Quốc hội thảo luận Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Người đăng: Thanh Phương .Ngày đăng: 22/05/2015 .Lượt xem: 487 lượt.
Phải tôn trọng ý kiến phản biện của Mặt trậnNgày 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Cả 16 vị ĐBQH đăng ký phát biểu đều bày tỏ quan điểm đồng tình cao với dự thảo cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).


Các ĐBQH trong buổi thảo luận
 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Mặt trận không giám sát các tổ chức Đảng, đảng viên

Về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân đối với hoạt động của Đảng. Cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết việc thực hiện sau đó mới thể chế hóa thành pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định các nội dung này trong Luật.

Bày tỏ quan điểm đồng tình và tán thành cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri cũng như thảo luận tại địa phương nhiều ý kiến thấy không nên quy định Mặt trận giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là hợp lý.

Là người từng tham gia công tác Mặt trận, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nói: "Giám sát của Mặt trận trong thời gian qua đã có nhiều kết quả. Những người từng tham gia công tác Mặt trận thấy rằng trong điều kiện hiện nay, Mặt trận cần thực hiện tốt quy chế giám sát phản biện xã hội được Bộ Chính trị giao. Do vậy chưa nên quy định Mặt trận giám sát Đảng, đảng viên. Làm sao đổi mới để sau giám sát được thực thi- đó mới là điều quan trọng”.



ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): "Hiện việc tham gia 
xây dựng pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến việc khó thực hiện.
 Chính vì thế cần lấy ý kiến phản biện của Mặt trận 
để tiếp thu trước khi ban hành luật” 

Ban Công tác Mặt trận là "cánh tay nối dài”

Theo ông Phan Trung Lý, vấn đề Ban Công tác Mặt trận đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên luật hoá mô hình Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng, vì Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận mà chỉ là phương thức tổ chức trong nội bộ Mặt trận ở cơ sở. Vì vậy, đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật mà để quy định trong Điều lệ MTTQ Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định về Ban Công tác Mặt trận trong Luật và cho rằng tuy Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của MTTQ Việt Nam nhưng hiện nay đang được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương phát huy hiệu quả. Việc luật hoá mô hình này nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư. 

"Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng trong thời gian qua. Ban Công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn. Do đó, cần được ghi nhận trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho Ban này hoạt động”- ông Lý cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình việc quy định Ban Công tác Mặt trận vào trong Luật.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, tuy Ban Công tác Mặt trận không quy định trong luật nhưng trong thực tế tại Luật hòa giải ở cơ sở; Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; và Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã quy định về vấn đề này. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là giới thiệu người ra ứng cử HĐND cấp xã. "Chính vì thế tôi đề nghị phải quy định Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong Luật sửa đổi”- bà Dung bày tỏ. Còn ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phân tích thêm: Ban Công tác Mặt trận đã được hình thành ở thôn, ấp, bản, làng. Cần ghi nhận Ban này trong Luật để tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động.



Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH: 
"Ban Công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức 
để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn”

Xây dựng chính sách phải có ý kiến phản biện của Mặt trận 

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho rằng: Dự thảo Luật đã quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo ông Phan Trung Lý, quy định như vậy là phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua, bảo đảm mục đích của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), khi thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước thì các cơ quan chức năng bắt buộc phải có ý kiến phản biện của Mặt trận. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thông qua các dự án phải coi trọng ý kiến phản biện của Mặt trận chứ không phải có cũng được mà không có cũng được,  phải tôn trọng ý kiến phản biện của Mặt trận. Nói như lời ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): "Hiện việc tham gia xây dựng pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến việc khó thực hiện. Chính vì thế cần lấy ý kiến phản biện của Mặt trận để tiếp thu trước khi ban hành luật”.



ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): "Ban Công tác Mặt trận đã được 
hình thành ở thôn, ấp, bản, làng. Cần ghi nhận Ban này trong Luật
 để tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động”

Trong khi đó, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng: Giám sát, phản biện xã hội đã được Quyết định 217 của Bộ Chính trị nhấn mạnh. Do đó để đảm bảo tính đúng đắn trong hoạch định chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc ý kiến phản biện của Mặt trận khi xây dựng văn bản pháp luật. Cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý và trả lời sau ý kiến phản biện của Mặt trận.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ý kiến của các vị ĐBQH rất sâu sắc, cụ thể về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp, "Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, và giải trình chỉnh lý để Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp”- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

V. Thắng-H. Mai-K.Ly
Ảnh: Hoàng Long
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Đại Lộc: Hơn 52 ngàn lượt người được phổ biến pháp luật. (Ngày đăng: 22/07/2016 )
Duy Xuyên: Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản Luật trong các tầng lớp nhân dân. (Ngày đăng: 15/07/2016 )
Tâm huyết của người chỉ huy (Ngày đăng: 02/05/2016 )
Luật Mặt trận mở hướng cho cán bộ cơ sở (Ngày đăng: 04/06/2015 )
Núi Thành: Tổ chức tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư (Ngày đăng: 02/06/2015 )
Các tin cũ hơn:
Duy Xuyên: Tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền pháp luật năm 2015 (25/04/2015 )
Phước Sơn: Tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật năm 2015 (10/04/2015 )
Phải thể hiện bản lĩnh Mặt trận (07/04/2015 )
Phú Ninh: Tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật (03/04/2015 )
Hiệp Đức: Hội nghị bổ sung Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Khóa VII và tham gia góp ý Văn kiện Đại hội (02/04/2015 )
Duy Xuyên: Phối hợp tổ chức triển khai các văn bản pháp Luật mới được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2014 (23/03/2015 )
Núi Thành: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (Sửa đổi) (18/03/2015 )
Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi): Hội đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua (10/03/2015 )
CÂU HỎI CUỘC THI VIẾT “TÌM HIỂU HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” (10/11/2014 )
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) (06/11/2014 )
    
1   2