Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: Đoàn kết nhân dân, chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng (30/04/2015)
Người đăng: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam .Ngày đăng: 05/05/2015 .Lượt xem: 373 lượt.
Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20-12-1960) do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền tay sai giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Lễ kỷ niệm lần thứ 14 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc
 Giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960/20-12-1974)

Với đường lối đúng đắn ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước để cùng nhau chống Mỹ cứu nước. Đại Đoàn Kết trích đăng ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Để cứu vãn tình thế sụp đổ của quân đội và chính quyền Sài Gòn, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ đã tăng cường can thiệp vũ trang vào miền Nam. Chúng thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” với thủ đoạn dùng người Việt đánh người Việt bằng đôla và cố vấn Mỹ và xây dựng, triển khai kế hoạch "Ấp chiến lược” hòng tách rời nhân dân ra khỏi lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Tham vọng của chúng là sẽ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Ngày 17-1-1962, Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về tình hình cực kỳ nghiêm trọng do sự xâm lược vũ trang của đế quốc Mỹ gây ra, kêu gọi nhân dân miền Nam tập trung mọi nỗ lực, kiên quyết đánh thắng "chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy. Ủy ban công bố 10 chủ trương lớn của Mặt trận nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập, dân chủ, chống lại mọi hành động xâm lược gây chiến của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam. Tiếp đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất từ ngày 16-2 đến 3-3-1962 và đã thông qua Cương lĩnh, chính sách lớn về các vấn đề hòa bình trung lập, ruộng đất, tư sản, trí thức, ngoại kiều, tôn giáo… nhằm mở rộng hơn nữa khối Đại đoàn kết toàn dân. Đại hội chủ trương thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ tự do, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Tháng 7-1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đề ra "bốn chủ trương cứu nước khẩn cấp” đòi Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách và hành vi xâm lược vũ trang vào miền Nam; các bên hữu quan đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình, tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu Quốc hội và thi hành một số chính sách hòa bình, trung lập. Chủ trương này đã tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi với mọi tổ chức, cá nhân dù chưa tán thành Cương lĩnh của Mặt trận, nhưng tán thành chủ trương chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện Cương lĩnh và chương trình hành động 10 điểm, phối hợp với lực lượng vũ trang đang mở những chiến dịch lớn, Mặt trận lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị trên cả ba vùng chiến lược với nhiều hình thức và phương pháp thích hợp. Phong trào đấu tranh chính trị đã động viên được hàng chục triệu lượt người tham gia chống càn quét, phá tan chính quyền ở thôn xã, cô lập và tiêu diệt bọn ác ôn đầu sỏ, vận động hàng vạn binh sĩ, nhân viên ngụy quyền trở về với nhân dân. Mọi hoạt động của Mặt trận vào thời điểm đó tập trung vào việc tổ chức lực lượng chính trị để phá tan hệ thống "Ấp chiến lược” - xương sống của "chiến tranh đặc biệt”. Đến cuối năm 1964, về cơ bản đã làm tan rã hệ thống ấp chiến lược của địch. Trong các đô thị, đấu tranh chính trị lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Công nhân lao động đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống thuế, chống bắt lính, chống lập "khóm chiến lược”. Học sinh, sinh viên tổ chức mít tinh, biểu tình, bãi khóa. Giới công thương đấu tranh đòi quyền lợi của ngành mình, giới mình… Tham gia đẩy mạnh đấu tranh vũ trang được coi là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Mặt trận vận động nhân dân tham gia lực lượng vũ trang với ba thứ quân, đặc biệt là tham gia các đội vũ trang tự vệ, dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Mặt trận và các đoàn thể vận động đẩy mạnh xây dựng xã chiến đấu, phát triển lực lượng du kích, tự vệ, biệt động, tổ chức đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi…

Một nhiệm vụ quan trọng khác của Mặt trận là quản lý một vùng nông thôn rộng lớn vừa được giải phóng. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đảm nhiệm một phần chức năng của bộ máy chính quyền, vận động quần chúng tổ chức nhân dân tự quản ở thôn, xã. Từ năm 1965, miền Bắc đã gửi cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực như: Tuyên giáo, giáo dục, y tế, văn hoá vào miền Nam để hỗ trợ Mặt trận Dân tộc giải phóng tổ chức công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, y tế tại vùng mới giải phóng. 

Ngày 8-1-1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp Đại hội bất thường. Kế tục và phát triển Chương trình hành động 10 điểm, Đại hội đã công bố bản Cương lĩnh mới nhằm tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình, trung lập, cô lập triệt để hàng ngũ Mỹ - Ngụy. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi Cương lĩnh đó là "ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”. 

Tháng 10-1967, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp Hội nghị mở rộng để kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích và nổi dậy Xuân 1968. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 5-1968) và sau này là Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (tháng 6-1969).

Phối hợp với đấu tranh quân sự và chính trị, Mặt trận đẩy mạnh chiến dịch tấn công về ngoại giao. Lập trường chính nghĩa, hợp tình, hợp lý của Mặt trận đã đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng và tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở trong nước và trên thế giới. Một thắng lợi quan trọng của chính sách đoàn kết dân tộc và chủ trương tranh thủ khuynh hướng hòa bình trung lập mà Cương lĩnh Đại hội bất thường Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đem lại, là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Cương lĩnh tán thành hòa bình, trung lập của Mặt trận đã thu hút được đông đảo nhân sĩ, trí thức, tư sản tham gia chống Mỹ - Thiệu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã tạo điều kiện cho một số nhân sĩ, trí thức rời đô thị ra vùng giải phóng. Ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tổ chức Đại hội thông qua Cương lĩnh và bầu các cơ quan lãnh đạo do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Ngày 6-6-1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Sự kiện chính trị quan trọng này giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ có tư cách pháp lý để tập hợp lực lượng cách mạng. Một trong những chủ trương, chính sách nổi bật của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là: "Thực hiện hòa hợp dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để làm thất bại hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh”, Mặt trận một mặt động viên nhân dân bám đất, bám làng, phối hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tiếp tục làm tan rã các khu dồn dân của địch. Mặt khác, thực hiện chính sách khoan hồng và đối xử nhân đạo đối với binh lính, sĩ quan ngụy, kể cả đối với những người phạm tội ác với nhân dân nhưng thật thà biết hối cải, mở ra con đường thoát thân cho hàng triệu gia đình binh sĩ. Phong trào chống bắt lính, đào ngũ, ra ngũ, chống cấm trại, bỏ ngũ về quê… xảy ra ở nhiều đơn vị kể cả trong các đơn vị chính quy, làm suy yếu và tiêu hao sinh lực địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và đặc biệt trong chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, các mũi tiến công chính trị, binh vận và việc xây dựng lực lượng chính trị tại chỗ được các cấp Mặt trận đặc biệt quan tâm, nên đã kịp thời phát động quần chúng nhân dân vùng lên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang giải phóng hoàn toàn miền Nam, vận động các gia đình binh sĩ, kêu gọi chồng con ra trình diện chính quyền cách mạng, tổ chức chăm lo, ổn định cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân ở vùng mới được giải phóng. Mặt trận quan tâm đặc biệt đến việc thực thi các chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc đối với các nhân sĩ, trí thức, với các nhân vật có uy tín trong chính quyền và quân đội Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một yêu cầu được đặt ra là thống nhất các tổ chức Mặt trận. Qua hơn một năm chuẩn bị, sau khi thống nhất các tổ chức thành viên, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận đã họp tại TP. Hồ Chí Minh và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến ngày toàn thắng 30-4-1975 là một chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 15 năm chiến đấu kiên cường, anh dũng của Mặt trận đã có biết bao anh hùng, liệt sĩ và nhân dân ngã xuống vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Sứ mệnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc XHCN để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ. Đối thủ chính của Mặt trận là đế quốc Mỹ và tay sai. Hình thức đấu tranh là kết hợp chính trị và quân sự, binh vận. Dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận, theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân miền Nam đã sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng phong phú, đa dạng và hết sức mềm dẻo, linh hoạt. Vì vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.
Nguồn tin: Đại đoàn kết
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 (Ngày đăng: 12/04/2017 )
Tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn (Ngày đăng: 07/04/2017 )
Tổng Bí thư Lê Duẩn- nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng (Ngày đăng: 05/04/2017 )
Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997- 2017)! (Ngày đăng: 19/01/2017 )
Mời tham gia viết bài cho Bản tin Mặt trận số đặc biệt chào Xuân Đinh Dậu- 2017 (Ngày đăng: 28/12/2016 )
Đề cương tuyên truyền 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) (Ngày đăng: 24/10/2016 )
Đề cương tuyên truyền Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2016 (Ngày đăng: 04/10/2016 )
Quế Sơn: Giám sát về tín dụng đối với người nghèo (Ngày đăng: 29/09/2016 )
Quế Sơn: Giao lưu trao đổi kinh nghiệm với huyện Bắc Trà My (Ngày đăng: 23/09/2016 )
Bắc Trà My: Tiếp tục triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ngày đăng: 05/09/2016 )
Các tin cũ hơn:
Tuyên ngôn Độc lập- Kết tinh giá trị văn hoá (Ngày đăng: 08/09/2014 )
68 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9: Sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc (Ngày đăng: 05/09/2013 )