Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Quảng Nam trao đổi bên lề kỳ họp
Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) gồm phần mở đầu, 8 chương, 42 điều, tăng thêm 4 chương, 24 điều. Việc sửa đổi toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và các quy định về MTTQ Việt Nam tại Hiến pháp năm 2013.
Tham gia thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức Mặt trận, trong phương thức lãnh đạo của mình, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Đại biểu Lê Văn Lai cho rằng nhiều nội dung của dự thảo luật còn quy định chung chung, chưa thể chế hóa cụ thể các quy định của Hiến pháp và các Văn kiện của Đảng như: nguyên tắc hoạt động tự nguyện của Mặt trận, chức năng giám sát, phản biện xã hội… Băn khoăn về quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tại khoản 4, Điều 4, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng quy định như vậy là khá khiên cưỡng, tước đi quyền tự nguyện của Đảng, trong khi nguyên tắc hoạt động của Mặt trận là liên hiệp tự nguyện; do vậy, đề nghị luật chỉ nên quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 6, đại biểu Lê Văn Lai đề nghị cần quy định đầy đủ các cơ quan của Mặt trận như Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp… vào điều này để đảm bảo thống nhất./.