PV: Thưa ông, vừa rồi ở các địa phương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Luật Mặt trận. Vậy đâu là điểm mới quan trọng nhất của Dự thảo Luật lần này?
Đại biểu Lê Văn Lai: Tiến bộ lớn nhất là thể chế hóa được Cương lĩnh chính trị của Đảng và Hiến pháp 2013 vào Luật Mặt trận. Trong đó nổi bật nhất là nâng tầm vóc Mặt trận lên vị thế mới, câu này thì trước tới nay chúng ta vẫn nói, nhưng lần này vị thế ấy không phải do chúng ta nói mà đã được đưa vào Luật, thừa nhận một số chức năng nhiệm vụ và vai trò Mặt trận trong hệ thống chính trị. Điểm thứ hai là điều trước đây nhiều thế hệ cán bộ Mặt trận băn khoăn, trăn trở về giám sát – phản biện thì Luật lần này có một bước tiến rõ rệt, thể chế khá rõ vai trò giám sát – phản biện. Có nhiều người cho rằng giám sát – phản biện là "cây gậy” của Mặt trận để thể hiện vai trò của mình thông qua việc làm cụ thể ấy. Đó là 2 điểm mới thấy rõ nhất.
- Vậy vấn đề gì ông còn cảm thấy băn khoăn?
Dù đã có một bước tiến trong việc thể chế hóa hoạt động Mặt trận bằng pháp luật nhưng trong Luật vẫn còn mang dáng dấp chung chung, nhiều việc chưa cụ thể lắm. Mặt trận là một liên minh chính trị rộng lớn, vậy có nên gọi là Luật Mặt trận không, chẳng lẽ Luật lại điều chỉnh một khái niệm rộng lớn, trong khi đối tượng cụ thể của Luật là tổ chức và hoạt động của Mặt trận? Có thể gọi là Luật Tổ chức Mặt trận hoặc Luật Hoạt động Mặt trận không? Từ cách đặt vấn đề của tên gọi dẫn đến trong nội dung cụ thể còn có nhiều điểm chưa hợp lý.
Ở Điều 16 Chương I đề cập đến tên 2 tổ chức Mặt trận là Ủy ban Mặt trận các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Nhưng có một tổ chức tồn tại từ Đại hội lần thứ nhất đến bây giờ là Đoàn Chủ tịch, là Thường trực Mặt trận các cấp thì không đề cập đến. Đến Chương 3 lập tức các tổ chức này xuất hiện với tần xuất khá dày để làm cái này, để làm cái kia. Vậy thì Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực các cấp ở đâu "sinh ra” để rồi kể từ phần xuất hiện đó không thấy bóng dáng Ủy ban Mặt trận các cấp nữa mà chỉ thấy Đoàn Chủ tịch, Thường trực Mặt trận các cấp phối hợp với nơi này, giải quyết công việc kia. Nếu nói 2 cấp Mặt trận đó do Điều lệ Mặt trận qui định cũng không ổn. Đó là những điều chưa rõ về tổ chức dẫn đến chưa rõ về hoạt động.
Trong giám sát – phản biện xã hội có điều chưa rõ, ví dụ Điều 32 có nói khi có yêu cầu thì Ủy ban Mặt trận các cấp giám sát – phản biện, khi có yêu cầu mới giám sát, phản biện thì mất tính chủ động của Mặt trận. Dự thảo Luật lần này cũng nói Mặt trận có thể đề nghị bãi nhiệm hoặc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm với đại biểu dân cử thì Mặt trận đứng ra đề nghị hay cũng đề nghị khi có yêu cầu của Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp?
- Ông từng nói làm Mặt trận suy cho cùng là làm cho ra vị thế Mặt trận. Vậy những qui định về giám sát – phản biện xã hội trong Dự thảo Luật đã phải là "cây gậy” để "làm cho ra vị thế” chưa, thưa ông?
Tôi cho rằng còn có vấn đề ở khâu xử lý sau giám sát. Mặt trận giám sát xong chỉ nêu kiến nghị. Trong khi nếu chỉ cần kiến nghị thì không cần thiết phải giám sát, chỉ cần thu thập thông tin từ cử tri, từ nhân dân. Có thông tin rồi thì đánh giá thông tin, sau đó nêu kiến nghị chứ không nhất thiết phải thành lập đoàn giám sát, bởi vì giám sát phải có thời gian, phải có qui trình…Sau giám sát phải có chế tài, có xử lý. Nhưng giám sát của Mặt trận thì không làm được điều đó. Giám sát của Mặt trận là giám sát mang tính nhân dân, giám sát mang tính xã hội.
Tính chất đại diện cho nhân dân cũng chưa rõ, phải có cơ chế đại diện. Về nguyên tắc đại diện cho nhân dân phải do dân bầu ra theo quy chế dân chủ đại diện. Mặt trận do hiệp thương cử ra để đại diện cho nhân dân mà không có cơ chế rõ ràng, không chứng tỏ được điều đó thì vai trò đó sẽ mờ nhạt.
Xin cảm ơn ông!