PV: Với một người gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực tôn giáo, ông đánh giá thế nào về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trình Quốc hội thông qua trong dịp tới?
TS. Phạm Huy Thông
Tất nhiên, Dự thảo còn có điểm cần phải đóng góp sửa đổi.
TS Phạm Huy Thông: Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần này đã có rất nhiều tiến bộ so với dự thảo những năm trước. Nhiều điểm mà Ban soạn thảo đã tiếp thu đóng góp của đại diện các tôn giáo, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về lĩnh vực này.
Thứ nhất, về thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa thế nào là tín đồ tôn giáo. Tín đồ tôn giáo là một niềm tin theo một tôn giáo thì việc trình bày nội hàm trong Dự thảo chưa làm được vì niềm tin tôn giáo vốn là niềm tin trong đầu mình. Chúng ta không thể biết có niềm tin hay không nên phải cụ thể hóa nó ra. Còn tín đồ tôn giáo là một tín đồ gia nhập một tôn giáo theo một nghi thức nhập đạo như Công giáo là phép rửa tội, Phật giáo là lễ Quy y tam bảo…. Chỉ khi nào qua nghi thức đó mới biết tín đồ có nhập đạo hay không.
Ngoài ra, một số điểm khác cũng cần phải chú ý như là người có tín ngưỡng tôn giáo được bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình tại gia đình và các cơ sở thờ tự tôn giáo thì cần phải bổ sung vì có những khi tín đồ bày tỏ niềm tin tại nơi công cộng, như người công giáo trước khi ăn cơm thì họ làm dấu.
Hay như người Hồi giáo một ngày buộc phải cầu nguyện 5 lần và có khi đang đi trên đường họ cũng dừng lại cầu nguyện. Vì vậy, trong Dự thảo nên sửa là “không được bày tỏ niềm tin mà ảnh hưởng đến người khác”.
Bên cạnh việc sửa đổi những nội dung mang tính nghi lễ, nghi thức, vậy đối với các cơ sở thờ tự tôn giáo, việc phong chẩn, phong hàm cần có sự thay đổi thế nào để đáp ứng được yêu cầu hiện nay?
- Một số điều quy định như việc phong chẩn, phong hàm những người Việt Nam có yếu tố nước ngoài thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Nhà nước ở cấp Trung ương. Theo tôi, việc này phải tách ra vì có trường hợp không làm được.
Ngay như chức Hồng y bên Công giáo làm cố vấn cho Đức Giáo hoàng và Giáo hoàng có quyền lựa chọn bất cứ người nào, không cần hỏi ai và bản thân đương sự cũng không biết có được chọn hay không thì lấy đâu thời gian để làm văn bản xin bổ nhiệm của nhà nước. Điều này gây ra những khó khăn nhất định và có nhiều trường hợp không làm được như vậy.
Ngoài ra, đối với những điểm làm lễ tại cơ sở thờ tự ngoài cơ sở tôn giáo có yêu cầu: Nếu có người khác tỉnh tham gia phải xin phép tỉnh, khác huyện phải xin phép huyện, khác xã phải xin phép xã nhưng bây giờ giao lưu thuận lợi nếu người nước ngoài đến đây dự thì biết xin phép ai và ai là người có quyền cấp phép. Đó là chưa nói đến việc bản thân những người tổ chức cũng không biết có ai đến dự. Nếu trong Dự thảo Luật cứ ghi như vậy thì sẽ dẫn đến nhờn luật.
Theo ông, hoạt động tôn giáo nói chung, đồng bào theo tôn giáo ở thủ đô nói riêng có gặp phải khó khăn gì từ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo?
- Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay cũng đã thực hiện được cách đây hơn 10 năm và vừa rồi chúng tôi cũng đã có những tổng kết. Trong thực hiện Pháp lệnh có rất nhiều ưu điểm như cho các tôn giáo xây, sửa nhà thờ dễ dàng hơn, tu tập dễ dàng hơn và các thủ tục lễ hội cũng đơn giản hơn rất nhiều. Đây là một trong những thuận lợi trong sinh hoạt tôn giáo. Nhưng điều chưa được đó là Pháp lệnh ra đời năm 2004 là thể chế hóa Hiến pháp 1992.
Trong Hiến pháp 1992, Điều 70 có quy định rằng “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” nhưng nếu không phải là công dân thì không có quyền. Phạm nhân, người bị mất quyền công dân thì không có quyền được theo và không theo một tôn giáo nào.
Hiến pháp 2013, Điều 24 có sửa là mọi người có quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, tức là trẻ em cũng có quyền đó, người nước ngoài vào đây cũng có quyền đó, người bị tạm giam, tạm giữ, tù nhân cũng có quyền đó là họ được thực thi quyền tín ngưỡng tôn giáo của họ trong điều kiện bị giam tù như vậy. Hiến pháp 2013 đã khắc phục được những điểm yếu của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động tốt hơn.
Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận nhiều công lao đóng góp của đồng bào Công giáo, trong đó có đồng bào Công giáo Thủ đô. Theo ông những đóng góp nổi bật nhất của đồng bào công giáo Thủ đô trong những năm qua là gì?
Cho đến nay tất cả các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đều qua nhiều năm sống dưới chế độ XHCN, đều có định hướng tốt lành như: Công giáo có đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, Phật giáo là “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, Tin lành là “Đạo pháp và Tổ quốc”.
Riêng Công giáo thì người công giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay. Bằng chứng ngày 2/9/1945, mặc dù những người công giáo bị sự cấm đoán của các bề trên là các thừa sai người nước ngoài nhưng vẫn tham gia tuần hành, biểu tình ủng hộ Chính phủ lâm thời và Lễ đài độc lập cũng do người công giáo thiết kế, đội quân nhạc trình bày bài “Tiến quân ca” cũng do người công giáo chỉ huy và dàn dựng.
Trong bộ máy của Chính phủ Nhà nước Việt Nam thời kỳ đầu có nhiều nhân vật là người công giáo tham gia, như bác sỹ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hà là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khóa I.
Qua 2 cuộc kháng chiến rất nhiều người đã hy sinh xương máu của mình. Riêng Hà Nội đã có 42 bà mẹ là người công giáo được phong tặng bà mẹ VNAH, 1.149 liệt sỹ, 474 thương binh là người công giáo.
Trong các lĩnh vực khác, rất nhiều người công giáo được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sỹ nhân dân….
Trong giai đoạn hiện nay thì người công giáo tiếp tục đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Thủ đô. Trước đây, một trong những lĩnh vực mà người công giáo rất sợ đó làm giàu vì trong kinh thánh có câu “Kẻ giàu có vào nước thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Nhưng nay người công giáo đã vượt qua mặc cảm để làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Phượng (thực hiện)