Niềm tin và kỳ vọng
Người đăng: Thanh Phương .Ngày đăng: 12/10/2015 .Lượt xem: 168 lượt.
Từ ngày 12 đến 14.10, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhìn lại kết quả đạt được 5 năm qua, hướng đến hành trình giai đoạn mới, Báo Quảng Nam ghi nhận những gửi gắm về niềm tin và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ lãnh đạo, đảng viên trên địa bàn tỉnh.


Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập: Vượt thách thức, tranh thủ cơ hội để phát triển

Nhiệm kỳ qua, Quảng Nam đạt được bước phát triển khá toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực và phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước. Công tác an sinh xã hội không ngừng được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh so với đầu nhiệm kỳ.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là sắp tới đây khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP), cũng như cả nước, trong chặng đường phát triển sắp tới, Quảng Nam sẽ đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, là sự cạnh tranh về kinh tế. Hội nhập vào sân chơi lớn này, các cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau. Để tồn tại và phát triển đòi hỏi sản phẩm của chúng ta làm ra phải “thắng” được ngay trên sân nhà, rồi phải giành được thị phần trên sân khách. Do đó, nền sản xuất của chúng ta phải chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, có chất lượng, giá trị cao trên một đơn vị sản xuất. Thứ hai, thách thức nữa là thị trường lao động chất lượng có tay nghề, chuyên môn cao. Một thực tế không thể phủ nhận là thị trường lao động của chúng ta hiện rất rẻ so với khu vực. Vì sao? Vì phần lớn lao động của chúng ta là lao động phổ thông, sản xuất mang tính gia công. Yêu cầu phát triển thời hội nhập phải là lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao.

Ngoài ra, một thách thức lớn khác không thể không nhắc đến là tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Khu vực duyên hải miền Trung khó có thể bị ngập úng do nước biển dâng, nhưng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cực đoan, diễn biến bất thường của thời tiết. Tôi rất lo, vì Quảng  Nam có đến 40% lực lượng lao động nông nghiệp, đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy đóng góp tỷ trọng của nền nông nghiệp trong GRDP không lớn và đang ngày càng giảm xuống nhưng nếu đối tượng này bị tổn thương sẽ gây ra bất ổn xã hội, tạo sức ép, gánh nặng đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Đưa ra phân tích về các thách thức như vậy, tôi tin tưởng với thế hệ cán bộ kế cận, giàu năng lực, uy tín, được rèn luyện trưởng thành qua thực tiễn công tác, nhất định các đồng chí được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 lựa chọn sẽ không ngừng phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục đưa ra được nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nhằm đưa Quảng Nam vượt qua các thách thức, tranh thủ tốt các cơ hội để phát triển. Trong đó, có các giải pháp hiệu quả về đào tạo nghề, về lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Đặc biệt, chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám làm, toàn tâm, toàn ý, chung tay đưa Quảng Nam phát triển trong thời kỳ hội nhập. NGUYÊN ĐOAN (ghi)

Ông Tống Thú (95 tuổi, 68 năm tuổi Đảng, Điện Bàn): Lấy dân làm gốc, sâu sát cơ sở

Theo nhìn nhận của tôi, một kết quả rõ nét nhiệm kỳ qua là tốc độ công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh nhanh, đã giúp nguồn thu ngân sách của Quảng Nam tăng vượt bậc. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện đi lên, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo đã vươn lên khá, đây là thành công lớn nhất. Tuy nhiên, ở một vài nơi, môi trường văn hóa, xã hội cũng còn phải bàn. Vì vậy, nhiệm kỳ tới các cấp lãnh đạo cần quan tâm đến đời sống văn hóa, xã hội sao cho lành mạnh và an toàn hơn. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến công tác cán bộ vì cán bộ là quan trọng nhất. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ đúng với tiêu chuẩn mà Đảng đã đề ra, nhất là vấn đề cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và phải có tầm nhìn, năng lực. Một vấn đề nữa, phải xây dựng tổ chức đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh vững mạnh trong sạch. Vừa qua nghe nói Tỉnh ủy xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vững vàng để luân chuyển, trong đó có 51 đồng chí dưới 40 tuổi. Tôi nghe rất mừng, phải như vậy mới được. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các địa phương tỉnh cũng phải quan tâm để vững vàng hơn. Cán bộ phải có trình độ năng lực, chứ qua báo chí tôi thấy một số nơi yếu quá, vì đây là “cái rốn” mà, ở dưới không vững thì ở trên có giỏi cũng khó triển khai thực hiện, nên phải quan tâm đào tạo nhiều hơn.

Tôi cũng muốn gửi gắm kỳ vọng đến đại hội nhiệm kỳ tới là làm sao bầu được đội ngũ cán bộ vững vàng về mọi mặt, trong đó lấy đạo đức làm nền tảng, nhất là phải thực sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải lấy dân làm gốc, chịu khó, gần gũi, sâu sát quần chúng. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tới phải xây dựng được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ và của từng cấp. Đặc biệt, đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, đoàn kết nhất trí giữa các địa phương, có như thế thì sức mạnh mới vươn lên, ngăn ngừa được cục bộ địa phương, phát huy được sức mạnh toàn dân để cùng hướng đến mục tiêu phát triển.

Riêng với tư cách là một cán bộ hưu trí tôi cũng mong muốn thời gian đến Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn tới những cán bộ hưu trí, những người có công dù lâu nay Nhà nước cũng đã đãi ngộ tốt rồi nhưng nhìn chung một số người cuộc sống cũng còn khó khăn. Đặc biệt, nên quan tâm đến sức khỏe, chăm sóc khám chữa bệnh chu đáo hơn. GIA KHANG (ghi)

Ông Trần Hải Vân (37 tuổi) - Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn: Lựa chọn cho được người tài đức

Nhiệm kỳ qua dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung trên tất cả lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng đều ghi dấu ấn thành tựu đáng kể.  

Với tư cách là một cán bộ đảng viên công tác ở địa bàn cơ sở, sâu sát nắm bắt tình hình và tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân nên tôi kỳ vọng lớn nhất đối với đại hội lần này là sẽ lựa chọn bầu ra được Ban chấp hành, cơ quan lãnh đạo đủ đức đủ tài để tiếp tục đưa tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên nhân dân toàn tỉnh; xây dựng Quảng Nam trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Đặc biệt, trên lĩnh vực xây dựng Đảng, đại hội cần đề ra những chủ trương, giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng Đảng, nhất là trong các quy trình, tiêu chí và thủ tục liên quan đến việc đánh giá phân loại cán bộ và đảng viên để thực sự đảm bảo được tính công tâm khách quan, đầy đủ chính xác. Đó cũng là cơ sở quan trọng trong bố trí tuyển dụng và mạnh dạn bổ nhiệm vào các vị trí, chức danh chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở với quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trên cơ sở lựa chọn và tìm kiếm các hạt nhân tốt sẽ tạo những động lực cơ bản như “đầu tàu” kéo cả bộ máy cùng chuyển động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc xây dựng, phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Riêng đối với cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn, trong nhiều năm qua dù đã được các cấp rất quan tâm, đặc biệt là các chế độ chính sách theo Nghị định 92 của Trung ương và Quyết định số 10 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo nhu cầu phát triển cuộc sống và những đòi hỏi bức thiết thì hiện nay một số chế độ chính sách cũng đã bộc lộ những hạn chế, thể hiện ngay từ chế độ thu nhập hàng tháng cũng như cách nhìn nhận vai trò công việc của đội ngũ này. Ngay cả tên gọi “Người hoạt động không chuyên trách” rõ ràng cũng có cái gì đó thể hiện sự phân biệt và chưa được nhìn nhận đúng mức. Trong khi thực tế ở cơ sở đối với anh em lăn lộn công tác thì hầu như không thua gì một cán bộ công chức, do yêu cầu, tính chất công việc rất nhiều. Do đó, các cấp, đặc biệt là tỉnh, trung ương nên chăng có xem xét, điều chỉnh và quan tâm hơn đối với đối tượng này. VĨNH LỘC (ghi)

CẦN ƯU TIÊN CHO MIỀN NÚI

Chia sẻ với Báo Quảng Nam trước thềm đại hội, nhiều già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng về những chủ trương, chính sách ưu tiên cho miền núi.

Thương binh Zơrâm Bôi (xã Sông Kôn, Đông Giang): “Ưu tiên chính sách cho người có công, cán bộ hưu trí ở miền núi”

Công tác giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi của tỉnh trong những năm qua luôn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện. Nhiều công trình dân sinh phù hợp, cùng các công trình điện - đường - trường - trạm, các chính sách giảm nghèo,... được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Có được điều đó là nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự đầu tư hiệu quả từ các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của tỉnh cho đồng bào miền núi, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Để các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh có thêm điều kiện phát triển, tìm hướng thoát nghèo, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa cho việc hỗ trợ đầu tư; cũng như thực hiện chính sách tạo điều kiện giúp các hộ đồng bào miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngoài việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi chất lượng, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục có những chủ trương mới phù hợp với miền núi. Trong đó ưu tiên chính sách cho người có công, cán bộ hưu trí vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Ông Bh’ling Hạnh (già làng, xã Zuôih, huyện Nam Giang): Đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, ưu đãi người làm công tác văn hóa miền núi

Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS trong tỉnh những năm qua, giúp thay đổi bộ mặt vùng miền núi, ổn định cuộc sống người dân. Nhiều chủ trương, chính sách đến với vùng cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo được bước phát triển cho miền núi. Cùng với các nghị quyết của trung ương, của tỉnh, huyện về cơ sở thông qua các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ dần đi vào cuộc sống. Đến nay, khi hệ thống điện - đường - trường - trạm đã được đảm bảo, đời sống người dân miền núi dần thay đổi, xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế bền vững, từng bước xây dựng làng bản văn hóa đạt chuẩn, nâng cao dân trí, không còn ỷ lại vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Để đời sống người dân miền núi tiếp tục khởi sắc, tôi mong muốn và gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự đổi mới trong cách thức lãnh đạo, quản lý; xây dựng thêm nhiều chính sách ưu tiên cho vùng miền núi thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách cho người có công, ưu đãi trong giáo dục, tạo sự đồng thuận và đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, các đại biểu cần đề cao tinh thần dân chủ, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực trong bộ máy chính quyền; tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đầu tư sáng tạo nghệ thuật dân tộc, những giá trị về tinh hoa văn hóa của cộng đồng vùng cao. Trong đó, cần chú trọng đến chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân, những người làm công tác văn hóa ở miền núi; quan tâm đến việc hỗ trợ, làm thủ tục để chứng nhận các danh hiệu nghệ nhân dân gian cho những người có nhiều cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng cao.

Ông Hồ Văn Nhun (cán bộ hưu trí, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn): “Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng lực lượng xung quanh Đảng”

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, ghi dấu một chặng đường trong công tác lãnh đạo của Đảng, cũng như việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Để phát huy hơn nữa thành tựu, ngoài các chiến lược, chính sách ưu tiên, kỳ đại hội này cần chú trọng đến các vấn đề về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả dân tộc, kể cả Kinh - Thượng, các thành phần, ai yêu đất nước Việt Nam mình, yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng thì tập hợp lại. Bởi có tập hợp sức mạnh thì mới có thể phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, tập hợp sức mạnh từ các đội ngũ trí thức, công nhân, nông dân,... để xây dựng một lực lượng xung quanh Đảng.

Chào mừng đại hội đảng các cấp hướng đến Đại hội lần thứ XII của Đảng, tôi vận động lực lượng thanh niên và nhân dân đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn phải 100% tán thành, ủng hộ và quyết tâm làm cho bằng được những vấn đề cần thiết ở địa phương mình để thay đổi cuộc sống.

Ông Hồ Văn Dinh (nghệ nhân, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My): “Khuyến khích việc đầu tư, mở rộng hệ thống trường học ở miền núi”

Những năm qua, đời sống của người dân miền núi đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới đầy khởi sắc. Từ các công trình đường giao thông nông thôn, công trình khu tái định cư, nước sinh hoạt,... cho người dân vùng dự án thủy điện được xây dựng đảm bảo, đáp ứng với nhu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào vùng cao Trà Bui nói riêng và miền núi của tỉnh nói chung còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều công trình, sau thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc sửa chữa, xây mới còn chậm gây nhiều khó khăn cho người dân.

Do vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo cần tiếp tục quan tâm nhiều đến những vấn đề bức xúc ở miền núi; tạo điều kiện đặc biệt cho việc phát triển nguồn nhân lực, cán bộ người DTTS; đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn vay giúp xóa nghèo ở miền núi gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tỉnh cũng cần có chính sách miền núi phù hợp với từng địa bàn; không ngại và mở rộng tiếp xúc cử tri tại các vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào DTTS; phải khuyến khích đầu tư, mở rộng mô hình trường học để nâng cao dân trí cho người dân, giúp họ biết làm ruộng lúa nước, không còn phá rừng làm nương rẫy.  ALĂNG NGƯỚC


Nguồn tin: Báo Quảng Nam
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Cốt lõi ở công tác tuyên truyền (Ngày đăng: 19/04/2017 )
Khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX (Ngày đăng: 18/04/2017 )
Phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên (Ngày đăng: 16/04/2017 )
Mặt trận không đứng ngoài cuộc khi báo chí phản ánh tiêu cực (Ngày đăng: 13/04/2017 )
Vụ việc xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép tại vùng dự án: Duy Xuyên quyết ngăn chặn (Ngày đăng: 10/04/2017 )
Không để tình trạng báo đăng mà Mặt trận địa phương không biết gì (Ngày đăng: 05/04/2017 )
Quảng Nam kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (Ngày đăng: 26/03/2017 )
Mặt trận phải đại diện nói lên tiếng nói của người dân (Ngày đăng: 24/03/2017 )
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Quảng Nam qua 20 năm tái lập tỉnh (Ngày đăng: 17/03/2017 )
Tổ chức hoạt động kỷ niệm 107 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. (Ngày đăng: 06/03/2017 )
Các tin cũ hơn:
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm các cơ quan, hội, đoàn thể nhân ngày truyền thống (09/10/2015 )
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà cho Mẹ VNAH (07/10/2015 )
Ban vận động "Ngày vì người nghèo" tỉnh họp bàn các giải pháp nâng cao công tác vận động "Qũy vì người nghèo" năm 2015 (06/10/2015 )
Hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. (24/09/2015 )
Điện Bàn, Tổng kết 20 năm Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (23/09/2015 )
Bàn giao 28 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở tỉnh Quảng Nam (11/09/2015 )
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan ký kết Quy chế (chương trình) phối hợp công tác (03/09/2015 )
Sức lan tỏa của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (18/08/2015 )
100 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị thiên tai ở Quảng Ninh (06/08/2015 )
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (31/07/2015 )
    
1   2