Dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm trong thực hiện chính sách dân tộc là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”[1].
Lễ hội Đâm trâu truyền thống của dân tộc Cơ tu (nguồn: quangnam.gov.vn)
Đối với tỉnh Quảng Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 9% dân số toàn tỉnh (khoảng 130.000 người), chủ yếu là đồng bào Cơtu, Cor, Xêđăng, Mơnoong, Tàriềng, Bh’noong,… sinh sống trên 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tập trung ở 09 huyện miền núi cao và biên giới. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh. Trong đó, 14 xã thuộc 02 huyện Tây Giang và Nam Giang có 142,5 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Do đó, việc tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp xác định là một bộ phận quan trọng góp phần ổn định, phát triển bền vững của tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc như: Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của HĐND tỉnh về “Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 24/9/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020”... đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi luôn là chủ trương ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh (2010-2014) khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh khoảng hơn 411 tỷ đồng. Nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nhiều công trình hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế và công trình thuỷ lợi ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của 09 huyện miền núi giảm nhanh, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra (2,5-3%/năm). Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo 09 huyện miền núi giảm bình quân trên 4%/năm, từ 57,95% năm 2010 giảm còn 42,19% năm 2014.
Hệ thống chính trị các cấp nhất là cơ sở thường xuyên được tập trung củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh, là nhân tố quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số được các cấp ủy Đảng đặc biệt chú trọng. Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 129-KL/TU ngày 10/11/2009 của Tỉnh ủy về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, đến nay, toàn tỉnh có 2.496 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, chiếm 6,8% tổng số CB,CC,VC toàn tỉnh. Riêng đối với CB, CC cấp xã chiếm tỷ lệ cao (25,6%) so với tổng số CB, CC cấp xã toàn tỉnh. Tỷ lệ CB, CC đạt trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao (56,5%) so với tổng số CB,CC người dân tộc thiểu số cùng cấp. Số lượng CB,CC người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là 1.238 đồng chí, trong đó: Đại biểu Quốc hội khóa XIII: 01/8 đồng chí; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: 4/56 đồng chí; Đại biểu HĐND các cấp (Cấp tỉnh: 6/58, huyện: 102/580, cấp xã: 1.114/2.368). Đặc biệt, cán bộ chủ chốt cấp huyện gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cùng cấp: 16 đồng chí. Trên 80% ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã (2014-2019) của 09 huyện miến núi là người dân tộc thiểu số là hình ảnh sinh động cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo cho nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, mở rộng mạng lưới, quy mô trường lớp ở 3 cấp học, toàn tỉnh có 02/8 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia và 37 trường phổ thông dân tộc bán trú, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả bước đầu quan trọng, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới bình quân là 5,21 tiêu chí/xã, (so với 7,52 tiêu chí/xã của toàn tỉnh). Hoạt động lễ hội truyền thống được duy trì, khôi phục và tiếp tục phát triển như: Lễ hội mùa Xuân, Lễ mừng lúa mới, Lễ hội Văn hóa-Thể thao… đã phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi của tỉnh. Mạng lưới y tế được mở rộng tới thôn, bản, cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhân lực, ngân sách cho công tác y tế từng bước được tăng cường và hoạt động có hiệu quả; cơ sở khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện về quy mô, chất lượng. Đến nay, đội ngũ bác sỹ ở 09 huyện miền núi đã tăng khá nhanh về số lượng với 1.208 người, trong đó có 159 bác sỹ.
Vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy hiệu quả. Hằng năm, có khoảng 385 người là các vị lão thành cách mạng, già làng, trưởng bản… được cộng đồng bình chọn, công nhận là người uy tín. Người uy tín trong đồng bào các dân tộc 9 huyện miền núi đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự; tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân; tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương; nắm bắt tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc phản ánh kịp thời về cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng.
Nhờ sự tập trung triển khai đồng bộ, tích cực nhiều chính sách nêu trên, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi bước đầu về nhận thức trong đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước khai thác thế mạnh về tiềm năng đất đai, mạnh dạn đầu tư tạo ra hướng mới để phát triển kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam ngày một cải thiện, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, củng cố và phát huy tích cực.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được những kết quả khá quan trọng nêu trên nhưng đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng dân tộc thiểu số 09 huyện miền núi vẫn còn cao (chiếm 49,12%) so với bình quân chung của tỉnh (12,01% năm 2014). Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng miền núi tỉnh Quảng Nam với địa hình hiểm trở, độ dốc lớn rất khó khăn để tổ chức sản xuất cũng như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi tuyến cơ sở. Tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn còn phổ biến. Cùng với đó, năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Trong những năm tới, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp tỉnh Quảng Nam tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách trong và ngoài nước nhằm tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phân hóa và trình độ phát triển giữa các vùng. Tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, đảm bảo môi trường sinh thái. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội nhất là vùng biên giới, vùng giáp ranh… với quyết tâm củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì tỉnh Quảng Nam ổn định và phát triển bền vững./.
[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011);