Có thể nói, việc đề ra và phát động các phong trào thi đua yêu nước luôn xuất phát, gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng mà cụ thể hóa thành các nội dung thi đua cụ thể, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong đó là sự đóng góp của các tập thể, đơn vị cho đến cá nhân mỗi người- những người đã tiếp cận khái niệm “yêu nước” với tư tưởng hết sức tiến bộ, giản dị và dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Từ số báo này, Đại Đoàn Kết mở chuyên mục Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX để giới thiệu tới bạn đọc những tấm gương điển hình, trân quý ấy.
Ông Bùi Văn Dưỡng
Là người Quảng Nam, sự khốc liệt của thiên nhiên “miền Trung gió Lào cát trắng” như khắc sâu trên gương mặt ông Bùi Văn Dưỡng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Hòa, huyện Núi Thành- người luôn trăn trở với cái nghèo, cái khó. Và câu chuyện nông thôn mới đang làm mới đời sống người dân xã Tam Hòa, như một điển hình cho sự đổi thay ở miền đất vốn chỉ “giàu” nắng gió này. Nhưng với riêng ông Dưỡng đó còn là câu chuyện khác.
Ông Dưỡng bảo, trong câu chuyện của những người dân đất Quảng, cứ nói đến Tam Hòa, là người ta liên tưởng đến những cồn cát trắng xóa và khó khăn về kinh tế dường như đã mặc định, là “bạn cố hữu”. Thế rồi nông thôn mới về đến từng thôn làng. “Đọc 19 tiêu chí của nông thôn mới, chúng tôi thấy lo nhiều hơn mừng. Nhiều tiêu chí sao mà xa xôi quá, cứ như chuyện ở nơi đâu”, ông Dưỡng nhớ lại.
Ở mảnh đất nghèo này, lấy đâu ra tiền của để xây dựng hạ tầng, xây dựng những con đường giao thông bê tông? Cán bộ chính quyền, đoàn thể đều biết giá trị của chúng từ lâu. Nhưng cái thiếu là nguồn lực. Thế rồi khi nghiên cứu kỹ chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Dưỡng và các đồng sự của mình mới nhận ra, nguồn lực lấy từ chính phong trào này, khi nông thôn mới không đơn thuần là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà là cả đổi mới phương thức làm ăn. Có đổi mới, đời sống khấm khá lên, thì mọi thứ sẽ thay đổi…
“Với Tam Hòa, nơi có 80% hộ dân sống bằng nông nghiệp thì nông thôn mới có vai trò hết sức quan trọng. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã coi dồn điền đổi thửa là khâu đột phá. Muốn thực hiện được khâu đột phá này, trước tiên lòng dân phải đồng thuận. MTTQ chính là cây cầu nối giữa chính sách và cuộc sống, giữa chủ trương của Đảng, Nhà nước với người dân, nhất là trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới”, ông Dưỡng chia sẻ.
Thấu hiểu những điều này, người làm Mặt trận ở Tam Hòa ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, “vận động là vận để cho dân động”. Muốn vận động nhân dân, thì phải hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhiệm vụ đầu tiên là chính cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên phải vận động các thành viên trong gia đình mình “thông” được chủ trương, chính sách làm gương.
Theo ông Dưỡng, Tam Hòa có đến 6 thôn, lực lượng cán bộ cấp xã có hạn, không thể lúc nào cũng đi đến từng hộ gia đình để giải thích. Vì thế Tam Hòa đã có cách làm sáng tạo, là không chỉ thông qua các chi hội, Ban Công tác Mặt trận ở các thôn xóm mà còn kêu gọi những người có uy tín trong cộng đồng, kêu gọi các tộc họ tham gia phong trào.
“Việc tập hợp được nhiều thành phần khác nhau tham gia vận động đã hình thành nên một “mặt trận” rộng lớn, khiến cho 100% người dân các thôn đồng tình với chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển từ làm ăn manh mún sang làm ăn lớn” , ông Bùi Văn Dưỡng nhấn mạnh.
Nhờ đó, đến nay, 100% diện tích đất ở Tam Hòa đã được quy hoạch theo mô hình mới. Xã cũng đã xây dựng được 512 cầu cống phục vụ giao thông. Những diện tích đất được quy hoạch lại từ thửa nhỏ chuyển sang thửa lớn, tập trung đồng thời đổi mới tư duy làm ăn của nông dân. Trang trại nuôi tôm, nuôi cá hình thành, những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng tắp dần hiện rõ. Không dừng lại ở làm đường giao thông, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tập trung vào điện, trường, trạm là những yếu tố cốt yếu để nông thôn mới thành công. Hai tuyến điện trung và hạ thế dài 2,3 km ra đời để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho nông dân là điều tất yếu. Đường đi thuận lợi, hàng hóa nông sản ùn ùn được đưa đi tiêu thụ ở các chợ lớn nhỏ trong vùng. Các thương lái còn đến tận ruộng để thu mua tôm cá, rau màu của bà con.
Ông Chủ tịch Mặt trận xã Tam Hòa không giấu nổi niềm vui khi khoe rằng, cung – cầu lưu thông, hàng hóa làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, lợi nhuận được làm ra từ nông nghiệp cũng được tăng từ 10 - 20% so với phương thức làm ăn cũ.
Thành quả sau 4 năm xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bức tranh đầy đủ màu sắc của Tam Hòa ngày hôm nay. Điện, đường, trường, trạm được kết nối tới từng thôn. Những cánh đồng mẫu lớn ra đời đã trở thành những khu kinh tế bao trọn những thôn, làng. Nông thôn mới đi đến đâu, bà con bắt kịp ngay đến đó. Cả xã Tam Hòa như một “công trường” rộng lớn để người người xây dựng nông thôn mới, nhà nhà xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, nông dân Tam Hòa không chỉ biết làm ăn mà còn biết cách nghỉ ngơi hợp lý, giao lưu văn hóa văn nghệ để sau những ngày nghỉ ngơi đó lại tiếp tục hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới.
Ông Dưỡng bảo, có lẽ những câu nói vẫn còn hằn in trong tâm trí nhiều người đó là “Đất Quảng Nam chưa mưa đã ngập. Đất Quảng Nam chưa nắng đã khô. Đất Quảng Nam chang chang cồn cát” để nói lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng người dân đất Quảng can trường hôm nay đã không chịu khuất phục trước những khó khăn đó. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tam Hòa đã xuất hiện những “ngôi sao” làm kinh tế. Những “ngôi sao” này không chỉ giúp cho kinh tế gia đình phát triển mà còn giúp đỡ, cưu mang thêm nhiều gia đình cùng xã khó khăn hơn mình. Điển hình trong số đó là lão nông Trần Văn Hai, ở thôn Hòa Xuân. Ông Hai đã chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên với phương pháp trồng lúa bằng công cụ sạ hàng, giảm được chi phí đầu tư nhưng cho năng suất và lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách làm cũ và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khó khăn.
Nông thôn mới đã mang lại bộ mặt mới cho nông dân Tam Hòa. Câu chuyện nông thôn mới đang làm mới đời sống người dân xã Tam Hòa, như một điển hình cho sự đổi thay ở miền đất vốn chỉ “giàu” nắng gió này. Nhưng với riêng ông Dưỡng đó còn là câu chuyện khác. Đó là câu chuyện cuộc đời, vì với ông, ngày nào còn sức lực, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho Mặt trận, cống hiến cho con đường đổi mới quê hương mình.
Theo dự kiến đến tháng 11/2015, Tam Hòa sẽ chính thức được công nhận xã nông thôn mới. Kết quả đó có được là do những cán bộ Mặt trận tâm huyết như Chủ tịch MTTQ xã Tam Hòa Bùi Văn Dưỡng. Ghi nhận những đóng góp đó, ông Bùi Văn Dưỡng đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ xã, phường, thị trấn tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010- 2015. Trước đó, ông Bùi Văn Dưỡng cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận.
Nhã Phương