Toàn cảnh phiên Tọa đàm
Ngày 26/10, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức tọa đàm góp ý vào văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng với chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”.
Đây là buổi toạ đàm thứ 3 và cũng là sau cùng trong chuỗi toạ đàm mà Mặt trận phối hợp với 2 viện hàn lâm cùng các cơ quan liên quan góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII theo từng chủ đề cụ thể.
Mỗi quốc gia có sự phát huy dân chủ khác nhau
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN chủ trì toạ đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật chung của bất cứ giai đoạn nào.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau. Nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuy nhiên việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn.
Đánh giá cao Mặt trận tổ chức những tọa đàm góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII theo từng nhóm chủ đề rất sát hợp với thực tiễn hiện nay, PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người cho rằng, Quốc hiệu đầu tiên của nước ta sau năm 1945 là phải xây dựng được nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thấu hiểu sâu sắc điều này nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt dân chủ lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông Mai Quỳnh Nam, để có được dân chủ không dễ.
“Theo tôi, quan trọng ở chỗ người lãnh đạo nghĩ gì. Nếu họ nghĩ về dân thì dân được lợi. Nếu một người lãnh đạo, có một cái đầu sắt và bàn tay luôn sạch thì đất nước sẽ phát triển”, PGS.TS Mai Quỳnh Nam nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trân trọng những ý kiến đóng góp tại Tọa đàm
Dẫn lại những khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dân chủ, nhân quyền và tự do là xu thế khách quan và cũng là xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Việt Nam không phải là ngoại lệ và Việt Nam đã thừa nhận xu thế này. GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng, Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, những tư tưởng này được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, kể cả những người gần đây thường có tiếng nói trái chiều, đón nhận với thái độ tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng.
Theo GS Quý, cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ. Từ sự nghi ngại chuyển sang chủ động nắm bắt thì sẽ mang lại phương thức rất hữu hiệu trong quản lý, điều hành. Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý vĩ mô cần phải nắm lấy “vũ khí dân chủ”; học cách sử dụng văn hóa dân chủ, dùng dân chủ như là phương thức quản lý và điều tiết xã hội.
Cũng theo GS Quý, vấn đề là phải bàn thêm về thái độ của chúng ta đối với vấn đề dân chủ. “Có phải chăng đang có những định kiến, sợ hãi, phòng xa trước những biểu hiện về dân chủ, nhân quyền? Trong khi những biểu hiện đó chưa bao giờ là vấn đề lớn, vì vậy không cần phải băn khoăn cũng như có lực lượng để đối phó. Chúng ta đang ngại nhất sự phê phán của các thế lực bên ngoài về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh xử lý thì sẽ sử dụng điều đó với tác động ngược lại”, GS Quý nhận định.
Các chuyên gia đều cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự phản biện, thẩm định về mặt chuyên môn. Nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức nào hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Chỉ có một cách vừa nhân văn vừa bền vững là phải thích ứng và chung sống với tự do, dân chủ.
Ông Lê Bá Trình Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Đừng sợ internet
“Trên 30 triệu người Việt Nam sử dụng công cụ Internet, vào loại mạnh nhất thế giới. Chúng ta cần sử dụng công cụ này hữu hiệu hơn nữa, chứ không phải là tâm lý e ngại. Càng chủ động sử dụng thì hiệu quả càng lớn, nếu ngăn cản sẽ nảy sinh những hệ lụy”, GS Hồ Sỹ Quý nhấn mạnh.
Sự phát triển bùng nổ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đây là động lực thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Dân chủ hoá thông tin được xem là một trong những lĩnh vực dân chủ hoá quan trọng bậc nhất trong thời đại ngày nay, là tiền đề để thúc đẩy quá trình dân chủ hoá trở thành thực sự trong đời sống xã hội hiện đại.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Mai Quỳnh Nam chân thành cho rằng “đừng sợ internet”. Internert chỉ không tốt ở chỗ tính ẩn danh và khó quản lý, nhưng rất tốt ở chỗ khả năng tổng hợp và phản ứng rất nhanh vì dựa trên thành tựu khoa học công nghệ. Vấn đề là chúng ta cần đẩy mạnh việc công khai thông tin.
Khẳng định vai trò và sức mạnh của internet, Phó Chủ tịch Thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên cho rằng, đó là sự tiện lợi dù chúng ta không thể phủ nhận những thách thức phải đối diện do công nghệ cao mang lại. Tuy nhiên, trong trong dự thảo báo cáo chính trị không có dòng nào nói về việc khai thác và sử dụng internet.
Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Tọa đàm
PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cũng nêu ý kiến, dân chủ là xu thế tất yếu. Chúng ta không thể né tránh. Cần khẳng định thực hiện dân chủ là để bảo vệ Đảng, chế độ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, phải có luật tiếp cận thông tin. Nếu không có luật thì không thể giám sát, phản biện xã hội được. Dân gửi đến các cơ quan nhưng được phúc đáp rất ít, chưa có chế tài để xử lý chuyện “nghe rõ nhưng không trả lời”. Đó là lý do mà vừa qua khiếu nại tố cáo rất ít. Đề nghị phải có cơ chế, quy định để các cơ quan quản lý phải có phúc đáp ý kiến người dân, khi có phúc đáp phải công khai.
GS-TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng, Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tăng cường giám sát, phản biện
Sau một ngày làm việc, cuộc toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến có chất lượng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. “Mặt trận tổ chức các cuộc toạ đàm như thế này với mục đích là để lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học, trí thức - có nhiều người tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn tới đây, dưới mái nhà Mặt trận, mang đến trí tuệ và kinh nghiệm của cả cuộc đời mình”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
“Đó là những tiếng nói vô cùng đáng quý. Dù không phải ý kiến nào cũng giống nhau nhưng tất cả đều có tính xây dựng, tính chính trị cao. Chúng tôi xin chân thành lắng nghe để học hỏi”.
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng trân trọng những ý kiến ghi nhận về việc MTTQ Việt Nam là tổ chức thích hợp nhất, góp phần phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện. Người đứng đầu Mặt trận cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay Mặt trận chưa làm được nhiều và sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng này trong thời gian tới.
Luật MTTQ Việt Nam ra đời đã khẳng định rõ hơn vai trò Mặt trận và nội dung này đã được thể hiện rõ riêng trong 2 chương. Đối với giám sát và phản biện trong điều kiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, trước mắt phấn đấu có pháp lệnh về giám sát và phản biện còn về lâu dài thì cần phải xây dựng được Luật về giám sát và phản biện.
Chia sẻ với các ý kiến làm thế nào để thực thi dân chủ, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cách thực hiện dân chủ được thể hiện chủ yếu thông qua hệ thống chính quyền. Việc này được thể hiện ở 3 mặt: Đó là khi nói đến dân chủ, người dân phải xác định đường lối phát triển đất nước, người dân phải đồng tình hoặc những vấn đề khó, liên quan đến toàn dân mà phức tạp thì phải trưng cầu ý kiến của toàn dân. Vì vậy, trong quá trình hình thành đường lối chính sách phải có sự đồng thuận của nhân dân, phải làm để nhân dân tin tưởng, người dân là gốc rễ của mọi vấn đề.
PGS-TS Võ Đại Lược- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
“Những ý kiến đóng góp sâu sắc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tọa đàm hôm nay sẽ được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp để gửi tới Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Từ Lương
Ảnh Hoàng Long