Tiêu chí hộ nghèo sẽ không áp dụng theo kiểu bình xét như hiện nay
Tháng 6, trình Thủ tướng đề án giảm nghèo đa chiều
Ông Ngô Trường Thi |
Ông Ngô Trường Thi cho biết, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều được chỉ đạo trong Nghị quyết 76 của Quốc hội về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, và cũng là chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm sao tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo."Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng và hoàn thiện Đề án giảm nghèo theo hướng đa chiều căn cứ vào tình hình đất nước cũng như khả năng chi trả của ngân sách. Theo lộ trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng trước tháng 6-2015. Trên cơ sở được phê duyệt chúng tôi sẽ triển khai, hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra để cuối năm nay sẽ có một bộ dữ liệu đầy đủ về nghèo, không chỉ là vấn đề thu nhập mà còn là khả năng tiếp cận các nhu cầu sống cơ bản của người dân”, ông Thi nói.
Qua điều tra sơ bộ, Bộ LĐTB&XH đã xác định được 5 "chiều” nhu cầu cơ bản của người dân trong xây dựng bộ dữ liệu này, đó là: Nhu cầu về tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin. Những tiêu chí về thiếu dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch là tiêu chí để xét hộ nghèo đã rõ, còn vì sao lại đưa tiêu chí tiếp cận thông tin cũng trở thành tiêu chí xét nghèo theo ông Thi, thông tin trong giai đoạn tới là nhu cầu rất quan trọng, bởi có thông tin thì người nghèo mới có thể tiếp cận các chính sách được. Thực tế đã chứng minh ai có thông tin, người đó có nhiều cơ hội để phát triển, vươn lên.
Tăng cường lấy ý kiến người dân
Theo ông Ngô Trường Thi, sắp tới tiêu chí xét hộ nghèo sẽ không áp dụng theo kiểu bình xét như hiện nay. Sẽ có một phương pháp đo lường mới được áp dụng thí điểm trong thời gian tới, đó là tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách cũng như cả quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy, việc điều tra hộ nghèo sẽ chuyển từ việc trực tiếp tổ chức điều tra (một phần), phần còn lại để người dân tự đăng ký và sau đó thẩm định vì đây là cách làm dân chủ nhất và sát với nhu cầu của người dân. Bởi, nếu người dân có nhu cầu đăng ký thì họ sẽ thấy trách nhiệm của mình hơn và sẽ không tạo ra sức ép về vấn đề bình xét. Để xác định thu nhập của người dân, sẽ sử dụng các chỉ tiêu dễ nhận dạng làm cơ sở để sau này người dân có ý kiến. Ví dụ, vấn đề nhà ở chẳng hạn. Nếu dùng cụm từ nhà kiên cố thì rất khó, do vậy chúng tôi chia nhỏ ra là mái nhà làm bằng vật liệu gì, tường làm bằng gì để sau này nhận dạng cho dễ.
Nói rõ lý do không nên áp dụng tiêu chí bình xét hộ nghèo, ông Thi cho biết, đến giai đoạn này "kiểu bình xét” đã tạo ra lợi ích nhóm dẫn đến phản ánh không chính xác. Có những người thực sự nghèo thì lại không được cộng đồng bình xét, có những người không nghèo thì lại được bình xét, bởi do chúng ta dùng hình thức biểu quyết quá bán. Vì vậy, sắp tới chủ trương không dùng bình xét hộ nghèo hay không nghèo, mà bằng cách họp dân và lấy ý kiến người dân để nhận dạng đặc điểm theo kê khai, theo điều tra đúng hay sai. Từ đó, căn cứ vào tiêu chí xác định đối tượng nghèo hay không nghèo.
Trả lời câu hỏi nếu tiến hành áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều có ảnh hưởng đến tốc độ giảm nghèo của cả nước trong thời gian tới không? Ông Thi cho biết, áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều không ảnh hưởng gì đến tốc độ giảm nghèo. Còn với cách đánh giá như thế này tôi cho là khách quan, đảm bảo đúng thực chất của vấn đề nghèo đói cũng như tỷ lệ nghèo ở từng địa phương. Ông Thi khẳng định: Nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều sẽ bớt đi những bất cập trong công tác giảm nghèo hiện nay. Bởi, nếu xét tiêu chí nghèo như kiểu cũ thì có những xã điều kiện tốt hơn lại có tỷ lệ nghèo cao hơn, ngược lại có xã điều kiện khó khăn hơn nhưng tỷ lệ nghèo lại thấp hơn, bởi việc đánh giá đó hoàn toàn do chủ quan.
Lục Bình (ghi)