Những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh luôn nhận được sự phối hợp, cộng tác của UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Qua đó, Mặt trận đã có những đóng góp cụ thể, sát đúng tình hình, làm cơ sở để HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại các kỳ họp. Đồng thời, các phát hiện, đề xuất, kiến nghị qua giám sát của Thường trực, các Ban HĐND, UBMT tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp địa phương, đơn vị được giám sát phát huy ưu điểm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, đề cao trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo được nội dung, thời gian và thu hút sự tham gia tích cực của cử tri trong tỉnh. Qua đó, hàng trăm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được tổng hợp đầy đủ và phản ánh kịp thời với các cấp ủy Đảng và chính quyền. Nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào một số vấn đề có liên quan trực tiếp tới đời sống như: việc thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, vệ sinh an toàn thực thẩm, việc thực hiện chính sách người có công, quản lý và sử dụng đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất,... Tiếng nói cử tri là kênh thông tin quan trọng giúp đại biểu dân cử nắm bắt được tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở; là thông tin để đối chứng với báo cáo kết quả hoạt động của các ngành; cơ sở để hoạch định các chính sách phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Chức năng phản biện xã hội của Mặt trận là một biểu hiện sinh động của tư tưởng “quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Là tổ chức duy nhất có điều kiện tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, Mặt trận có lợi thế hơn hẳn so với bất cứ tổ chức nào để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Thời gian qua cùng với việc tổ chức góp ý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã có những ý kiến đóng góp quan trọng trọng trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, qua đó góp phần làm giảm những sai sót trong xây dựng và ban hành pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, cũng phải nhìn nhận rằng công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia quản lý Nhà nước trong những năm qua còn nhiều khó khăn, hạn chế; công tác phối hợp giữa UBMTTQ và HĐND chưa đạt được hiệu quả cao. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, về khách quan do chưa có những cơ chế, quy định cụ thể và đầy đủ; về chủ quan, cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và kinh nghiệm để tham gia giám sát ở những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu. Một thực tế nữa là trong hoạt động giám sát, nhiều xã không cân đối được ngân sách cho hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định của pháp luật nên hiệu quả mang lại còn thấp. Công tác phản biện xã hội chưa thật sự trở thành hoạt động bắt buộc, rộng rãi. Sự phối hợp tạo điều kiện của UBND cùng cấp để Mặt trận và các tổ chức thành viên phát huy vai trò phản biện chưa cao; cơ chế phản biện chưa được ban hành đầy đủ, cụ thể; việc thực hiện vai trò phản biện của Mặt trận còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động. Những quy định về nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa HĐND với UBMTTQ trong Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 thiếu cụ thể. Chính những điều này đã tạo khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Trong thời gian đến, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 theo hướng dành một chương riêng quy định về quan hệ phối hợp giữa HĐND với UBMTTQ và các tổ chức thành viên. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức; cơ chế phối hợp và chế tài xử lý vi phạm nhằm bảo đảm cho hoạt động phối hợp giữa HĐND và UBMTTQ có hiệu quả.
Mọi hoạt động của HĐND đều gắn liền với hoạt động của UBMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBMTTQ cùng cấp sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà HĐND quyết định hằng năm.