PV: Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam sắp trình Quốc hội được xem là bản dự thảo Luật thể hiện ý chí, nguyện vọng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm của ông về dự thảo Luật này như thế nào?
Ông Phạm Xuân Hằng: Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam nếu được QH thống nhất và thông qua với nhiều ý kiến đã được bổ sung trước đó thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện vị trí, vai trò của mình - đó là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, làm nhiệm vụ tập hợp khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nơi phát động các phong trào thi đua yêu nước…
Trước hết để làm được việc đó, Mặt trận phải thể hiện được tính dân chủ, tạo môi trường dân chủ trong hệ thống MTTQ. Mặt trận vừa là tiền đề, vừa là tiêu chuẩn để hướng tới đồng thuận và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu xã hội không có dân chủ hoặc chỉ dân chủ một chiều thì dân chủ, đoàn kết đó chưa thực chất. Trong dự thảo Luật MTTQ Việt Nam đã bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó có chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và nếu được QH thông qua, thì tức là chức năng này của Mặt trận sẽ được Luật hóa.
Trên thực tế, vai trò giám sát của Mặt trận đã được Luật MTTQ Việt Nam nói đến từ lâu. Tuy nhiên trong lần sửa đổi này, MTTQ Việt Nam đã ưu tiên tập trung đẩy mạnh hơn nữa chức năng này, thưa ông?
- Cách đây hơn 10 năm Luật MTTQ có nói đến vấn đề giám sát nhưng chỉ nói chung chung, hình thức, chưa có cơ sở pháp luật để thực hiện giám sát, nhưng lần này dự thảo đã đề cập tương đối cụ thể. Giám sát và phản biện đã được nhắc tới năm 2006, nhưng phải qua gần 2 nhiệm kỳ Đại hội mới thể chế hóa bằng Luật, việc làm này đã thể hiện được tinh thần dân làm chủ. Từ Cách mạng tháng 8 người dân từ kiếp nô lệ bước lên vũ đài chính trị, làm chủ đất nước, làm chủ bản thân mình. Vì vậy, quyền làm chủ của nhân dân không ai có quyền lấy đi. Luật MTTQ Việt Nam lần này với chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể nhân dân được Luật hóa, tức là khẳng định bản chất: dân là gốc.
Nếu được QH thông qua, theo ông, Mặt trận và các cơ quan liên quan sẽ phải thực hiện như thế nào để đưa Luật vào cuộc sống?
- Nếu được QH thông qua, tức là vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được luật hóa, thì phần còn lại là những đối tượng liên quan đến Luật phải cùng thực hiện tốt, chứ một mình Mặt trận không thể làm hết. Trước hết, với tư cách chủ thể phản biện, chủ thể giám sát MTTQ các cấp và đoàn thể nhân dân phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong điều kiện chúng ta sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống thì các đối tượng liên quan cũng phải phối hợp, phải có trách nhiệm. Trước hết về Luật Mặt trận, các cơ quan Mặt trận, những đại biểu trong khối Đại đoàn kết phải phát huy tinh thần làm chủ, thể hiện tinh thần và bản lĩnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho chính quyền nhân dân mà hành động. Để làm tốt việc này chúng ta phải làm thật, nắm thật chắc luật để thực hiện vai trò là người thi hành luật này, chủ thể thi hành luật này.
Chức năng và nhiệm vụ mới của MTTQ đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhưng có một thực tế nhiều địa phương chưa tiếp cận, thậm chí chưa coi trọng vấn đề này?
- Đây là một thách thức đối với nhiều địa phương vì vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cấp ủy chính quyền cùng cấp tại địa phương, chứ tự Mặt trận mong muốn cũng không được. Nhưng để khắc phục tình trạng này, Mặt trận phải đề xuất và cấp ủy chính quyền địa phương cũng phải quan tâm chứ không phải cứ cán bộ yếu là đưa về Mặt trận. Với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ mà đưa về Mặt trận thì dân không tin, dân không nghe và sẽ gây ra những phản cảm nhất định. Vì thế, yêu cầu đối với đội ngũ Mặt trận khi tiếp xúc với dân để triển khai các nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là xây dựng khối Đại đoàn kết trong đó có tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thì phải là những người có tư cách đạo đức tốt chứ không phải những người có khuyết điểm ở chỗ nọ, chỗ kia, rồi không biết phân công vào đâu thì đưa về làm Mặt trận.
Trân trọng cảm ơn ông!