Ánh sáng đường làng
Mô hình khởi đầu từ phong trào tự phát của nhân dân thôn Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Nghe các vị bô lão trong làng kể lại, việc bắt điện đường thôn được thực hiện trên địa bàn thôn từ năm 1995 nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì lý do nguồn điện cắm nhờ vào hộ cá nhân, không ai có trách nhiệm thu tiền điện nên dẫn đến thất bại. Khi triển khai lộ trình xây dựng nông thôn mới, ban dân chính thôn đã đưa ra các phương án để nhân dân thảo luận, cuối cùng chọn một phương án tối ưu nhất vừa bảo đảm cho tính bình ổn lâu dài, vừa lợi chi phí vừa nuôi dưỡng được mô hình.
Tổ đoàn kết số 4 được chọn làm điểm rồi nhân diện đến các tổ còn lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả các trục đường trong khu dân cư đã sáng đèn. Gần 3km đường thôn, 58 bóng đèn được thắp sáng với tổng kinh phí đầu tư ban đầu lên đến trên 23 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 18 triệu (bình quân mỗi hộ 120 nghìn, trừ hộ nghèo).Mô hình này đã thực sự phát huy hiệu quả nhờ vào sự đồng thuận của nhân dân. Từ khi có ánh sáng đường làng bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, nạn trộm cắp giảm rõ rệt. Thêm vào đó, nhờ ánh sáng đường làng, ban đêm học sinh đi học tổ, học nhóm thuận lợi; nhân dân tích cực hơn trong việc rèn luyện thân thể, năng sinh hoạt, tập thể dục vào buổi tối và lúc sáng sớm; câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh người cao tuổi của thôn từ khi có ánh sáng đường làng cũng tập hợp được khá động hội viên đến tham gia sinh hoạt góp phần đáng kể vào kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn.
Tiếng mõ tre tự quản về an ninh trật tự
Trong phòng, chống tội phạm, nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình có tác dụng “Trong nhà gỏ mõ, ngoài ngõ sáng đèn”; “Tiếng mõ bình yên”, “Tiếng loa an ninh”, “Tiếng kẻng canh phòng” ... Những mô hình này tuy tên gọi khác nhau nhưng cách làm không tốn nhiều công sức, lại có tác dụng cao. Khi trong thôn, xóm có việc, tiếng loa, tiếng kẻng, tiếng mõ vang lên nhanh chóng huy động được đông đảo quần chúng, tạo khí thế trấn áp tội phạm; đồng thời còn góp phần vào việc phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, cảnh báo, cảnh giác cho người dân. Nổi bật trong mô hình này phải kế đến tiếng mõ tre của thôn Tam Thanh Đông, xã Tam Thanh, Thành phố Hội An.
Thanh Tam Đông là một trong các thôn của xã Cẩm Thanh có vị trí địa lý đặc thù vùng sông nước, địa hình phức tạp, có rừng dừa bảy mẫu đã và đang là điểm đến của khá đông du khách khi chọn Hội An để du lịch sinh thái. Cạnh đó, địa bàn thôn nằm trọn trong vùng dự án trọng điểm quốc gia cầu Cửa Đại, hơn 300 công nhân khắp nơi về tạm trú tại địa bàn dẫn đến tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp nhất là về ban đêm.
Mô hình “tiếng mõ tre tự quản về ANTT” ra đời từ đặc thù của vùng sông nước Cẩm Thanh. Ông Trần Rô- trưởng thôn Thanh Tam Đông cho biết: sau nhiều lần họp nhân dân, bà con đồng thuận triển khai tìm kiếm các loại tre già đảm bảo yêu cầu cắt từng ống mõ theo lòng tre khoảng 50 cm, chính giữa đục 1 rãnh nhỏ khoảng 1cm và 1 dùi tre. Khi dùng dùi gõ vào mõ tre thì phát ra âm thanh vang rộng và nếu đánh nhiều mõ cùng lần thì âm thanh rất lớn, lan tỏa rộng nghe uy hiếp, rùng rợn đến các loại tội phạm. Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị mõ tre ban dân thôn tổ chức thực hành diễn tập các tình huống dã định cả ban ngày lẫn ban đêm, thống nhất các hiệu lệnh, qui ước khi đánh mõ.
Để mô hình được tổ chức thuận lợi, ban dân chính thôn triển khai thực hiện làm điểm ở tổ dân cư số 5 Gò Hý. Theo đó, mỗi chi, tổ hội theo chức năng của mình đã đảm trách tốt từng phần việc cụ thể; chú trọng vận động hội viên tham gia tập luyện và xử lý tình huống dã định như chống cướp giật trên đường, các đối tượng bắt chó, phòng cháy chữa cháy... Sau một thời gian triển khai, nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tạo thành một phong trào rộng rãi trong toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Đến nay, các tổ dân cư còn lại trên địa bàn thôn Thanh Tam Đông đã đồng loạt hưởng ứng. Nhà nhà có mõ tre treo ở vị trí thuận lợi, hiệu lệnh từng tiếng mõ cũng đã được tuyên truyền đến phần lớn các thành viên trong hộ gia đình. Mọi người, mọi nhà sẵn sàng vào cuộc khi phát hiện tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ý thức của người dân trong công tác phòng chống và trấn áp tội phạm nâng lên rõ rệt.
Mô hình “Ánh sáng đường làng” và “Tiếng mõ tre tự quản về an ninh trật tự” là một trong những điển hình tiêu biểu trong cộng đồng dân cư được biểu dương tại hội nghị. Hy vọng rằng các mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh và là điểm tựa vững chắc để để xây dựng thế trận lòng dân ổn định, đồng thuận với các bước đi thích hợp của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.