng đi khác nhau. Tuy vậy, đã là phong trào thì bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nhìn nhận đúng thực chất những bất cập, khó khăn từ cơ sở để điều chỉnh theo hướng có lợi cho phong trào. Mọi tiêu chí đều dích dắc, bổ sung cho nhau để phong trào phát triển. Phong trào nào đã huy động đến toàn dân và được mọi người dân đồng tình ủng hộ thì đã là thành công lớn trong việc phát động, nuôi dưỡng. Hy vọng rằng, những kiến nghị từ cơ sở, đặc biệt với ngành Công an sẽ là điều kiện để UBND tỉnh cân nhắc trước khi ban hành quy định việc đánh giá và xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội (tiêu chí số 19) xã nông thôn mới:
- Không có tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyn, phá hoại kinh tế; truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài;
- Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn xã hội trên địa bàn;
- Trên 70% số thôn được công nhận đạt chuẩn an ninh, trật tự;
- Hàng năm công an xã đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến trở lên.