Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Hội nghị Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố nhằm xem xét đánh giá công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và triển khai công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế đang phát triển tích cực năm sau cao hơn năm trước, các cấp ủy Đảng đang tích cực triển khai đại hội Đảng các cấp, ở Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiện toàn các văn bản chỉ đạo, hình thành các Hội đồng tư vấn và triển khai quyết liệt việc phối hợp triển khai giám sát và phản biện xã hội. Qua hơn 1 năm thực hiện UBTWMTTQ Việt Nam đã ký kết 8 chương trình phối hợp giám sát ở cấp Trung ương với các tổ chức đoàn thể và các bộ ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị lãnh đạo Mặt trận 63 tỉnh thành phố cần tập trung thảo luận và cho ý kiến cho ý kiến vào chuyên đề đổi mới công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam; chuyên đề đổi mới công tác dân tộc của MTTQ Việt Nam; Chuyên đề đổi mới nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Việc đổi mới các công tác trên nhằm phát huy những kết quả đạt được đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2015 do Phó chủ tịch – Tổng thư ký UBTWMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày nêu rõ, sáu tháng đầu năm 2015, những chủ trương lớn về đổi mới công tác theo 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra đã được Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện, tạo ra được sự thống nhất cao về mục tiêu, phương châm hành động trong toàn hệ thống, tạo cơ sở quan trọng cho việc triển khai các nhiệm vụ của của Mặt trận trong cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với đại biểu dự hội nghị
Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả hơn, góp phần định hướng dư luận và kịp thời phản ánh thông tin hai chiều đến với các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở nhiều địa phương được tổng kết, rút kinh nghiệm và đổi mới phương thức triển khai. Việc tăng cường các hoạt động biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong đoàn viên, hội viên và nhân dân đã góp phần động viên, khích lệ các nhân tố tích cực trong xã hội. Nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được xác định rõ hơn từ Trung ương đến cơ sở. Các chương trình giám sát được Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng triển khai, trong đó Chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã đạt kết quả theo tiến độ đề ra. Hoạt động phản biện xã hội ở một số địa phương đã thu được những kết quả ban đầu tích cực. Hệ thống tổ chức, bộ máy của Mặt trận sau Đại hội được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận với các tổ chức thành viên và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, cụ thể, rõ việc hơn.
Sáu tháng cuối năm 2015, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2015 đã được Hội nghị lần thứ hai Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khoá VIII) thông qua. Theo đó sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
5 nhóm giải pháp đổi mới công tác dân tộc
Tại Hội nghị Phó chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã trình bày chuyên đề đổi mới công tác dân tộc của MTTQ. Mục đích của chuyên đề nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009-2014) về công tác dân tộc; những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đối với công tác dân tộc theo 5 chương trình hành động của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, trên 3 lĩnh vực trọng tâm về tuyên truyền, vận động, về giám sát, phản biện xã hội các chính sách dân tộc về phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu góp phần tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh báo cáo chuyên đề đổi mới công tác dân tộc của MTTQ
Theo dự thảo chuyên đề nhiệm vụ giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đối với công tác dân tộc tập trung sẽ vào 5 nhóm giải pháp. Cụ thể tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc; Phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương chính sách về dân tộc và công tác dân tộc; Tham gia thực hiện công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phối hợp thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới nâng cao chất lượng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Cũng tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trình bày chuyên đề về đổi mới nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Theo dự thảo đề án việc đổi mới nội dung cuộc vận động nhằm góp phần huy động nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững của Chính phủ giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. Đổi mới nội dung phương thức triển khai cuộc vận động nhằm giảm các nội dung trùng lắp, giảm áp lực cho cơ sở, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời làm rõ chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Đề ra các mục tiêu cơ bản, xây dựng khung tiêu chí đánh giá các nội dung thực hiện phù hợp với từng vùng miền. Thông qua triển khai cuộc vận động, phối hợp cùng nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ để từng bước hình thành các trung tâm hoat động cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo chuyên đề đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc vận động, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Về định hướng đổi mới cuộc vận động giai đoạn 2015-2020 theo dự thảo đề án nội dung cuộc vận động sẽ tập trung vào việc đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới và đoàn kết tham gia xây dựng đô thị văn minh. Cùng với đó dự thảo đề án cũng đề ra 9 nhóm giải pháp cơ bản là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Hiệp thương, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ; Vận động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Chú trọng công tác xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình; Tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; Xây dựng đề án trung tâm hoạt động cộng đồng; Điều chỉnh nội dung phương thức thực hiện quỹ “Vì người nghèo”…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm đổi mới công tác Mặt trận.
Từ kinh nghiệm Mặt trận của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kon Tum Trần Bình Trọng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tập hợp trong việc thực hiện tập hợp đại đoàn kết các dân tộc. Theo ông Trọng, ở khu vực Tây Nguyên, các thế lực thù địch luôn nhòm ngó hòng gây chia rẽ các dân tộc tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì vậy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu ở khu vực này bên cạnh việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo ông Trọng, quan trọng là xây dựng văn hóa làng. Đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên gắn chặt với rừng với làng. Làng là nơi sinh ra văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Muốn xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cần xây dựng văn hóa làng, xây dựng văn hóa cộng đồng.
“Đặc biệt đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở cần phải có chuyên môn bản lĩnh vững vàng trong công tác dân tộc, tôn giáo. Người làm công tác Mặt trận phải mang lại lợi ích thiết thực gần dân sát dân nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân nghe và làm dân tin. Làm công tác Mặt trận mà dân không tin không nghe thì khó mà thực hiện được khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như thực hiện các phong trào các cuộc vận động”, ông Trọng nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch UBMTTTQ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Phương Đào, Quyết định 217, 218 đã đi vào cuộc sống hơn 1 năm. Qua thực tế việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đã góp phần nâng cao vai trò vị trí vai trò chức năng của Mặt trận. Tuy nhiên theo bà Đào, nếu thực lực đội ngũ cán bộ vẫn giữ như hiện nay thì khó thực hiện và chỉ mang tính chất bước đầu. Từ thực tế công tác nhân sự, đội ngũ cán bộ Mặt trận vẫn chưa được quan tâm bà Đào kiến nghị cần đổi mới công tác cán bộ Mặt trận bởi giám sát phản biện là công việc trọng tâm của Mặt trận trong thời gian tới. Trung ương cần sớm có hướng dẫn một cách cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội thuận lợi hơn, bà Đào đề nghị.
Phó chủ tịch Mặt trận TP. Hồ Chí Minh Triệu Lệ Khánh cho biết, từ năm 2014 đến nay Mặt trận Trung ương đã có nhiều chương trình phối hợp của Mặt trận với các tổ chức thành viên trong công tác dân tộc. Đặc biệt, từ sau Đại hội 8 của MTTQ Việt Nam, nhiều nội dung hoạt động trong công tác dân tộc, tôn giáo đã được đổi mới. Đối với MTTQ Tp. Hồ Chí Minh, qua 2 năm nghiên cứu, theo dõi, các hoạt động trong lĩnh vực này đã hoạt động có trọng tâm, trọng điểm để làm sao phát huy hơn vai trò của các tổ chức thành viên trong công tác phối hợp.
Đối với việc đổi mới nội dung 2 CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC và Ngày vì người nghèo, Mặt trận TP HCM cũng tổ chức hội thảo liên quan đến đổi mới nội dung của 2 CVĐ này và thống nhất các nội dung đổi mới. "Qua 20 năm thực hiện, việc đổi mới tên gọi không quan trọng mà quan trọng vẫn giữ được bản chất CVĐ. Đổi mới để phát huy hơn nữa CVĐ trong giai đoạn mới" bà Khánh khẳng định.
Cũng theo bà Khánh, sau 20 năm thực hiện CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC nhiều nội dung, tiêu chí đã mang tính hình thức, đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá, xem xét lại. Ngay như đánh giá tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hiện nay cũng đang có vấn đề. Nếu cứ xét gia đình văn hóa theo những tiêu chí nhất định sẽ gây khó khăn, áp lực cho cơ sở. Việc này kéo dài nhiều năm khiến nhiều nơi chạy theo thành tích.
Ông Vi Văn Vũ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Nai phát biểu
Chia sẻ nhiều vấn dề trong công tác dân tộc, tôn giáo, ông Vi Văn Vũ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay tại Đồng Nai có 10 tôn giáo như Phật giáo, Tin Lành, Hòa Hảo… Xuất phát từ tình hình thực tế tại nhiều địa phương, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản đặc biệt có Pháp lênh tín ngưỡng tôn giáo để điều chỉnh sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên qua thời gian nhiều hoạt động tôn giáo đã gặp những khó khăn nhất định như vấn đề đăng ký sử dụng đất đối với một số các tổ chức tôn giáo. Việc phong chức sắc, chức việc, việc luân chuyển chức sắc từ giáo phận này sang giáo phận khác, các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, các tôn giáo tham gia phát triển xã hội như tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, phát triển các vấn đề về y tế đặc biệt là thuốc đông và tây y… cũng còn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Trước những vướng mắc, theo ông Vi Văn Vũ, nhiều địa phương đề nghị phải xây dựng Luật về Tín ngưỡng tôn giáo, vì Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo đã không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Điểm lại những kết quả 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định qua quá trình thực hiện cần đổi mới nội dung và phương thức tổ chức thực hiện cuộc vận động trong giai đoạn mới cho sát với thực tiễn, giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương, cơ sở.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tổ chức triển khai các cuộc vận động thì vai trò của các tổ chức thành viên là rất quan trọng trong việc khơi dậy các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
“Mặt trận vận động, chính quyền và nhân dân hành động. Người vận động chính là Mặt trận và các tổ chức thành viên để từ đó nhân dân có các hành động cụ thể. Cần tập trung vận động nhân dân bằng năng lực tự quản lý để giải quyết những vấn đề trực tiếp, bức xúc của địa phương. Để làm được việc này Mặt trận cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể có ký kết chương trình phối hợp phân công cụ thể triển khai thực hiện.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Thống nhất với định hướng đổi mới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các nội dung chính cơ bản phù hợp với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tuy nhiên không nhất thiết Mặt trận phải tham gia tất cả mà chỉ chọn những nhóm tiêu chí bức xúc và phù hợp nhất để tham gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng trật tự an toàn địa phương, xây dựng văn hóa dân tộc, chăm lo cho các gia đình chính sách. Bên cạnh đó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị MTTQ các cấp cần có đóng góp trong việc tổ chức đời sống văn hóa một cách toàn diện thông qua việc hình thành các trung tâm hoạt động cộng đồng để quy tụ người dân xây dựng đời sống văn hóa.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, sau ký kết chương trình liên tịch với Chính phủ sẽ có cơ sở để hướng dẫn việc thực hiện tại các địa phương.
“Từ nay đến 18/11, các địa phương cần tập trung tổng kết khen thưởng 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 15 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” để tạo nguồn sinh khí mới, khí thế mới nhằm phát động cuộc vận động mới: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đôi thị văn minh”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.