Chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 của BCHTW khóa 10 lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn về xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, gần đây có sửa đổi 5 tiêu chí.
Điểm lại cho thấy: triển khai Nghị quyết của BCHTW chậm, Trung ương ra Nghị quyết ngày 5-8-2008, Chính phủ quyết định ban hành bộ tiêu chí quốc gia số 491/QĐTTg ngày 16-4-2009. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra thông tư hướng dẫn thực hiện số: 54/2009/TTBNN&PTNT ngày 21-8-2009. Đương nhiên triển khai đến cấp tỉnh, huyện, xã lại có độ trễ hơn.
Bộ tiêu chí quốc gia đã đề cập 5 mảng lớn bao phủ các lĩnh vực quan trọng ở nông thôn, tuy nhiên như Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT “nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã”. Thực tế có vùng lãnh thổ có những nét đặc thù riêng biệt như: hải đảo, duyên hải, vùng núi cao, với những thôn bản không tập trung thì hướng dẫn chưa đề cập được.
- Các tiêu chí: mang tính cô đọng khái quát, nhưng khi hướng dẫn vẫn còn bị nhiều các quy định khác ràng buộc hoặc bị lệ thuộc, nhất là phần xây dựng cơ sở hạ tầng KTXH, tổ chức sản xuất, phải tra cứu nhiều văn bản khác rất phức tạp. Chưa đề cập tới tính bền vững sau khi đã được công nhận là đạt NTM. Có thể xảy ra trường hợp sau khi đạt NTM lại xuống loại, tương tự như tái nghèo thì hướng dẫn chưa nêu vấn đề này.
Hình ảnh công nghiệp hóa chưa đậm nét. Nếu đạt được NTM như 19 tiêu chí đặt ra vẫn chưa thấy rõ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nông cụ, phong cách, phương pháp canh tác, trình độ quản lý thể hiện như thế nào ở từng khâu trong sản xuất nông nghiệp.
Phạm vi để phấn đấu, xét duyệt, công nhận NTM đều nói tới cấp xã. Mỗi xã gồm nhiều thôn, bản, ấp, khóm. Chính địa bàn này mới là khởi điểm của không gian cấp xã. Vì thế dù cấp xã là cấp phấn đấu dựng NTM nhưng cần nhấn mạnh đến thôn, bản, ấp, khóm.
Trong quy định xét công nhận NTM Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Huyện đạt NTM khi 75% số xã trong huyện đạt NTM; tỉnh đạt NTM khi 80% số huyện trong tỉnh đạt NTM.
Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT: Huyện đạt NTM khi 75% số xã trong huyện đạt NTM. Tỉnh đạt NTM khi 75% số huyện trong tỉnh đạt NTM.
Như vậy Thông tư của Bộ đã hạ mức tỉnh đạt NTM so với QĐ của Chính phủ. Theo tôi không nên nêu quy định này bởi không có tác dụng khuyến khích. Xây dựng NTM đối tượng là xã chứ không phải là huyện, tỉnh, có tỉnh đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp! Theo tôi nên đề cập thêm: Xây dựng gia đình NTM, thôn xóm NTM thì có ý nghĩa hơn.
Cần có quy định thời hạn kiểm tra lại danh hiệu NTM nếu không thì dễ xảy ra từng trường hợp xuống cấp, không giữ được danh hiệu NTM.
- Những chỉ tiêu phụ liên quan đến 19 tiêu chí cần bổ sung: vấn đề tiêu cực, hủ tục, vi phạm pháp luật, dân trí v.v… Dù có đạt tiêu chí NTM nhưng nếu để xảy ra những hiện tượng trái chiều, nghiêm trọng cũng phải xem xét kỹ, khi công nhận đơn vị đạt NTM hoặc bị trừ điểm, kéo dài thời gian xét công nhận NTM.
Công tác tuyên truyền xây dựng NTM chưa mạnh. Có không ít nông dân chưa thấu hiểu những vấn đề liên quan đến NTM. Việc xây dựng NTM chỉ thành công thật sự khi chính người nông dân làm chủ quá trình xây dựng quê hương mình.
Ngoài hệ thống chính trị thì các thành phần kinh tế (5 thành phần, tương ứng là chế độ sở hữu, mô hình sản xuất) chưa được đề cập tới trách nhiệm của họ trong việc chung tay xây dựng NTM.
Kiến nghị, thứ nhất: Các tỉnh, thành phố được cụ thể nâng cao chất lượng các tiêu chí nhưng khi kiểm tra đánh giá, công nhận thì sử dụng bộ tiêu chí quốc gia.
Tiêu chí về thu nhập đã được sửa đổi quy định, thu nhập bình quân người/năm cho 3 thời kỳ năm 2012 là 18 triệu đồng (1,5 tr/người/tháng), 2015 là 26 triệu đồng (2,2tr/người/tháng), 2020 là 44 triệu đồng (3,6tr/người/tháng). Quy định này chưa có tính thuyết phục vì: Đây mới là thu nhập danh nghĩa chưa tính đến trượt giá. Mặt khác những năm cụ thể lại phải chờ liên bộ (Bộ NN&PTNT Bộ KHĐT) hướng dẫn. Theo tôi nên xác định thu nhập bình quân/người/năm dựa trên căn cứ: lương tối thiểu Nhà nước ban hành với hệ số từ 0,9-1,0.
Tiêu chí giáo dục: Phổ cập giáo dục trung học cơ sở (thay cho phổ cập giáo dục trung học). Nên nói rõ bao gồm cả chứng chỉ của các trường lớp công lập, tư thục, bổ túc văn hóa.
Thứ hai: Cần chính sách cởi mở tạo nguồn vốn để xây dựng NTM. Mỗi tỉnh đều có cách thức tạo vốn khác nhau để xây dựng NTM. Tuy nhiên đều thấy có điểm chung: yêu cầu vốn rất lớn, trung bình ở đồng bằng đã cần 7-800 tỉ/xã, vì thế tạo vốn cần lưu ý: Ngân sách dành 1 khoản riêng cho xây dựng NTM như là chương trình mục tiêu cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố: lồng ghép nhiều nội dung chi ngân sách liên quan đến tam nông hướng vào xây dựng NTM.
Động viên, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, các doanh nghiệp… đóng trên địa bàn đảm nhận, đỡ đầu, hỗ trợ, chung tay xây dựng NTM. Coi đó như điểm tốt trong thi đua khen thưởng.
Quản lý nguồn vốn xây dựng NTM: Theo nguồn hình thành sẽ gồm: Ngân sách nhà nước các cấp thông qua ngân sách xã; Nguồn đóng góp của dân; Các nguồn còn lại. Việc thanh toán, quyết toán, kiểm tra dù là nguồn nào cũng cần có quy định để dân biết, dân kiểm tra việc sử dụng.
Thứ ba, xây dựng NTM là lộ trình lâu dài không nên nóng vội, cứng nhắc, xây dựng NTM không chỉ để đạt tiêu chí NTM. NTM cần được thể hiện về chất và ngày càng nâng cao. Điểm đích của NTM là dân được hưởng cuộc sống ấm no, đời sống tinh thần phong phú, nông thôn văn minh tiến bộ. Cần có các nấc phấn đấu xây dựng NTM như: đạt chuẩn NTM, cao hơn là NTM bậc cao, NTM phát triển.
Mặt khác nếu vì 1 lý do nào đó chưa đạt đồng bộ tiêu chí NTM nhưng có những tiêu chí xuất sắc nổi trội cũng cần cộng điểm, cần nêu gương kịp thời.
Thứ tư, mấu chốt thành công trong xây dựng NTM là cán bộ thôn, xã vì thế rất cần đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ cơ sở, những người tâm huyết xây dựng NTM sẽ là đầu tầu lôi cuốn nông dân xây dựng quê hương. Lớp người cao tuổi có uy tín, gương mẫu hội tụ các dòng họ, lớp trí thức mới năng động có kiến thức, mạnh dạn vươn lên sẽ là đông lực cực kì quan trọng trong xây dựng NTM. Chính quyền các cấp xã, cán bộ thôn đi đầu làm gương, chắc chắn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ gánh vác cho sự nghiệp.
Thứ năm, sự lãnh đạo của Đảng, yếu tố quyết định thành công trong cuộc xây dựng NTM: Đảng phát động, chỉ huy, tập hợp thì dân tin tưởng. Vì thế cấp ủy cấp xã, chi bộ, tổ đảng ở thôn, xã vô cùng quan trọng: khâu nối, động viên nông dân xây đời sống mới. Cũng có thể trưởng thôn, xóm là người ngoài Đảng nhưng họ vẫn tuân thủ và thực hiện tốt chức trách của mình, do vậy họ rất cần sự ủng hộ, cổ vũ tạo điều kiện của Đảng và chính quyền các cấp.
Thứ sáu, cần có chính sách đặc biệt giúp việc xây dựng NTM gồm: Miễn thuế đánh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, trụ sở, trạm xá, chợ…) có thể cho ghi thu, ghi chi qua ngân sách xã để tăng nguồn lực cho việc xây dựng NTM; Các công việc về quy hoạch, thiết kế xây dựng NTM không nên lấy lãi; các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế ủng hộ, giúp đỡ xây dựng NTM thì số tiền giúp đỡ được giảm thu nhập doanh nghiệp, tức là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở đó. Mọi công việc xây dựng NTM nên khuyến khích sử dụng vật tư, lao động tại chỗ, vừa giúp nông dân có công ăn việc làm, vừa giảm chi phí đầu tư xây dựng.
Xây dựng NTM là công việc to lớn, nhiều mặt. Đây là việc thực hiện cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng lực lượng sản xuất, cách mạng tư tưởng văn hóa ở nông thôn. Sẽ có rất nhiều gương sáng, đồng thời cũng là dịp phát hiện điều cần bổ sung cả các mặt: lý luận, thực tiễn để quá trình xây dựng NTM của đất nước, của tỉnh Bắc Ninh mạnh mẽ, vững chắc đáp ứng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân.